"Chỉ điểm" chốt cảnh sát giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự

Hồng Ngọc
16:51 - 21/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hành vi “chỉ điểm” - báo tin về hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông để người vi phạm né tránh đã khiến công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý người vi phạm trật tự, an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn.

Báo "chốt" cảnh sát giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự - Ảnh 1.

Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) xử phạt đối tượng có hành vi báo "chốt” Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Hành vi "chỉ điểm" - báo tin có chốt cảnh sát giao thông gây cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian gần đây khi lực lượng Cảnh sát giao thông, các Tổ công tác 141 - Công an thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến theo kế hoạch, thường xảy ra tình trạng người dân hiếu kì đứng xem.

Theo đó, tại một số chốt, người dân tụ tập để xem lực lượng 141, có những lúc dừng, đỗ xe dài hàng trăm mét, tụ tập cả dưới lòng đường, trên hè phố để xem lực lượng chức năng xử lý vi phạm. Việc này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho những người tham gia giao thông trên đường, đồng thời gây mất an ninh trật tự. 

Bên cạnh đó, một số thanh, thiếu niên còn vẫy gọi, báo cho người tham gia giao thông quay đầu tránh chốt; dùng điện thoại ghi hình, phát trực tiếp lên mạng xã hội kèm theo các lời bình cá nhân, phản ánh không đúng sự việc, hoặc thông báo chốt kiểm soát cho các hội nhóm trên Zalo, Facebook... làm ảnh hưởng đến công tác của lực lượng chức năng.

Thời gian qua, không riêng Hà Nội, Công an các địa phương đã liên tiếp nhắc nhở, răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi báo chốt Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, đo tốc độ,... trên mạng xã hội.

Hoạt động tụ tập quay phim, đăng thông tin thông báo chốt 141 là hành vi vi phạm pháp luật, khiến công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý người vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông gặp rất nhiều khó khăn.

Đề nghị không tụ tập, đưa thông tin về các chốt của lực lượng 141 lên mạng xã hội - Ảnh 2.

Nhiều thanh niên, bất chấp nguy hiểm, dừng xe giữa đường để xem Cảnh sát 141

Nhiều người cho rằng hành vi báo chốt Cảnh sát giao thông thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội là hành vi đơn giản, vô hại. Nhưng việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, vô tình tiếp tay gây nguy hiểm cho xã hội, khiến người lái xe chủ quan, mất ý thức trong việc chấp hành luật giao thông.

Nhiều người sau khi sử dụng rượu, bia vẫn lái xe, vi phạm các quy định về tốc, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông… Hành vi này cũng vô tình tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Hiện nay, việc đăng tải các bài viết có nội dung báo chốt Cảnh sát giao thông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống và đang có xu hướng dịch chuyển phương thức hoạt động sang những thủ đoạn tinh vi hơn, như lựa chọn cách truyền tin, ký hiệu riêng biệt…. Do vậy, thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm tương tự.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội đề nghị, người dân không tụ tập đông người tại các vị trí bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và không cản trở lực lượng thi hành nhiệm vụ. 

Ngoài ra, người dân không đăng bài viết, đăng thông tin, hình ảnh, clip về các chốt kiểm tra của Cảnh sát giao thông lên mạng xã hội, không tham gia bình luận, cổ vũ cho các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào thực hiện hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở những nơi công cộng gây ra mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Người có hành vi tổ chức thuê, xúi giục, hay lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động những người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng", hoặc tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Bình luận của bạn

Bình luận