Cảnh giác với nhóm từ thiện và kênh đầu tư tài chính không chính thống trên Telegram

H.Ngọc
11:50 - 16/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác, không tham gia từ thiện, đầu tư tài chính dựa trên lời mời chào của các kênh, tài khoản telegram chưa được kiểm chứng tính hợp pháp tại lãnh thổ Việt Nam.

Nhóm telegram sử dụng tên gọi của tổ chức từ thiện thế giới 

Công an thành phố Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, đã phát hiện kênh telegram @Oxfam108 chia sẻ thông tin 108 nhóm từ thiện của Oxfam Hong Kong chi nhánh Việt Nam và hình ảnh hoạt động nhóm từ thiện với tên gọi Global Star Oxfam.

Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, để tạo dựng uy tín, kênh telegram @Oxfam108 thường đăng hình ảnh hoạt động từ thiện của các cá nhân mặc đồng phục Global Star Oxfam thực hiện tại tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Việc từ thiện được kênh telegram @Oxfam108 ghi hình, phát biểu theo kịch bản quảng bá, lấy lòng tin của người dùng.

Nhóm này đăng tải hình ảnh từ thiện tại một số địa điểm như: Ủy ban nhân dân Tam Hòa (Đồng Nai); trường Trung học cơ sở Duy Nhất (Vũ Thư, Thái Bình); huyện Phổ Yên (Thái Nguyên); Chùa Thanh Sơn (Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa); Trung tâm bảo trợ xã hội số 3 (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội)…

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.

Theo Công an thành phố Hà Nội, nội dung trên kênh telegram @Oxfam108 không đề cập đến tổ chức quốc tế Oxfam quốc tế hay lấy danh nghĩa là Oxfam Việt Nam, logo khác với tổ chức quốc tế Oxfam.

Tuy nhiên, việc nhóm này sử dụng tên gọi Oxfam có thể gây hiểu nhầm cho người dùng. Oxfam Hong Kong cũng đã xác nhận không có hoạt động trên kênh telegram @Oxfam108.

Cảnh giác với nhóm từ thiện và kênh đầu tư tài chính chưa được kiểm chứng tính pháp lý trên Telegram - Ảnh 1.

Giới thiệu ứng dụng đầu tư tài chính có nguồn gốc không rõ ràng

Bên cạnh đó, trên kênh này còn giới thiệu về ứng dụng di động SAMEHOME (đường dẫn https://gream.ltd/#App) hoạt động dưới dạng đầu tư tài chính cho thành viên tham gia nhóm và đăng tải hình ảnh giấy chứng nhận đăng ký cấp cho công ty Gream LTD được giới thiệu là công ty chủ quản của ứng ụng SAMEHOME tại website www.fincen.gov trực thuộc Bộ tài chính Mỹ để tạo dựng lòng tin cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đây là cổng tra cứu trực tuyến dữ liệu do người dùng tự nguyện khai báo, trên website đã cảnh báo rõ ràng nội dung “Việc đưa một doanh nghiệp vào website này không phải là một khuyến nghị, chứng nhận tính hợp pháp hoặc chứng thực doanh nghiệp bởi bất kỳ cơ quan chính phủ nào”. Chứng nhận trên không đảm bảo cho tính hợp pháp của công ty Gream phát hành ứng dụng đầu tư tài chính SAMEHOME.

Cảnh giác với nhóm từ thiện và kênh đầu tư tài chính chưa được kiểm chứng tính pháp lý trên Telegram - Ảnh 2.

Hình ảnh giấy chứng nhận đăng tải trên kênh Telegram.

Ứng dụng di động SAMEHOME có nguồn gốc không rõ ràng, không được đăng tải trên các kho ứng dụng tiêu chuẩn như CH Play hay App store, tiềm ẩn nguy cơ có các cài đặt gây hại cho thiết bị của người dùng. Hoạt động đầu tư tài chính của SAMEHOME không dựa trên hoạt động của một pháp nhân hợp pháp tại Việt Nam và có nguy cơ gây rủi ro, thiệt hại về tài sản cho nhà đầu tư khi tham gia.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác, không tham gia đầu tư tài chính dựa trên lời mời chào của các kênh, tài khoản telegram chưa được kiểm chứng tính hợp pháp tại lãnh thổ Việt Nam.

Người dùng nên giữ lại tất cả các tin nhắn, giao dịch… để làm bằng chứng tố cáo nếu không may bị lừa đảo trên Telegram.

Telegram

Telegram là ứng dụng nhắn tin, gọi điện tương tự như Message hay Zalo, đều là ứng dụng được sử dụng để kết nối thông qua các tin nhắn bằng văn bản, ảnh, giọng nói… giữa người với người, được cài đặt trên điện thoại, máy tính… hoàn toàn miễn phí.

Telegram ra đời từ năm 2013, đến nay đã có trên 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Được đánh giá là ứng dụng có độ bảo mật cao nhưng Telegram cũng có những lỗ hổng đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Người dùng nên cảnh giác với mọi lời lời chào từ thiện, đầu tư tài chính, việc làm,... trên Telegram và giữ lại tất cả các tin nhắn, giao dịch để làm bằng chứng tố cáo nếu không may bị lừa đảo trên Telegram.

Cách thức tố cáo hành vi lừa đảo trên Telegram

- Báo cáo hành vi lừa đảo cho nhà phát triển ứng dụng bằng cách viết @notoscam. Những thông tin được gửi đến @notoscam sẽ liên kết đến tài nguyên người dùng, từ đó các nhà phát triển sẽ xem xét và chặn các nhóm hay kênh đã bị báo cáo.

- Gọi điện đến đường dây nóng của các cơ quan công an có thẩm quyền của từng tỉnh, thành phố nơi kẻ lừa đảo cư trú (nếu biết đối tượng lừa đảo là ai) hoặc nơi cư trú của mình (nếu không biết đối tượng lừa đảo là ai) hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (069.219.4053).

- Gửi đơn tố cáo trực tiếp đến cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan điều tra công an các cấp và kèm theo đó là giấy tờ nhân thân của người tố cáo cũng như chứng cứ kèm theo.