Cạnh tranh - Sức bật của doanh nghiệp
Trong số các yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu cho bất cứ tổ chức nào, việc tạo ra cơ hội cạnh tranh lành mạnh là một quá trình tất yếu, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và sự phát triển chung.
Cạnh tranh tạo ra những giá trị to lớn cho tổ chức. Ảnh minh họa: IT.
Thực tế có rất nhiều lợi ích của cạnh tranh trong công việc sẽ mang lại giá trị phát triển bản thân cho mỗi nhân sự làm việc trong tổ chức. Cạnh tranh cũng tạo ra những giá trị to lớn cho tổ chức nếu như tất cả cùng hướng đến một mục tiêu chung, bằng mọi cách, các cá nhân, các đơn vị trong cùng một tập thể sẽ cùng chạy đua một cách lành mạnh để đạt được các mục tiêu chiến lược trong bản đồ phát triển của công ty. Điều này sẽ tạo ra những kết quả vượt trội. Đó là giá trị quan trọng của việc cạnh tranh.
Tuy nhiên, nói tới việc cạnh tranh cũng không ít người cho rằng, việc ganh đua quá mức sẽ dẫn tới một bầu không khí "ngột ngạt" trong tổ chức. Rất nhiều hạn chế sẽ tồn tại trong một môi trường mà tính cạnh tranh được đặt lên hàng đầu. Đối tượng của cạnh tranh thường là những mục tiêu đầy tham vọng và mang tính thách thức đối với các cá nhân và tập thể. Vì vậy, việc phát động các cuộc thi đua, các chiến dịch lập thành tích, các phong trào đề xuất, sáng kiến để hoàn thành các mục tiêu chung là yếu tố cần thiết trong doanh nghiệp. Việc này cũng giúp đào tạo nhân viên phát triển từng bước đi lên, cùng với sự phát triển chung của tập thể với liên tiếp những thành quả, kết quả sau tốt hơn kết quả trước. Đó là khía cạnh tích cực của cạnh tranh.
Sức bật của doanh nghiệp đi lên từ yếu tố cạnh tranh
Cạnh tranh hay còn gọi là tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp là yếu tố nổi bật giúp cho doanh nghiệp tồn tại có vị thế mạnh hơn so với các đối thủ. Trong kinh doanh, cạnh tranh có thể mang lại những giá trị quyết định sự thành bại của tổ chức.
Một thương hiệu mới, một sản phẩm xuất sắc, một công thức độc quyền hay sở hữu những nhân tố chủ chốt... sẽ là những tư liệu quý giá cho quá trình cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong đội ngũ nhân sự của mình, yếu tố cạnh tranh giữa các nhân sự trong công ty có thể giúp tạo ra những sức bật mạnh mẽ, những tư tưởng cạnh tranh sẽ thúc đẩy ý chí vươn lên mạnh mẽ trong hàng ngũ nhân sự giỏi.
Khi nhắc đến cạnh tranh, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, những hạn chế của cạnh tranh vẫn còn tồn tại cũng mang lại những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn rủi ro khá lớn. Tuy nhiên trong thế giới phát triển mạnh mẽ ngày nay, mọi vấn đề luôn tồn tại hai mặt trái ngược song song với nhau. Vấn đề là chúng ta có tận dụng các lợi ích của sự cạnh tranh lành mạnh để mang lại sức bật vượt trội cho doanh nghiệp của mình hay không.
Bên cạnh đó, như đã bàn luận ở trên, sự cạnh tranh lành mạnh, giữ ở mức độ vừa phải có thể đem đến những lợi ích tuyệt vời: Thúc đẩy sự tiến bộ của nhân viên; Làm bệ phóng cho doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn, khẳng định uy tín và thương hiệu một cách bài bản, mạnh mẽ.
Xét ở góc độ doanh nghiệp, cạnh tranh trong môi trường kinh doanh là yếu tố "sống còn". Khi có nhiều công ty trong cùng một ngành hàng hoặc cùng một chủng loại hàng hóa, để cạnh tranh thành công và giành được thị phần, các doanh nghiệp cần lựa chọn một chiến lược tiếp cận phù hợp với nguồn lực của bản thân doanh nghiệp cũng như đặc điểm thị trường, đối thủ, sản phẩm.
Các bước để doanh nghiệp có thể tạo ra cạnh tranh lành mạnh
Bước đầu tiên, luôn luôn phải xác định rõ chiến lược kinh doanh, xác định phân khúc sản phẩm, dịch vụ, khách hàng của mình để có thể tìm được những yếu tố hỗ trợ quan trọng trong quá trình lên kế hoạch, lập và triển khai từng bước của kế hoạch cạnh tranh.
Nghiên cứu kỹ đối thủ là một bước đi quan trọng, trong đó việc nghiên cứu thị trường, xu hướng cũng mang lại những tiền đề quyết định chiến lược tiếp theo trong việc cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thương mại.
Khi đã xác định được chiến lược, kế hoạch triển khai các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ cạnh tranh, bước tiếp theo có tính chất quyết định thành bại của chiến dịch đó là việc quyết đoán, hành động nhanh chóng và dứt khoát. Nếu như tư duy đây là một cuộc chiến đấu, thì việc hành động nhanh chóng, quyết liệt và dứt khoát sẽ tạo đà cho chiến thắng. Một điều lưu ý quan trọng, là đừng cạnh tranh khi bạn đang yếu thế, hoặc bạn đã phát hiện ra nhiều điểm yếu trong kế hoạch của mình. Bạn có thể thất bại, nhưng việc làm lại từ đầu và làm thật kỹ là yếu tố hết sức quan trọng. Vấn đề của sự thành bại còn là bài toán của thời gian, thời điểm ra quyết định và triển khai đúng cách.
Có thể nói, sự cạnh tranh là một yếu tố cần thiết trong kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần "phục hồi" những bài toán kinh doanh đang khó khăn của chính mình. Tập trung vào những mũi tên đã định sẵn, tất cả việc tạo ra tư thế cạnh tranh: từ trong các nhân sự, cho tới cạnh tranh về tất cả hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ sẽ dẫn tới việc thành công trong kinh doanh và công việc.
Một điều lưu ý về sự thất bại của cạnh tranh sẽ xuất hiện khi một trong các yếu tố sau có thể xảy ra: Sự phản ứng bất ngờ của đối thủ; Một tai nạn trong quá trình triển khai; Sự thiếu hụt về các nguồn lực hỗ trợ không theo kế hoạch ban đầu; Những yếu tố thiên tai, dịch bệnh, thời tiết, hỏa hoạn... Khi phải đối mặt với những khủng khoảng, bạn cần có kế hoạch dự phòng cho vấn đề này để có thể xử lý các phát sinh trong quá trình tạo ra sự cạnh tranh. Một trong những biện pháp thường được các doanh nghiệp sử dụng khi nhận thấy những tín hiệu không phù hợp trong chiến lược cạnh tranh của mình là: Sử dụng nguồn lực, tài chính dự phòng; Điều chỉnh giá cả của sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn để phù hợp với thị trường; Tìm cách tăng cường sự khác biệt giữa sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn so với đối thủ cạnh tranh.
Có thể nói, cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường. Cạnh tranh không những là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, điều tiết hệ thống thị trường, mà còn là yếu tố quan trọng làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Cạnh tranh thúc đẩy các nhà kinh doanh phải luôn đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, áp dụng tiến bộ khoa học - kĩ thuật trong sản xuất để tăng năng suất lao động, tìm cách thoả mãn tốt nhất các nhu cầu của người tiêu dùng và vì vậy mang lại sự tăng trưởng và cải thiện hiệu quả kinh tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google