Châu Âu "khô hạn" như châu Phi

PV
11:00 - 27/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, gần một nửa lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) đang thiếu nước do hạn hán. Hiên tượng này, kết hợp với những đợt nắng nóng kéo dài gây ra nhiều hệ quả đối với sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân.

Châu Âu "khô hạn" như châu Phi  - Ảnh 1.

Một đoạn lòng sông Po khô cạn ở Boretto, phía Đông Bắc Parma (Italy), ngày 15/6. Ảnh: AFP

Châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng

Ngoài việc phải trải qua những đợt nắng nóng kéo dài, châu Âu đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) của EC công bố hôm 26/7, có đến 46% lãnh thổ của EU đang ở mức "cảnh báo", tức là đất thiếu hụt độ ẩm ở mức đáng kể, và khoảng 11% lãnh thổ khác cũng đã nâng lên mức "báo động". Các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Italy, Hy Lạp và Bán đảo Iberia.

Đợt hạn hán này, bắt đầu từ đầu năm và có liên quan đến việc lượng mưa giảm mạnh. Cụ thể là từ tháng 9/2021 đến tháng 4/2022, lượng mưa thấp hơn 19% so với mức trung bình ở các vùng lãnh thổ ở mức "cảnh báo" và 22% ở các vùng lãnh thổ trong tình trạng "báo động".

Hạn hán ảnh hưởng gần 50% lãnh thổ Liên minh châu Âu

Tình trạng hạn hán trở nên trầm trọng thêm do các đợt nắng nóng mạnh đặc biệt đến sớm ở lục địa này vào mùa Hè năm nay. Theo các chuyên gia, tình hình chưa có tín hiệu khả quan, thậm chí đang ngày càng tồi tệ hơn. 

Theo một báo cáo mới đây của Đài quan sát Hạn hán toàn cầu (GDO), sông Po, sông Danube và các nhánh lưu vực đang phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng do hạn hán kéo dài, dẫn đến thâm hụt lượng mưa. Sông Po là con sông dài nhất của Italy, chảy qua miền Bắc nước này. Sông Danube chảy qua 10 nước EU và cũng là con sông dài thứ hai ở châu Âu.

Do thiếu nước, hầu hết các loại đất ở châu Âu có biểu hiện bất thường về độ ẩm. So với tình hình trong tháng 5-6, độ ẩm của đất đã giảm mạnh ở Hungary, Slovakia và Romania. Đức và Ba Lan cũng đang chứng kiến tình hình ngày càng xấu đi. Miền Nam của Pháp, Italy và Bồ Đào Nha đã không bù lại được tình trạng thiếu hụt độ ẩm của đất trong tháng qua.

Bắc Italy chứng kiến mức độ nghiêm trọng nhất

Tình trạng nghiêm trọng hơn cả là ở khu vực miền bắc Italy. Nơi này đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Chính quyền Italy đã kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ nước. Thậm chí, đầu tháng 7 này, Chính phủ Italy đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 5 khu vực từ nay cho đến cuối năm, đồng thời lên kế hoạch dành khoản ngân sách trị giá 36 triệu euro để đối phó khẩn cấp với tình trạng hạn hán ở nước này.

Sau nhiều tháng khô hạn, mực nước sông Po và sông Dora Baltea của Italy đã giảm mạnh so với mức trung bình tới 8 lần. Cả hai con sông đều cung cấp nước cho một trong những khu vực nông nghiệp quan trọng nhất ở EU. Dự báo 30% sản lượng nông nghiệp của Italy có nguy cơ mất trắng bởi hạn hán.

Cơ quan quản lý thủy lợi khu vực sông Sesia (Tây Bắc Italy) thậm chí còn ra lệnh cấm tưới cây ăn quả để dành nước tưới cho cây lương thực.

Tại thành phố Pisa thuộc vùng Tuscany, chính quyền địa phương bắt buộc thực hiện việc phân chia "khẩu phần" nước. Người dân chỉ được phép sử dụng nước “cho sinh hoạt và vệ sinh cá nhân”, nếu ai vi phạm có thể bị phạt tới 500 euro.

Nắng nóng, hạn hán thậm chí còn đã trực tiếp gây ra thảm họa ở Ý mới đây, khi một khúc sông băng trên đỉnh Marmolada thuộc dãy núi An-pơ từng “ngàn năm phủ tuyến” đã bất ngờ sụp đổ và rơi vào đoàn người leo núi ở phía dưới, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương và mất tích.

Nông nghiệp và thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán

Các nước đặc biệt bị ảnh hưởng là Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy và ở một mức độ nào đó, Đức và Ba Lan. Vào tháng 5, Công đoàn Nông nghiệp Pháp đã cảnh báo rằng sản lượng lương thực bị mất ở quốc gia này có thể lên tới 40% nếu tình hình hạn hán tiếp tục diễn ra.

Thâm hụt lượng mưa khiến các con sông khô cạn. Tại Pháp, khách du lịch đến thăm Gorges du Verdon đã chứng kiến dòng chảy giảm mạnh, khiến nhiều hoạt động dưới nước không thể thực hiện được. Nhiều con sông ở châu Âu cũng chịu chung số phận, đặc biệt là ở Đông Âu, cũng như sông Po ở Italy.

Lượng nước tiêu dùng sinh hoạt cá nhân ở Liên minh châu Âu (EU) thực ra chỉ chiếm 9% tổng lượng nước sử dụng, khoảng 60% được sử dụng cho nông nghiệp.

Mặc dù hệ thống tưới nhỏ giọt hiệu quả, nhưng vẫn còn một tỷ lệ lớn đất nông nghiệp tại châu Âu vẫn được tưới bằng các phương pháp không bền vững. Chuyên gia Zal từ Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) cho biết, để quản lý tốt hơn các cuộc khủng hoảng nước, cần phải chuyển từ quản lý khủng hoảng và phân bổ nước theo hướng có chiến lược lâu dài.

Điều này có nghĩa là cần có những biện pháp hiệu quả hơn trong việc sử dụng nước, quản lý rủi ro trong tương lai và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

“40% đất đai châu Âu dành cho nông nghiệp và lĩnh vực này sử dụng tới 44 triệu lao động”, ông Juan Pardo Martinez, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển Novagric cho hay. Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu mà châu Âu đang phải gánh chịu cùng với tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga -Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những biến động kinh tế - chính trị của nhiều nước EU.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận