Cảnh giác với đồ ăn trộn tinh dầu Cần sa
Tinh dầu Cần sa trộn vào thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử là thủ đoạn có trước, những năm gần đây tội phạm trộn vào đồ ăn, "học" theo cách người cổ đại ăn lá Cần sa.
Phát hiện Cần sa trộn trong bỏng ngô, bột gói, chocolate...
Ngày 5.12.2022, Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận bà P.T.Ch, 56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, trong tình trạng lơ mơ, giãn đồng tử hai bên. Người nhà khai bệnh nhân ăn bỏng ngô do con đặt mua trên mạng, sau một tiếng thì hoa mắt, chóng mặt, nôn, rồi tinh thần lơ mơ… Xét nghiệm nước tiểu có chất Denta-9-tetrahydrocannabinol (thường gọi là Tetrahydrocannabinol - THC) - chất kích thích thần kinh chính có trong cây Cần sa, một trong 483 tinh chất đã chiết xuất được từ cây này, trong đó có ít nhất 65 loại Cannabinoid mà Tetrahydrocannabinol cũng là một trong số này.
Cơ thể người có nhiều loại thụ thể (receptor) ở tế bào, như dopaminergic tiếp nhận chất Dopamin; adrenergic tiếp nhận chất Adrenalin…, Cannabinoid là nhóm hợp chất hóa học đa dạng, tác động nên các thụ thể cannabinoid của tế bào thần kinh. Tetrahydrocannabinol kích thích não giải phóng nhiều chất dẫn truyền thần kinh Dopamin, gây hưng phấn, thư giãn, kích thích tình dục và tăng khoái cảm ở người mới sử dụng…
Bà Ch được cấp cứu theo phác đồ ngộ độc Cần sa và qua được nguy kịch, phải tiếp tục điều trị tích cực… Trung tâm thông tin, đây là lần đầu tiên nhận người ngộ độc Cần sa do ăn bỏng ngô, trước đây, đã cấp cứu nhiều ca ngộ độc Cần sa có trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo mút, thuốc lá điện tử, thuốc lào...
Ngày 8.12, Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo bánh "lười" (lazy cakes, gồm bột mì, trái cây khô, chocolate trộn tinh chất Cần sa, vào Việt Nam khoảng 4 năm nay), gần đây tăng mạnh mua bán.
Tháng 6, Công an Hà Nội thu giữ lượng lớn chocolate nhãn Chill Max, chứa tinh chất Cần sa, bán công khai trên mạng xã hội. Có 5 người nhập viện cấp cứu sau khi ăn chocolate loại này.
Tháng 4, Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng, phát hiện các loại bột gói dùng để pha thành nước nho, xoài, dâu, đông trùng hạ thảo, có mùi thơm cuốn hút, chứa tinh chất Cần sa…
Tháng 10.2021, 9 học sinh trường Trung học phổ thông Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Ninh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay. Các em cùng ăn gói kẹo màu xanh, in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ. Cả 9 em đều có chất Tetrahydrocannabinol trong nước tiểu...
Cần sa có từ bao giờ?
Con người bắt đầu sử dụng Cần sa từ bao giờ đang có nhiều thông tin khác nhau. Có nghiên cứu cho rằng, cây Cần sa có thể đã được con người biết đến cách đây hàng triệu năm trước. Một tài liệu nói rằng khoảng năm 2.727 trước Công lịch, Hoàng đế Thần Nông của người Trung Quốc trước Hoàng Đế (hay Hiên Viên Hoàng Đế, họ Cơ - một trong Ngũ Đế của người Trung Hoa cổ, trị vì khoảng 2.698 - 2.599 trước Công nguyên, được coi là Thủy tổ của mọi người Hán và người khai sáng văn minh Trung Hoa) khoảng 500 năm đã viết sách "Thần Nông bản thảo kinh" ghi chép 365 loài thực vật có công dụng chữa bệnh trong đó có Cần sa.
Một số nghiên cứu di truyền khảo cổ cho rằng Cần sa có nguồn gốc từ cao nguyên Tây Tạng và bằng chứng khảo cổ sớm nhất cho thấy người Trung Hoa lấy sợi Gai dầu dệt vải từ khoảng 12.000 năm trước. Tháng 01.2022, South China Morning Post (nhật báo tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông, Trung Quốc) đưa tin khảo cổ học vừa phát hiện một ngôi mộ ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc có tuổi 1.320 năm (lập mộ vào thời nhà Đường (618 - 907). Từ ngôi mộ này các nhà khoa học phát hiện ra rằng thời kỳ này Cần sa là thực phẩm cần thiết, thậm chí còn hơn cả gạo?
Một khám phá gần đây nhất công bố trên tạp chí "Nông nghiệp khảo cổ" (Agricultural archaeology) xác định các cộng đồng Trung Hoa cổ đại nấu cháo Cần sa. Một nghiên cứu khác cho rằng cây Cần sa mọc hoang được phát hiện ở Đông Á từ 4.000 năm trước Công nguyên, với hàm lượng Tetrahydrocannabinol thấp hơn nhiều so với Cần sa ngày nay (trong Cần sa Thái Lan hiện nay có 7% Tetrahydrocannabinol; Mehico: 8%; Mỹ: 24%). Các tài liệu từ thời Trung cổ cho rằng từ những năm 930, cây Cần sa ở Trung Quốc bắt đầu du nhập vào Ấn Độ, Ảrập rồi đến châu Mỹ, châu Âu… Khoảng 1.000 năm trước Công lịch, người Ấn Độ đã uống nước Cần sa.
Tuy nhiên, điều này không quan trọng nữa mà chuyện sử dụng Cần sa đáng nói hơn.
Tác dụng và tác hại của Cần sa
Cần sa (Cannabis sativa - do ông tổ phân loại thực vật Carl Linnaeus, người Thụy Điển, đặt tên từ 1753, dựa theo tiếng Hy Lạp "Kannabis" và "sativa" - nghĩa là loại thực vật gieo cấy; là một chi thực vật có hoa, gồm ba loài: Cannabis sativa Lam; Cannabis indica Lam và Cannabis ruderalis Janisch; Marijuana là tên ngẫu nhiên của Cần sa do trong cách mạng Mexico (1910 - 1929 (ban đầu là cuộc nổi dậy chống độc tài đến nội chiến nhiều phe), người Mexico mang rất nhiều thuốc Phiện qua biên giới với Mỹ, người Mỹ gọi thuốc Phiện đó là "Marijuana", sau này gọi cả Cần sa như vậy; và rất nhiều tên khác: Ma; Mafen; Pot; Grass; Herb; Cỏ; Bồ đà; Tài mà; Lanh mèo…; Gai dầu là phân nhánh của Cannabis sativa Lam). Cũng như mọi loại ma túy khác, Cần sa ban đầu được phát hiện để chữa bệnh.
Một tài liệu ghi chép khoảng 1.213 trước Công lịch, người Ấn Độ đã dùng Cần sa chữa cườm mắt (Glaucoma; Thiên đầu thống); quáng gà (dân gian gọi là mù đêm - suy giảm thị lực do thoái hóa sắc tố võng mạc mắt); viêm nhiễm; làm sạch ruột trước phẫu thuật và gây mê phẫu thuật. Sau này người ta dùng Cần sa để phê, giảm stress, tăng sáng suốt, tăng hưng phấn tình dục…
Ứng dụng trong y tế rất khiêm tốn, chỉ với kích thích thèm ăn, giảm đau; giảm buồn nôn và nôn. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt thuốc Dronabinol và Nabilone (đều chứa Tetrhydrocannabinol) cho điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị ở những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp điều trị chuẩn. Ngược lại, Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ không chấp thuận sử dụng Cần sa và các hoạt chất cho trẻ em vì cho rằng có thể gây ảnh hưởng đến phát triển của não. Hiện cả Dronabinol và Nabilone đều không được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chấp thuận dùng cho giảm đau. Tây Ban Nha nghiên cứu ứng dụng Cần sa bằng phương pháp làm mù (thuốc thật và giả dược giống hệt màu sắc, mùi vị; một nhóm tình nguyện viên uống thuốc thật, nhóm kia uống giả dược, nhưng không ai biết mình uống thuốc thật hay giả dược) cho mục đích điều trị chứng buồn nôn và nôn do hóa trị.
Hiện mới có vài nghiên cứu nhỏ dùng Cần sa điều trị vài loại ung thư như: Dùng Cannabidiol uống để điều trị khối u rắn tái phát; kết hợp Tetrahydrocannabinol và Cannabidiol dạng xịt phối hợp với Temozolomide (thuốc điều trị ung thư não) để chữa ung thư tế bào thần kinh đệm (glioblastoma) khi tái phát; dùng Cannabidiol uống điều trị bệnh cấp tính mảnh ghép chống cơ thể được ghép ở người cấy ghép tế bào gốc tạo máu Allogeneic (truyền tế bào tạo máu gốc từ người cho cùng hoặc không cùng huyết thống nhưng phù hợp hệ kháng nguyên bạch cầu (Human leukocyte antigen).
Các Cannabinoid trong Cần sa đường hút có hiệu ứng sau vài phút và đường tiêu hóa sau khoảng 30 - 60 phút. Với liều nhẹ, các Cannabinoid làm cho tinh thần vui vẻ, thoải mái, thư giãn; nói, cười nhiều hơn, nhưng cũng có người suy tư, trầm lặng, buồn ngủ; thấy đói; tăng nhịp tim, mắt đỏ; giảm tập trung và kiềm chế; suy giảm phối hợp động tác; thường tập trung vào một việc và quên hết mọi chuyện khác; giảm khả năng chú ý nên dễ phán đoán sai cùng với buồn ngủ nên hay xảy tai nạn khi lái xe… Liều cao sẽ chóng mặt, tái nhợt; tim nhanh, khó thở; bối rối, bồn chồn, áy náy; nôn mửa; run rẩy; lo âu hoặc sợ hãi; mất khả năng di chuyển và điều khiển xe, máy móc; rối loạn nhận thức thời gian, âm thanh, màu sắc và những tri giác khác; mất nhớ; cảm xúc bùng phát mạnh mẽ nhưng không phù hợp; xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.
Năm 1973, Cần sa là "nghi phạm" lớn với cái chết Lý Tiểu Long (Lý Chấn Phiên, người Mỹ gốc Hoa, sinh năm 1940) - Vua võ thuật Kungfu… Donald Teare, bác sĩ pháp y đã khám nghiệm hơn 1.000 tử thi được Scotland Yard giới thiệu, đã giám định, kết luận nguyên nhân chết của Lý là rủi ro (death by misadventure): Phù não cấp do phản ứng với những chất khác cùng với thuốc Equagesic (chứa Aspirin và an thần kinh Meprobamat). Donald Langford, bác sĩ riêng của Lý ở Hong Kong nói, "Không ai chết chỉ vì một viên thuốc Equagesic" (Châu Văn Hoài cùng Lý tới nhà diễn viên Đinh Phối bàn việc, Lý kêu đau đầu nên Đinh đưa thuốc cho Lý). "Người ta không dám nói thẳng là chết vì đã ăn Cần sa, tìm thấy trong dạ dày, mà anh đã sử dụng thường xuyên do có stress…". Bác sĩ thần kinh Peter Wu, người đã điều trị cho Lý khi anh ta bị động kinh (hay co giật? vì một người võ thuật thượng thừa như Lý khó có thể có bệnh động kinh) lần đầu vào tháng 5 năm 1973, cũng cho là nguyên nhân chết có thể do phản ứng với Cần sa hay Equagesic?
Tetrahydrocannabinol, Cannabinol (CBN) và Cannabidiol (CBD) trong Cần sa là những chất gây nghiện. Nguy hiểm nhất là Tetrahydrocannabiol vì làm thay đổi tâm trí, vì thế não đang phát triển của trẻ sơ sinh cho đến thanh niên đặc biệt dễ bị tác hại. Sử dụng Cần sa trước 18 tuổi ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung chú ý, trí nhớ, tiếp thu (một phần của tư duy: lĩnh hội vấn đề mới - hay năng lực học tập); giảm kết nối giữa các mặt hoạt động tâm thần và chỉ số thông minh thường thấp hơn; tác hại lâu dài thậm chí vĩnh viễn. Khi mang thai sử dụng Cần sa sẽ gây hậu quả xấu cho chú ý, trí nhớ, kỹ năng giải quyết vấn đề và hành vi ở trẻ sau này.
Người nghiện có hội chứng cai (vật, vã thuốc - khi nồng độ các Cannabinoid trong máu giảm thấp) gồm bồn chồn, khó chịu, lo lắng; run tay chân; vã mồ hôi; đau bụng; buồn nôn và nôn dữ dội gây mất nước nghiêm trọng (hội chứng Hyperemesis Cannabinoid); không ăn được, không muốn ăn; khó và mất ngủ, mơ nhiều. Dùng Cần sa thường xuyên tăng rủi ro viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh đường hô hấp; nguy hại tăng rất mạnh khi hút cả thuốc lá. Giảm nghị lực, quyết tâm, mất hứng thú học tập, làm việc; lười biếng. Suy giảm chú ý, trí nhớ và khả năng học tập. Giảm ham muốn tình dục, giảm số lượng tinh trùng, kinh nguyệt thất thường. Rối loạn tâm thần trầm trọng và bệnh tâm thần phân liệt có trước khi dùng tăng nặng nhanh.
New Zealand điều tra trên 1.000 người từ 11 - 26 tuổi, Thụy Điển điều tra trên 50.000 người dùng Cần sa, cùng khuyến cáo: Thói quen dùng Cần sa làm đột biến phát triển bệnh tâm thần ở người dễ mắc bệnh, nhất là tâm thần phân liệt. Mang thai dùng Cần sa sinh con nhẹ cân, dễ mắc hen suyễn và rủi ro hội chứng chết đột ngột ở trẻ cao. Ở Mỹ thống kê thấy, 10 người dùng Cần sa có 3 người bị rối loạn, không thể từ bỏ Cần sa dù nó đang gây cho họ các rắc rối sức khỏe và xã hội. Những người dùng Cần sa trước 18 tuổi hoặc thường xuyên nguy cơ phát triển rối loạn cao hơn.
Johnny, con của bà Laura Stack, người Mỹ, loạn thần do dùng Tetrahydrocannabinol cô đặc nhiều năm. Cậu "tin" rằng phòng ký túc xá của mình bị nghe trộm, đã nhảy từ tầng 6 năm 2019, khi mới 19 tuổi.
Từ 1995 - 2001, số người rối loạn sức khỏe do Cần sa phải điều trị lâu dài ở Mỹ tăng từ 15.706 lên 87.180 người, 2/3 số đó ở tuổi dưới 20. Mỹ thống kê thấy, 16% số vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng là do lái xe dùng Cần sa; nếu kết hợp uống rượu tai nạn tăng gấp 4,7 lần. Nhiều nghiên cứu thấy dùng Cần sa kéo dài gây teo não; mắc Alzheimer; bị co giật; tổn thương nhiễm sắc thể; dị dạng thai; suy giảm miễn dịch…
Xưa dùng Cần sa thảo mộc, nghĩa là lượng Cannabinoid vào cơ thể rất thấp chỉ đủ gây hưng phấn, đến nhựa Cần sa (hashish - nồng độ chất gây nghiện gấp 8 -10 lần thảo mộc) rồi tinh dầu Cần sa (nồng độ chất gây nghiện gấp 3 - 4 lần nhựa). Nhưng hiện nay Cần sa tự nhiên không đáng mặt "học trò" của Cần sa tổng hợp (điều chế, không phải chiết xuất từ cây Cần sa) với mối nguy hại gấp bội!
Năm 1966, đại học Princeton, bang New Jersy, Mỹ tổng hợp được Tetrahydrocannabinol và sau này đã điều chế được chất Tetrahydrocannabinol mạnh gấp 380 lần và hiệu ứng với thụ thể não mạnh hơn 100 lần chất này trong Cần sa tự nhiên. Năm 2015, cảnh sát vùng Kennebecasis, New Brunswick, Canada phát hiện loại ma túy tổng hợp tên có Shatter chứa 70 - 99% Tetrahydrocannabinol tổng hợp. Năm 2015, ở Mỹ có hơn 30.000 ca ngộ độc Cần sa tổng hợp. Nhiều người lần đầu hít thử đã co giật hoặc liệt, hôn mê; ảo giác, hoang tưởng, rối loạn ý thức. Cơ quan chống ma túy nước này thống kê đến hơn 400 loại Cần sa tổng hợp (nhưng họ nói đây chỉ là phần nổi) và phát hiện hơn 20.000 vụ tàng trữ, bán ma túy này. Từ 2017 - 2021, khoảng 7.000 trẻ dưới 5 tuổi ở Mỹ ăn phải đồ ăn có Cần sa, gần 15% số này phải nằm viện và khoảng 8% phải chăm sóc tích cực.
Nguy hiểm ở chỗ, chỉ cần thay đổi 1 hoặc 2 liên kết hóa học của Cần sa tổng hợp sẽ tạo ra một chất mới chưa có trong danh mục cấm! Dùng Cần sa tổng hợp liên tục, kéo dài, hậu quả sẽ là cao huyết áp, mất trí, lo âu, mất ngủ, đôi khi trầm cảm và trụy tim, sốc não, tử vong.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google