Chuyện đầu tư: Trái phiếu hay tiết kiệm?

Quang Minh
11:35 - 04/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khi sở hữu một khoản tiền nhàn rỗi trong tay, ai cũng mong muốn có lợi nhuận phát sinh từ khoản tiền này. Lựa chọn kênh đầu tư nào phù hợp? Trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm đều đang được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn, hiệu quả cao.

Nên mua trái phiếu ngân hàng hay gửi tiết kiệm?

Hiện nay, tồn tại khá nhiều hình thức đầu tư tài chính cá nhân giúp sinh lời hiệu quả. Trong số các kênh đầu tư an toàn, hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng và mua trái phiếu ngân hàng là hai trong số hình thức được nhà đầu tư quan tâm và ưu tiên lựa chọn hơn cả bởi tính an toàn và hiệu suất sinh lời tương đối cao. 

Tại các ngân hàng thương mại, nhiều sản phẩm dịch vụ đầu tư liên quan tới trái phiếu và gửi tiết kiệm được triển khai với nhiều loại hình, thời hạn, giá trị khác nhau... đem lại sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng. 

Có thể nói, trong số các sản phẩm, dịch vụ đầu tư tại ngân hàng, hình thức gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu là hai hình thức phổ biến nhất. Điều mà nhiều nhà đầu tư phân vân, nên chọn mua trái phiếu ngân hàng hay gửi tiết kiệm để đầu tư an toàn, hợp lý và mang lại lợi nhuận cao nhất?

Trái phiếu ngân hàng

Là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành với người sở hữu trái phiếu. Người mua trái phiếu cho người phát hành trái phiếu vay một khoản tiền gốc bằng với giá trị của trái phiếu. Đơn vị phát hành trái phiếu phải trả lãi cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.

Những trái phiếu phổ biến nhất, được phân loại theo chủ thể phát hành là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu của các tổ chức tài chính và trái phiếu ngân hàng.

Trái phiếu ngân hàng là loại trái phiếu mà đơn vị phát hành là ngân hàng. Giống như các chủ thể khác, mục đích phát hành của ngân hàng là huy động vốn lớn trong thời gian ngắn. Trái phiếu ngân hàng giúp khách hàng/nhà đầu tư có cơ hội đầu tư an toàn với mức lãi suất cao bởi các ngân hàng phát hành trái phiếu thường có tài sản và thu nhập ổn định và được sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Lãi trái phiếu được tổ chức phát hành trả đều đặn thanh toán cho khách hàng và không phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian và mức lãi suất đều được ghi rõ trên hợp đồng và hai bên bắt buộc phải tuân thủ. Dù làm ăn thua lỗ, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn có nghĩa vụ thanh toán đủ tiền lãi đúng hạn cho các trái chủ.

Bên cạnh đó, có thể linh hoạt chuyển nhượng trái phiếu thông qua sàn giao dịch hoặc bán lại cho tổ chức phát hành và các trái chủ mới mà không cần giữ đến đáo hạn. Trong trường hợp tổ chức phát hành ngừng hoạt động và thanh lý tài sản thì các trái chủ luôn được quyền ưu tiên nhận lại vốn trước các cổ đông sở hữu cổ phiếu.

Gửi tiết kiệm

Là hình thức gửi khoản tiền nhàn rỗi vào ngân hàng nhằm mục đích hưởng lãi định kỳ theo mức lãi suất được ngân hàng ấn định với đa dạng các kỳ hạn: ngắn hạn/ dài hạn, không kỳ hạn phù hợp với kế hoạch tài chính trong tương lai.

Câu chuyện đầu tư: trái phiếu hay tiết kiệm? - Ảnh 1.

Với thủ tục mở sổ tiết kiệm đơn giản, nhanh gọn, tính thanh khoản cao, gửi tiết kiệm được nhiều nhà đầu tư yêu thích. Ảnh minh hoạ: IT.

Về cơ bản khi gửi tiết kiệm bản chất là khách hàng/ nhà đầu tư đang cho ngân hàng, tổ chức tín dụng vay tiền và ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thanh toán tiền lãi trên khoản tiền đó. 

Điều này giống với trái phiếu, nếu khách hàng/nhà đầu tư mua trái phiếu tức là họ cũng đang cho đơn vị này vay tiền để thu lại lợi nhuận. Việc nhà đầu tư nhận tiền khi đáo hạn cũng tương tự với việc rút tiền từ tài khoản tiết kiệm sau khi hết hạn gửi tiền ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Điểm khác biệt giữa trái phiếu ngân hàng và tiền gửi tiết kiệm nổi bật là mức phân chia lãi suất và lợi nhuận. Nếu như trái phiếu thường ít có biên độ hơn tiết kiệm nên tính ổn định sẽ cao hơn, bên cạnh đó, lợi nhuận của tiết kiệm được trả định kỳ cho khách hàng có nhu cầu rút lãi hàng tháng/hàng quý... trong khi đó, lợi nhuận của trái phiếu sẽ được trả theo quy định từng sản phẩm, song có thời gian dài hơn so với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm. 

Đánh giá về mức độ rủi ro, các sản phẩm tiết kiệm thường có sự thay đổi lên xuống về lãi suất, nhưng tính tiện ích của sản phẩm có thể giúp nhà đầu tư đáo hạn, thay đổi, nhận/rút/tất toán tiền trước thời hạn, tuy nhiên đối với trái phiếu thì nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi theo quy định hoặc chỉ có thể chuyển nhượng nếu tìm được nguồn cầu. 

Nhà đầu tư cần lựa chọn ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín, có mức lãi suất phù hợp

Hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, tuy có lợi nhuận thấp hơn nhưng mức độ an toàn khá cao, đối với những người không rành về đầu tư thì đây là lựa chọn phù hợp. Với thủ tục mở sổ tiết kiệm đơn giản, nhanh gọn, tính thanh khoản cao, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn kỳ hạn gửi với lãi suất phù hợp nhu cầu.

Đối với hình thức đầu tư trái phiếu ngân hàng, nhà đầu tư cần phải có nền tảng kiến thức, am hiểu nhất định để có thể lựa chọn những ngân hàng tốt, tiềm năng tăng trưởng mạnh, đảm bảo cho khoản tiền đầu tư của mình. Lãi suất của trái phiếu cao đồng nghĩa với rủi ro lớn, nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ trước khi đưa ra quyết định.

Các chính sách về trái phiếu ngân hàng và tiền gửi tiết kiệm hiện nay

Đối với tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm, nhằm đảm bảo sự an toàn của tiền gửi của người gửi tiền.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tiền gửi tiết kiệm còn được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012. Người gửi tiền tiết kiệm không phải trả bất cứ khoản tiền nào thêm để được hưởng chính sách bảo hiểm tiền gửi. Các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của mình.

Theo quy định hiện hành, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.

Về trái phiếu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 quy định về phát hành kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và ban hành hướng dẫn và chỉ đạo để đảm bảo sự hiểu biết rõ ràng của khách hàng về các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Điều này bao gồm cả việc giới thiệu sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không bắt buộc với việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng cần đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng, các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư, đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng, nhà đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan…

Các tổ chức tín dụng được khuyến khích không gây áp lực lên nhân viên hoặc đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc.