Cao điểm xâm nhập mặn: Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt

Hồng Ngọc
06:00 - 09/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Trước nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương không được lơ là, chủ quan; kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt.

Cao điểm xâm nhập mặn: Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không để người dân không có nước sinh hoạt- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nay đến giữa tháng 5, Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn

Xâm nhập mặn hay còn gọi là đất bị nhiễm mặn với hàm lượng nồng độ muối vượt mức cho phép do nước biển xâm nhập trực tiếp vào đất liền khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt. Nước biển mang theo lượng muối hòa tan và bị kết cấu của đất giữ lại, tích tụ và gây mặn.

Ngoài ra, xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt.

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Xâm nhập mặn có nguy cơ gây thiếu nước ngọt đến gần 40.000ha lúa và khoảng 43.300 ha vùng chuyên canh cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. 

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 8 đến 13/4, từ ngày 22-28/4 và từ ngày 7-11/5/2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.

Theo dõi sát tình hình, thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó với thiếu nước, xâm nhập mặn

Để bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, chủ động ứng phó với các đợt xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và khả năng kéo dài thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn như các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi sát tình hình, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp, tránh hoang mang, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo theo dõi diễn biến, dự báo chuyên ngành, cung cấp thông tin kịp thời cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp cụ thể phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và các nhu cầu thiết yếu khác ở các đô thị, thị trấn.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tránh lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời không gây hoang mang trong công tác ứng phó.

Triển khai linh hoạt các biện pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn 

Trước đó, ngày 7/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau, nhằm kiểm tra tình hình ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, giải quyết nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trong mùa khô 2023-2024.

Phó Thủ tướng lưu ý các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Long An và Cà Mau, trên cơ sở giải pháp và kinh nghiệm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đã đúc kết để chú trọng xây dựng kịch bản, phương án ứng phó chiến lược, dài hơi, kết nối giữa trong tỉnh và liên tỉnh, liên vùng phù hợp với diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu theo dự báo sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Đặc biệt, các địa phương quan tâm huy động tốt nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng thủy lợi, giao thông, phòng, chống hạn mặn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất phù hợp với quy hoạch từng tỉnh, vùng và liên vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Các địa phương triển khai nhanh, khẩn trương công trình, dự án liên quan phòng, chống hạn mặn; đồng bộ với phòng, chống lũ lụt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả, có tính chiến lược lâu dài.

Các tỉnh cũng cần lưu ý về lâu dài, trong các kịch bản ứng phó cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, bố trí lại dân cư theo hướng tập trung, hoàn thiện kiến thiết hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cấp nước nông thôn, quản lý, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm bảo vệ môi sinh, môi trường…

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện đang vào giai đoạn giữa - cuối mùa khô, vụ lúa Đông Xuân đang thu hoạch, nhu cầu sử dụng nước đã qua thời kỳ cao điểm. Tuy vậy, trong tháng 4/2024, xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 50-62km (tùy từng cửa sông), thấp hơn từ 1-3km so với tháng trước, thấp hơn từ 3-5 km so với năm 2016, thấp hơn từ 8-3 km so với năm 2020. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 50-60km trong các kỳ triều cường.

Với tình hình trên, Cục Thủy lợi nhận định, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng đến khoảng 43.300 ha vùng chuyên canh cây ăn trái: Long An khoảng 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha, Sóc Trăng 3.400 ha.

Cùng với đó là khoảng 20.500 ha lúa (Tiền Giang 30 ha, Bến Tre 730 ha, Trà Vinh 13.000 ha, Sóc Trăng 6.030 ha, Long An 720 ha), đây là diện tích vụ Đông Xuân muộn (vụ 3) được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 31/12/2023, cần phải tăng cường các giải pháp cấp nước tưới cho các khu vực này.