Cháy xe điện rất hiếm khi xảy ra, pin ô tô điện an toàn hơn so với xe máy và xe đạp điện

Hồng Ngọc
08:34 - 18/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo một số báo cáo, rủi ro cháy nổ đối với xe chạy xăng và diesel cao hơn ít nhất 20 lần so với xe điện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dùng xe điện vẫn cần chú ý sử dụng đúng cách, đồng thời lựa chọn xe điện từ các nhà sản xuất uy tín trên thị trường để hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Rủi ro cháy nổ đối với xe chạy xăng và diesel cao hơn xe điện ít nhất 20 lần

Theo The Conversation, cháy ắc quy xe điện rất hiếm khi xảy ra. Dữ liệu hiện có cho thấy nguy cơ hỏa hoạn cao hơn từ 20 đến 80 lần đối với xe chạy bằng xăng và dầu diesel.

Công ty EV FireSafe của Úc đã theo dõi các vụ cháy pin xe điện chở khách trên toàn thế giới từ năm 2010 đến tháng 6/2023. Dữ liệu chỉ ghi nhận 393 vụ cháy được xác minh trên toàn cầu, trong số khoảng 30 triệu xe điện trên đường.

Trên toàn cầu, EV FireSafe phát hiện khoảng 0,0012% xe ô tô điện bốc cháy từ năm 2010 đến năm 2023. Mặc dù khó tìm được số liệu thống kê toàn cầu tương tự về xe chạy xăng và dầu diesel, EV Firesafe đã sử dụng nhiều báo cáo quốc gia và nhận thấy rủi ro bắt lửa cao hơn khoảng 0,1% ở loại phương tiện này (gấp khoảng 80 lần tỷ lệ EV Firesafe xác định cho xe điện).

cháy xe điện rất hiếm khi xảy ra, pin ô tô điện an toàn hơn so với xe máy và xe đạp điện - Ảnh 1.

Rủi ro cháy, nổ ở xe máy và xe đạp điện cao hơn so với ô tô điện. Ảnh: The Conversation

Cùng với 393 vụ cháy đã được xác minh trên toàn thế giới, cơ sở dữ liệu EV Firesafe ghi nhận 74 vụ cháy đang được điều tra và 21 vụ cháy chưa được xác minh.

Theo The Car Expert, nghiên cứu mới đây do công ty bảo hiểm AutoInsuranceEZ (Mỹ) thực hiện dựa trên dữ liệu từ Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia (NTSB), Cục Thống kê Giao thông Vận tải (BTS) và dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, xe có động cơ đốt trong ghi nhận số vụ cháy cao hơn đáng kể so với xe chạy hoàn toàn bằng điện.

Theo đó, xe điện chạy pin chỉ có 0,025% khả năng bốc cháy, so với tỷ lệ 1,5% của xe động cơ đốt trong và 3,4% của xe hybrid. Nghiên cứu tiết lộ rằng xe chạy bằng xăng và dầu diesel gặp phải 1.530 vụ cháy trên 100.000 xe, trong khi chỉ có 25 trong số 100.000 xe chạy hoàn toàn bằng điện bốc cháy. Điều này đồng nghĩa, tỷ lệ cháy của xe điện chỉ bằng 1/61 so với xe sử dụng xăng, dầu.

Tuy nhiên, những con số trên được thống kê trên ô tô điện. Tỷ lệ sự cố về hỏa hoạn và an toàn đường bộ đối với xe máy và xe đạp điện cao hơn. Trong nửa đầu năm 2023, dữ liệu EV Firesafe cho thấy xe máy và xe đạp điện gây ra hơn 500 vụ cháy pin, 138 người bị thương và 36 người tử vong trên toàn thế giới. Cũng trong 6 tháng đó, 35 vụ cháy pin xe điện khiến 8 người bị thương và 4 người tử vong.

Rủi ro cháy, nổ cao hơn đối với xe máy và xe đạp điện chủ yếu liên quan đến thiết kế và cấu tạo pin chất lượng kém cũng như việc sử dụng bộ sạc không được đảm bảo chất lượng.

Ô tô điện sử dụng pin có công nghệ và thiết kế phức tạp để đảm bảo an toàn. Hệ thống quản lý nhiệt của pin đảm bảo rằng bộ pin luôn nằm trong phạm vi nhiệt độ an toàn trong quá trình lái xe và sạc lại hàng ngày. Nó cũng kết hợp các lỗ thông hơi để giải phóng khí sinh ra ở nhiệt độ cao hơn, giảm sự tích tụ áp suất. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng kết hợp những biện pháp an toàn bổ sung khác để ngăn ngừa nguy cơ hỏa hoạn. Điều này làm cho chúng an toàn hơn nhiều so với pin trong xe máy và xe đạp điện.

Mặc dù nguy cơ cháy xe điện là cực thấp so với các loại phương tiện dùng nhiên liệu khác, nhưng cũng như mọi thiết bị sử dụng điện, các chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng nhất là người dùng phải sử dụng đúng cách, tuân theo các hướng dẫn được khuyến nghị, đồng lựa chọn xe điện từ các nhà sản xuất uy tín trên thị trường. Hiện nay, công nghệ sản xuất xe điện cũng đang được cải tiến liên tục nhằm ngăn chặn các đám cháy có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây cháy xe điện

Bộ pin xe điện lưu trữ rất nhiều năng lượng trong một không gian rất nhỏ. Khi bị hỏng, đoản mạch bên trong sẽ gây ra phản ứng dây chuyền gọi là thoát nhiệt. Bộ pin sau đó tạo ra nhiều nhiệt hơn mức có thể tiêu tan và bắt lửa.

Pin có thể bắt lửa vì nhiều lý do. Nguyên nhân có thể là do hư hỏng vật lý do va chạm, lỗi sản xuất, lỗi pin, sửa chữa nhà xưởng, đốt phá, cháy bên ngoài hoặc quá nóng.

Cơ sở dữ liệu EV FireSafe cho thấy khoảng 18% vụ cháy xảy ra khi phương tiện đang sạc và 2% trong vòng một giờ sau khi ngắt kết nối khỏi bộ sạc.

Khoảng 25% sự cố xảy ra trong không gian ngầm, 31% khi đỗ xe bên ngoài và 29% khi đang lái xe (15% còn lại không xác định được). 

Cháy xe điện được cảnh báo đặc biệt nguy hiểm. Các đám cháy phải được quản lý cẩn thận để đảm bảo an toàn cho lính cứu hỏa và công chúng.

Một khi pin xe điện bị cháy sẽ rất khó kiểm soát. Pin lithium-ion (loại pin thường sử dụng cho xe điện) cháy ở nhiệt độ cực cao, có thể kéo dài nhiều ngày và gây ra thiệt hại lớn. Chúng có thể bùng phát trở lại ngay khi ngọn lửa tưởng như được dập tắt. Nếu không được quản lý đúng cách, cháy pin có thể thải ra khí và hóa chất cực độc trong nhiều giờ và rất khó xử lý.

Ngoài ra, nguyên nhân cháy xe điện còn đến từ việc sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…) hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.

Bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.

Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.

Việc sạc điện không đúng hướng dẫn như sạc thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, đồng thời ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.

Khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện), thiết bị báo động sẽ tiêu thụ điện năng sẽ làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai, quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn) từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin có thể gây đoản mạch bên trong hoặc bên ngoài sẽ gây cháy xe.

Một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy như ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.

An toàn phòng, chống cháy khi sạc xe điện

Tại Việt Nam, để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã đưa ra những khuyến cáo cụ thể:

1. Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

2. Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới. Đồng thời lưu ý:

- Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện.. Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…

- Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0-35 độ C, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt. Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.

- Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.

3. Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.

4. Đối với xe ô tô điện:

- Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện.

- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.