Chính phủ nêu giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

PV
16:59 - 14/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022 yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm đưa ra giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong ngắn hạn và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh trong trung, dài hạn.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu và than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.

Chính phủ nêu giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp. Ảnh: IT

Có thể nói, trong thời gian qua, viêc ổn định thị trường trái phiếu đã đạt được những kết quả  tích cực. Mặc dù, đã có một số vụ việc tiêu cực xảy ra đã ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ tới tâm lý của nhà đầu tư. Điển hình như vụ án liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoạt động của một số Ngân hàng yếu kém, và một số doanh nghiệp liên quan khác. 

Trả lời báo chí tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng đã cho biết: Vụ án xảy ra tại Công ty Đầu tư An Đông với bị can là Trương Mỹ Lan và đồng phạm là vụ án rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, trinh sát và khởi tố vụ án.

Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, để thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, tài chính ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đúng với cơ chế thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, của người dân, doanh nghiệp, và xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đại diện Bộ Công an cho biết, trong quá trình tố tụng, có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử. Việc này gây khó khăn thêm cho quá trình điều tra, nhưng với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, chắc chắn bản chất vụ việc vẫn sẽ được làm rõ, pháp luật sẽ được thực thi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây cũng đã khẳng định việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư luôn được thực hiện một cách nghiêm túc.

Một số công ty sai phạm chỉ là đơn lẻ và đã bị xử lý pháp luật để lành mạnh thị trường. Các công ty phát hành này đã cam kết trả đúng hạn trái phiếu khi đến hạn. "Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư" - Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đang hành động khẩn trương để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư. Phong tỏa tài khoản hàng trăm công ty để bảo vệ và thu hồi tiền trái phiếu cho nhà đầu tư, đảm bảo trả nợ cho nhà đầu tư chính là một trong những phương án khẩn trương mà Chính phủ đang triển khai để mang đến môi trường đầu tư lành mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được thảo luận và chỉ đạo sát sao của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. 

Theo đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã báo cáo nhiều giải pháp như cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các trái phiếu sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường.

Ban IV đề xuất có thể kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm 2% VAT, chính sách giãn hoặc hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo nghị định số 96 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...

Để gia tăng hiệu quả sử dụng hạn mức tín dụng năm 2023, giúp dòng vốn hỗ trợ được cho doanh nghiệp ở nhiều ngành và lĩnh vực, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng thương mại để nghiên cứu, thiết kế các gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực trong nước, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để không triệt tiêu năng lực doanh nghiệp.

Việc siết tín dụng bất động sản, cần phân tách các loại bất động sản để các loại hình như xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, các dự án xây dựng hạ tầng sản xuất... không bị ảnh hưởng tiêu cực theo chính sách chung, từ đó tạo cơ hội cho nhiều nhóm doanh nghiệp liên quan là một nghiên cứu đề xuất để ổn định phát triển kinh tế.

Nguồn: Tổng hợp