Chấm điểm học sinh dựa vào "like, share" trên mạng xã hội, nhà trường vi phạm quy định nào?

Phan Anh
13:18 - 12/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đếm lượt tương tác trên mạng xã hội qua like, share để chấm điểm học sinh là trái với các Thông tư quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chấm điểm học sinh dựa vào "like, share" trên mạng xã hội, nhà trường vi phạm quy định nào?- Ảnh 1.

Không có quy định nào về việc đếm lượt tương tác mạng xã hội để chấm điểm học sinh. Minh hoạ: Free/images

Vừa qua, một số phụ huynh Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) phản ánh nhà trường thông báo sẽ cho học sinh khối 10 đi xem kịch ở Nhà hát Trần Hữu Trang. Sau khi xem kịch xong, các học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em, sau đó đăng trên mạng xã hội chấm điểm.

Đếm lượt tương tác mạng xã hội để chấm điểm học sinh

Theo quy định, bài thu hoạch sẽ được chấm điểm như sau: Thang điểm đánh giá là 10 điểm. Trong đó nội dung cảm nhận vở kịch: 3 điểm; thiết kế bài thu hoạch đẹp: 3 điểm; đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like (yêu thích): 2 điểm; share (chia sẻ) trên trang cá nhân đạt trên 50 lượt share: 2 điểm.

Phụ huynh phản ứng cho rằng, việc tính điểm như vậy không công bằng, chưa khách quan với học sinh.

Chia sẻ với truyền thông, ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, cho biết xem kịch, phim là hoạt động trải nghiệm bên ngoài nhà trường có tính phí theo tinh thần tự nguyện nhưng không lấy điểm theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc cộng 1-2 điểm chỉ là điểm thưởng vào cột đánh giá thường xuyên và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập của học sinh.

Theo ông Phú, việc nhà trường khi tính điểm theo hình thức đếm like, lượt share, thả tim cũng là có dụng ý.

"Hiện nay, em nào cũng có điện thoại thông minh, tài khoản mạng xã hội, tại sao không tận dụng cái các em đang có để quảng bá sản phẩm do chính mình làm ra. Để các em hiểu rằng, một clip khi chia sẻ trên mạng xã hội và mời anh em, họ hàng, bạn bè cùng share, like thì cần có kỹ năng giao tiếp thế nào, đồng thời để đưa một bài viết, một clip lên mạng xã hội cần phải chỉn chu, chọn lọc thông tin ra sao.

Thông qua việc chia nhóm để làm việc, các em sẽ học được cách làm việc nhóm, kỹ năng hợp tác, đoàn kết, chia sẻ thông tin, chọn lọc thông tin, kỹ năng cảm nhận thế nào, sử dụng mạng xã hội văn minh. Qua những công việc như vậy để hình thành tập thể đoàn kết yêu thương nhau", ông Phú nói.

Vậy, việc khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách văn minh khác với việc chấm điểm, đánh giá học sinh như thế nào?

Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định nào liên quan đến việc học sinh phải tương tác mạng xã hội

Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (còn hiệu lực đối với lớp 9, lớp 12) quy định hình thức kiểm tra, các loại bài kiểm tra, hệ số điểm bài kiểm tra như sau:

1. Hình thức kiểm tra:

Kiểm tra miệng (kiểm tra bằng hỏi-đáp), kiểm tra viết, kiểm tra thực hành.

2. Các loại bài kiểm tra:

a) Kiểm tra thường xuyên gồm: Kiểm tra miệng; kiểm tra viết dưới 1 tiết; kiểm tra thực hành dưới 1 tiết;

b) Kiểm tra định kỳ gồm: Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên; kiểm tra thực hành từ 1 tiết trở lên; kiểm tra học kỳ.

Còn Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) quy định đánh giá thường xuyên như sau (trích):

1. Đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

2. Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần, trong đó chọn một số lần kiểm tra, đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học theo kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) để sử dụng trong việc đánh giá kết quả học tập môn học theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định nào về việc chấm điểm bài làm học sinh dựa trên lượt like trên mạng xã hội. Cũng không có quy định nào về việc cộng điểm trong các hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh.

Các nhà trường hết sức thận trọng trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy kĩ năng ngoài chính khoá. Các nội dung này rất dễ khiến phụ huynh, gia đình và học sinh phản ứng gay gắt, dẫn đến khủng hoảng truyền thông lan rộng. Cần phân biệt giữa việc nhìn nhận, đánh giá học sinh của nhà trường thông qua các quy chế, quy định với việc khuyến khích, phát triển kỹ năng học sinh qua các hoạt động ngoài nhà trường, hoặc tồn tại dưới dạng câu lạc bộ yêu thích của các em. 

Thay vào đó, giáo viên có thể đánh giá theo quá trình để ghi nhận sự tiến bộ của học sinh. Nghĩa là đánh giá liên tục quá trình học tập của các em. Quá trình đánh giá diễn ra ngay tại lớp học, trong quá trình giảng dạy và có thể đánh giá ngay cả thời gian sau giờ lên lớp.

Đánh giá thường xuyên là một trong những công việc cần thiết trong các giờ học. Có thể thông qua hình thức kiểm tra miệng đầu giờ, một bài kiểm tra nhỏ 5-20 phút hoặc lồng ghép vào những câu hỏi trong tiết học.

Đánh giá định kỳ thường là những bài kiểm tra 45 phút hoặc 90 phút với nội dung tổng kết một chương hoặc một học kỳ. Đây là phần đánh giá bắt buộc cần thực hiện để đánh giá kết quả học tập của học sinh.