Chênh lệch điểm thi giữa đề của Sở và đề của trường, vì sao?
Các trường phổ thông hiện đang thực hiện tuần lễ cuối cùng của học kỳ I. Điểm số học kỳ I cơ bản đã hoàn tất cho học sinh. Những lớp cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 thì Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra đề kiểm tra một số môn, những môn còn lại trường sẽ ra đề.
Những môn Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề, thầy trò ôn tập căng thẳng kết quả vẫn thấp
Những đề kiểm tra do Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương ra thì điểm rất thấp, có môn gần 50% điểm dưới trung bình nhưng đề của trường ra thì ngược lại: đa phần bài kiểm tra đều đạt điểm khá, giỏi.
Trong khi, những môn mà Sở ra đề thì giáo viên và học sinh phải tập trung đầu tư ôn tập nhiều hơn. Phải chăng là đề của Sở khó hơn đề của trường?
Như đã thành thông lệ, học sinh lớp 9 và lớp 12 phải trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vào cuối năm học. Vì thế, bao giờ Sở Giáo dục và Đào tạo cũng rất chú trọng ra đề cuối học kỳ cho 2 khối này - kể cả cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.
Những môn mà Sở ra đề thường là những môn sẽ nằm trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông bởi dụng ý của Sở là để các em học sinh làm quen với các dạng đề và cũng như đây là những lần tập dượt cho học sinh. Đồng thời, nắm được chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Đối với học sinh lớp 12 thì Sở ra đề kiểm tra học kỳ nhiều môn hơn vì ngoài các môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì học sinh còn phải thi các môn tổ hợp. Nhưng, đối với cấp Trung học cơ sở thì Sở thường chỉ ra đề 3 môn, đó là: Toán, Văn, Anh.
Chính vì thế, những môn mà đề của Sở thì Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo cho các tổ chuyên môn phải đầu tư ôn tập nhiều hơn và tất nhiên là các giáo viên dạy các môn này cũng lo lắng hơn vì một khi Sở ra đề sẽ không đoán định được đề sẽ nằm ở nội dung kiến thức nào.
Bởi lẽ, kiến thức cả môn học trong một học kỳ thường rất lớn mà đề thi thì chỉ gói gọn trong vài câu mà thôi. Vậy nên, đa phần giáo viên phải ôn tất cả các nội dung kiến thức đã học cho học trò nhưng không sâu được vì thời gian cho các tiết ôn tập học kỳ trên phân phối chương trình môn học không nhiều so với số tiết đã học.
Mục tiêu của giáo viên là ôn hết kiến thức để các em hệ thống lại toàn bộ kiến thức môn học theo bề rộng để sau này Sở ra chỗ nào học sinh cũng có thể làm được. Trong quá trình ôn, tất nhiên bao giờ giáo viên cũng phải lưu ý học trò về nhà ôn thêm, đầu tư nhiều hơn cho những môn Sở ra đề.
Tuy nhiên, thời điểm cuối học kỳ tập trung nhiều môn cùng kiểm tra nên học sinh không thể đầu tư cho một môn nào cụ thể được vì nhiều hôm học sinh kiểm tra đến 2 môn khiến cho các em rất áp lực.
Chính về thế, cho dù những môn Sở ra đề thì giáo viên tập trung nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn nhưng đến khi kiểm tra thì điểm của học sinh khá thấp. Chủ yếu là điểm trung bình và một ít điểm khá. Những em đạt điểm giỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay ở mỗi lớp.
Có năm, điểm dưới trung bình (dưới 5,0 điểm) chiếm số lượng lớn và điểm thấp thường rơi vào 2 môn Toán và Anh. Cũng may là các môn này có số tiết nhiều nên có nhiều cột điểm thường xuyên kéo lại, chứ ít tiết thì điểm trung bình môn của học sinh trong mỗi học kỳ sẽ rất thấp.
Đề của trường ra điểm thường cao, vì sao?
Trái ngược với đề của Sở, đề của nhà trường ra lại có điểm rất cao. Có môn học, đa phần học sinh đạt được điểm giỏi, khá, những điểm trung bình thường rất ít nên điểm yếu, kém gần như không có. Việc học sinh phổ thông làm bài kiểm tra bằng đề của trường đạt được điểm cao thực ra không có gì lạ cả.
Thứ nhất: trước khi ra đề, giáo viên trong các tổ chuyên môn sẽ thống nhất một số đơn vị kiến thức để học sinh ôn tập. Vì đề trường ra nên giáo viên thường giới hạn nhẹ nhàng ở một số đơn vị kiến thức trọng tâm nên học sinh không khó khăn trong việc ôn tập và thậm chí học sinh có thể đoán đề kiểm tra. Bên cạnh đó, có môn giáo viên còn làm sẵn đáp án cho học sinh học thuộc để ngày kiểm tra thì học sinh "tái hiện" lại mà thôi.
Thứ hai: đề trường ra thường là giáo viên hay lấy lại, hoặc chỉnh sửa đề cũ từ các năm trước nên những đề này cũng sẽ được các giáo viên trong trường giải đi, giải lại nhiều lần trong tiết ôn tập, trong lớp học thêm nên học sinh thường "trúng tủ".
Thứ ba: một số môn học mà học sinh xem là khó, nặng kiến thức thì thông thường các em sẽ đi học thêm ở nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư. Vì thế, các em đã được thầy cô "đón đầu" rất kĩ lưỡng.
Hơn nữa, một số thầy cô dạy thêm ở nhà cũng là những thầy cô đang dạy thêm cho học trò nên chuyện bật mí, tiết lộ hoặc cứ "vô tình" ôn những đơn vị trong kiến thức của đề kiểm tra rồi khi học sinh làm bài "trúng tủ" không phải là chuyện hiếm.
Một khi trong lớp có vài em học thêm biết cách làm bài, làm được bài thì các em cũng sẽ có cách truyền bài cho bạn của mình vì đa phần các trường hiện nay tổ chức kiểm tra chỉ tập trung vào những lớp cuối cấp là xếp số báo danh cho cả khối, còn các khối còn lại vẫn chủ yếu là kiểm tra theo lớp.
Vì thế, mức độ thân thiết của học trò sẽ là động lực để các em hỗ trợ lẫn nhau trong qúa trình làm bài. Vì đa phần các trường học chưa đủ phòng để bố trí mỗi học sinh ngồi mỗi bàn nên các bàn học phải xếp 2 học sinh cùng ngồi kiểm tra chung với nhau dẫn đến việc học sinh chia sẻ, trao đổi qua lại.
Chính vì thế, đề Sở ra bao giờ điểm cũng thấp vì quan điểm "học gì thi nấy". Đề của Sở thường là những môn học có nhiều tiết, kiến thức nặng nên học sinh và ngay cả giáo viên cũng rất khó trong định hướng ôn tập. Vì giáo viên thì sợ ôn chỗ này, Sở ra chỗ khác nên chỗ nào cũng phải ôn và tất nhiên là ôn không sâu được. Trong khi, học sinh cũng phải học tất cả kiến thức nên cũng khó nắm sâu, kĩ từng đơn vị kiến thức.
Riêng đề của trường thì quan điểm thường nhẹ nhàng và giáo viên bao giờ cũng "thương" học trò nên có những giáo viên dễ dàng bật mí, ôn "trọng tâm". Vì thế, chỉ cần lớp này biết thì lớp khác cũng biết theo.
Vì vậy, sự chênh lệch giữa đề Sở và đề trường vẫn luôn khá lớn về độ khó và điểm số trong các kỳ kiểm tra cuối học kỳ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google