Trồng rau bằng nước mặn - một giải pháp cho tình trạng xâm nhập mặn
Sản lượng lương thực cần tăng 70% trong 30 năm tới để cung cấp cho dân số thế giới dự kiến sẽ đạt trên 9 tỷ người vào giữa thế kỷ này. Trong khi nước ngọt chỉ chiếm 2% tổng lượng nước trên trái đất, việc tìm kiếm giải pháp thay thế nguồn nước này trong sản xuất nông nghiệp cần được xem xét.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp truyền thống đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ngọt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Nước ngọt chỉ chiếm 2% tổng lượng nước trên trái đất, trong đó một phần rất lớn đang tồn tại dưới dạng các sông băng.
Ở nhiều khu vực, chẳng hạn như khu vực cận Sahara và cận Ấn Độ, nước ngọt bị khan hiếm nghiêm trọng hoặc bị ô nhiễm nặng.
Ngay cả những khu vực nổi tiếng với thời tiết ẩm ướt, chẳng hạn như Vương quốc Anh, cũng đang phải đối mặt với hạn hán do lượng mưa thấp và lượng nước ngọt sử dụng tăng lên. Vào năm 2020, lượng mưa trung bình của Vương quốc Anh chỉ bằng một nửa so với dự kiến. Theo Trung tâm Sinh thái và Thủy văn Vương quốc Anh, mùa xuân năm 2020 là mùa xuân khô hạn thứ tư từng được ghi nhận và là mùa xuân khô hạn nhất được ghi nhận ở nhiều vùng của Anh và xứ Wales.
Đó là lý do tại sao một trang trại ở Bờ Tây của Scotland đang áp dụng các giải pháp của Seawater Solutions là dùng nước biển Đại Tây Dương để trồng rau thay vì sử dụng nước ngọt như truyền thống.
Trồng rau ở vùng nước mặn
Yanik Nyberg, người sáng lập Seawater Solutions, nói với Euronews Green rằng, họ chọn vùng đất nông nghiệp bị thoái hóa, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, để xây dựng một hệ sinh thái đầm lầy mặn nhân tạo với mục đích trồng cây lương thực. "Chúng tôi bơm nước biển lên khu vực này, làm ngập nó, và sau đó sẽ bắt đầu trồng các loại cây chịu được mặn. Những loại cây này, được gọi là halophytes, phát triển mạnh ở những vùng nước mặn, như bán sa mạc và vùng biển".
Halophytes có thể dùng để ăn hoặc làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học và thức ăn cho động vật biển. Các đầm lầy mặn nơi chúng sinh trưởng còn có tác dụng bảo vệ bờ biển khỏi lũ lụt và xói mòn, đồng thời hấp thụ lượng carbon nhiều hơn 30 lần so với rừng nhiệt đới.
Thêm một nguồn lợi nữa là, những nông dân áp dụng hệ sinh thái mặn nhân tạo để trồng cây còn có thể bán tín chỉ carbon với giá hơn 2.600 €/ 1ha mỗi năm.
Trang trại Dowhill, nằm ở Ayrshire, tập trung vào các loại cây, như samphire và aster biển để làm thực phẩm. Sau khi được giới thiệu trong một số chương trình nấu ăn nổi tiếng trên truyền hình, năm 2016, siêu thị Tesco của Anh, nơi bán samphire trong những tháng mùa hè, đã chứng kiến nhu cầu đối với loại rau này tăng vọt tới 80%.
Theo Nyberg, điều này có nghĩa là halophytes có thể mang lại lợi nhuận ở Anh, khi trang trại Dowhill bán sản phẩm với giá 22-32 euro / kg với năng suất 20 tấn / ha - gấp 10 lần so với trồng trên cánh đồng mở.
Canh tác trên các đầm lầy mặn nhân tạo không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn khá bền vững với môi trường.
Giải quyết vấn đề đất nhiễm mặn
Trong khi dự án ở Scotland cần nhiều lao động và có tính thời vụ cao, thì ở Hà Lan, Tổ chức Salt Farm đã chứng minh rằng các loại cây trồng "thông thường", như khoai tây và bắp cải có thể chịu được lượng muối cao hơn bình thường. Trang trại Texel trên Biển Bắc đã trồng trọt bằng cách sử dụng nước lợ trung bình, là hỗn hợp của nước biển và nước ngọt.
Salt Farm Foundation đã triển khai 16 cánh đồng ở bảy quốc gia trên Biển Bắc để thử nghiệm khả năng chịu mặn của các loại cây trồng khác nhau. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số giống khoai tây, bắp cải, cà chua, cà rốt, củ dền và dâu tây có khả năng chịu mặn cao. Nước lợ cũng được cho là thích hợp để tưới cho yến mạch, lúa mạch, hành tây và củ cải đường.
Mặc dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng việc thuyết phục chủ các nông trại có thái độ hưởng ứng tích cực với kiểu tưới nước lợ này cũng đối mặt nhiều khó khăn. Một phần vì họ chưa quen, phần khác nhiều người e ngại rằng việc tạo môi trường mặn nhân tạo sẽ làm hỏng đất, mặc dù việc tạo môi trường mặn đó được điều chỉnh cho phù hợp với từng hệ sinh thái riêng lẻ.
Tuy nhiên, khi biến đổi khí hậu tác động mạnh hơn đến châu Âu, thì lúc đó nhu cầu đối với các giải pháp bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có giải pháp tưới nước lợ sẽ trở nên bức thiết hơn. Dù cho tưới nước lợ có thể không phải là câu trả lời duy nhất, nhưng các loại cây thủy sinh hiện đang được Seawater Solutions trồng và các loại cây chịu mặn tốt do Salt Farm Foundation nghiên cứu đã cho thấy rằng, suy nghĩ về nước tưới theo một cách khác có thể là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề lương thực trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và diện tích đất bị xâm nhập mặn ngày càng lớn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google