Cây liễu bên sông Volga, cô gái Nga xinh đẹp và bản nhạc cũ
Khi tôi hát bài hát dân ca Nga "Cây liễu", tôi vẫn dùng lời dịch của tôi. Tôi hạnh phúc vì tôi đã từng đứng bên cây liễu bên bờ sông Volga, một ngày tháng mười một của thập kỷ 70, và được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp Nga vùng nông thôn rất khó quên.
Mùa hè đáng nhớ ở nước Nga
Mùa hè năm 1970, tôi nghỉ hè ở trại hè Igumenka dành cho lưu học sinh quốc tế đang học tại Moskva (Nga). Trại cách không xa thủ đô Moskva và nằm bên bờ sông Volga đầy những cây liễu rủ. Số lưu học sinh các nước tới trại hè có tới trên 300 người.
Một trưa nắng, tôi đi ca-nô qua bờ bên kia của sông Volga, sau đó tôi rẽ vào một ngôi làng của nước Nga có vẻ cổ kính trong không gian thanh bình và vắng lặng. Dường như nghe thấy được tiếng lá rơi xuống thảm cỏ, một không gian yên ắng tới mức tưởng như dòng thời gian đang ngừng trôi.
Tôi đi vào một sân đất nện, tới một căn nhà gỗ truyền thống của người Nga. Cách cửa ra vào căn nhà vài mét có xích một chú gấu đen. Ngay cửa ra vào có một cụ già ngồi trên chiếc ghế tựa cũ kỹ, miệng ngậm điếu thuốc. Một con chồn nuôi để bắt chuột đang quanh quẩn bên cụ.
- Này chàng trai, ở đâu tới, có việc gì đấy?
- Bố ơi, trong làng có cửa hàng tạp hóa không?
- Có, ra cổng rẽ phải, chừng một trăm mét có cửa hàng nhỏ, nhưng khối thứ lặt vặt.
- Cảm ơn bố, con đi đây.
Cửa hàng nhỏ ở đây cũng bằng gỗ, có 2 gian. Các quầy hàng xếp nhiều loại hàng, từ máy ảnh, radio chạy pin, các dụng cụ gia đình đến kẹo bánh, sữa chua, bánh mì trắng và đen, bơ và pho-mát...
Bán hàng là cô gái trẻ chừng 18-19 tuổi. Một thôn nữ Nga với khuôn mặt mang vẻ thánh thiện của Đức Mẹ với đôi mắt xanh sáng ngời và một thân hình cân đối đầy sức sống.
- Cô bé xinh đẹp ơi, có phim cho máy ảnh không? Phim chụp 36 pô và 72 pô?
- Em chỉ có phim 36 pô thôi, anh cần mấy cuộn?
Tôi vào cửa hàng mua phim chụp ảnh, nhưng cứ vờ hỏi các loại hàng khác để có thì giờ ngắm nhìn cô nàng kiều diễm đang bán hàng. Cô như một tác phẩm vừa đẹp vừa cổ điển của nông thôn Nga.
Đứng lâu sợ vô duyên, tôi đành quay về bờ sông Volga để trở lại trại hè.
Sau trại hè, tôi về lại Moskva với những buổi mài mòn đũng quần ở thư viện Ushinsky. Một hôm, tình cờ tôi thấy có tập sách Dân ca Nga, mở ra đập vào mắt tôi là bài hát dân ca Nga:
"Ивушка - Cây liễu"
Зорька золотая светит за рекой,
Ивушка родная, сердце успокой.
Ивушка зеленая, над рекой склоненная,
Ты скажи, скажи не тая, где любовь моя?
Ивушка зеленая, над рекой склоненная,
Ты скажи, скажи не тая, где любовь моя?
Ивушка зеленая, над рекой склоненная,
Ты скажи, скажи не тая, где любовь моя?
Ты скажи, скажи не тая, где любовь моя?
Dịch nghĩa:
Vầng dương chiếu sáng muôn tia vàng
Nhè nhẹ tỏa sáng bên bờ,
Và hàng dương liễu mến yêu này
Làm ta dịu hết nỗi buồn.
Liễu thân yêu xanh xanh dịu dàng,
Đứng bên sông nghiêng nghiêng nhẹ nhàng,
Nói đi em, ta nghe đừng thôi nữa,
Người yêu ta ở nơi nào?
Tôi nhẩm hát theo các nốt nhạc, thấy hiện lên ký ức về ngôi làng Nga bên bờ sông Vokga và cô gái trẻ xinh tươi bán hàng tạp hoá mà tôi đã gặp. Tôi nghĩ vẻ tươi tắn của nàng có thể đại diện cho nông thôn Nga xinh đẹp và khiến chàng trai si tình nào cũng đều mong muốn kết duyên.
Đêm đó, tôi dịch lời bài hát "Cây liễu" sang tiếng Việt, với đầy ắp ký ức về cô gái Nga và hình bóng cây liễu Nga bên bờ sông Volga với một cảm xúc chân thực của lòng mình.
Nay tôi chụp lại bút tích bài dịch đó từ năm 1970 để chia sẻ với những bạn yêu mến dân tộc Nga, đất nước Nga với những cô gái Nga xinh đẹp.
Cách đây mười mấy năm, tôi cũng có mua một tập dân ca Nga được dịch sang tiếng Việt, trong đó có bài "Cây liễu". Người dịch có thể hơn tôi xa về trình độ âm nhạc và dịch thuật, nhưng khi tôi hát bài hát "Cây liễu" này, tôi vẫn dùng lời dịch của tôi. Tôi hạnh phúc vì tôi đã từng đứng bên cây liễu bên bờ sông Volga, một ngày tháng mười một của thập kỷ 70, và được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp Nga vùng nông thôn rất khó quên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google