Thuốc lá điện tử chứa cần sa tổng hợp rất nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Văn
10:38 - 05/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cô P.M, 20 tuổi, ở Hà Nội, được xe cấp cứu chuyển đến Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội sáng 26/7. Người nhà khai, tối 25/7, cô đi chơi với bạn, sau khi hút thuốc lá điện tử, người run rẩy rồi ngất xỉu.

Thuốc lá điện tử chứa Cần sa tổng hợp rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Bệnh nhân P.M trong viện sau khi dùng thuốc lá điện tử chứa Cần sa tổng hợp

Thuốc lá điện tử chứa cần sa tổng hợp có thể gây tổn thương não, suy đa tạng

Bạn của P.M đưa cô vào cơ sở y tế, bác sĩ nói hôn mê sâu, tụt huyết áp… Gia đình không rõ cô hút thuốc lá điện tử chứa cần sa tổng hợp nhiều hay ít và trước đây đã hút hay chưa, còn họ chưa từng nhìn thấy con mình hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử, sức khỏe thì không có gì bất thường… 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm chống độc cho biết, bệnh nhân suy đa cơ quan nặng; não phù, tổn thương lan tỏa; tổn thương phổi; tình trạng nặng, tiên lượng rất xấu. 

Sau hơn một ngày hồi sức tích cực, hiện các cơ quan tim, phổi, thận… đã tạm ổn định, nhưng tổn thương não chưa thể hồi phục, bệnh nhân vẫn hôn mê, khó tiên lượng. Mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử bệnh nhân đã hút được Viện Pháp y quốc gia phát hiện có chất ADB- BUTINACA. 

M là một trong ba bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử đang điều trị ở Trung tâm. Hai người kia sau khi đi chơi về, phát mê sau 6 - 10 tiếng mới được phát hiện, đưa đến bệnh viện. Cả ba người đều tổn thương não, suy đa tạng, nhưng M nặng nhất. Chất ADB - BUTINACA gây ảo giác, thuộc nhóm Cần sa tổng hợp.

Cần sa - loại cây lâu đời trong ký ức nhân loại

Cây cần sa (Cannabis, Marijuana, Gai dầu, Tài mà, Bồ đà, Gai mèo…) là loại ma túy mà loài người biết sớm nhất. Thế kỷ XXVII trước Công nguyên, người Trung Hoa đã trồng "Ma" (Cannabis hemp) để lấy sợi, làm thảo dược… Các bộ tộc du mục tự xưng là "quý tộc" (Aryans) ở Trung Á và Ba Tư (Iran, Iraq) trong hành trình chiếm đất đã giúp truyền bá cây gai dầu đến Hy Lạp, châu Âu; từ Trung Đông đến Ai Cập và châu Phi; qua dãy Himalaya đến Ấn Độ. 

Thuốc lá điện tử chứa Cần sa tổng hợp rất nguy hiểm - Ảnh 2.

Cây Cannabis. Ảnh: Freepik.com

Gai dầu đến Nhật Bản từ thời Tần Thủy Hoàng. Khoảng năm 1.000 sau Công lịch, người Trung Hoa gọi gai dầu là "Tai Ma" hay "cây gai dầu vĩ đại". 

Herodotus (khoảng 484 - khoảng 425 trước Công nguyên), nhà sử học Hy Lạp, được coi là "cha đẻ" môn Sử học phương Tây, đã viết về những nghi lễ (được truyền lại) sử dụng cần sa của người Scythia (Scyth - một tộc người Iran du mục, cưỡi ngựa, chăn thả gia súc, thống trị thảo nguyên Hắc Hải khoảng thế kỷ VIII - VII trước Công lịch) trong bộ sử Historiai của ông. 

Thần thoại Hy Lạp mô tả cần sa như một thần dược mạnh mẽ loại bỏ mọi nỗi buồn, khổ đau. 

Ghi chép sớm nhất về vị trí của cần sa trong tế lễ ở Ấn Độ có trong kinh Vệ Đà (Atharva Veda), ước tính viết vào khoảng năm 2.000 - 1.400 trước Công lịch. Cần sa có đến 483 chất, trong đó đã biết đến 65 chất gây nghiện, điển hình nhất là Tetrahydrocannabinol (THC), Cannabinol, Cannabidinol… Từ xa xưa đến nay, cần sa được dùng ở dạng lá, hoa khô; nhựa; dầu (Hashish) và chất chiết xuất. 

Xưa, người Scythia bọc nhúm hạt cần sa trong lá, đặt lên những hòn đá nung nóng, hạt bốc khói tỏa ra mùi làm những người Scythia la hét vì thích thú; rồi đến hút như thuốc lào, thuốc lá cho đến ngày nay. Người Scythia còn trộn vào thức ăn; pha uống như trà, tẩm dầu vào thuốc lá… 

Nói cho công bằng, trong 8 nhóm ma túy thì cần sa thảo mộc ít độc hơn cả. Khi mới dùng với liều thấp, cần sa gây cảm giác hưng phấn: Khỏe khoắn, sảng khoái lạ thường; màu sắc tươi sáng hơn, nhạc nghe du dương hơn, cảm xúc sâu sắc và nhiều "ý nghĩa" hơn; cười nói nhiều hơn; cảm giác đói và ăn ngon hơn; tăng hưng phấn tình dục. Nhịp tim nhanh; mắt ngầu đỏ; giữ thăng bằng và kiểm soát cơ thể kém; khó tập trung; chỉ tập trung vào một việc, thờ ơ các việc khác; đôi khi bồn chồn, lo lắng, nôn ói… 

Nếu dùng cần sa thường xuyên, điều gì sẽ xảy ra?

Dùng cần sa thường xuyên, thời gian dài sẽ viêm phế quản mãn tính, vì như mọi loại khói khi hít vào sẽ tác động xấu đến đường thở, tăng lượng khí độc Carbon monoxide (CO) trong máu. Hút 1 điếu cần sa lượng Carbon monoxide trong máu bằng hoặc hơn 5 điếu thuốc lá. 

Chưa kể cần sa cũng gây ung thư phổi và các bệnh đường thở khác. Giảm nhiệt tình làm việc, khả năng tập trung, trí nhớ và lĩnh hội những vấn đề mới. Giảm ham muốn tình dục do giảm bài tiết Testosteron và lượng tinh trùng ở nam giới; gây ung thư tinh hoàn. Rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng xấu đến mẹ và thai. 

Lái xe dùng cần sa gây tai nạn gấp 3 - 7 lần người không dùng cần sa. Có cảm giác lo lắng, bồn chồn, ngược lại là trầm uất hoặc ý nghĩ hoang tưởng; thấy không gian như méo mó và thời gian như chậm hơn giờ đồng hồ. Phát sinh bệnh tim mạch do nhịp tim nhanh lâu ngày; được cho là kích hoạt virus viêm gan C gây ung thư gan. 

Hút cần sa làm khô miệng; sâu răng; nhiễm nấm Candida; phì đại nướu răng; hồng sản miệng (tổn thương màu đỏ, mịn, hơi nhô cao hơn xung quanh, tỷ lệ ung thư hóa 33,3%); viêm niêm mạc miệng mạn tính kèm tăng sừng; bạch sản (mảng dày màu trắng trong thành miệng, nướu hoặc lưỡi, do tăng sinh tế bào quá mức  (viêm miệng cần sa), có thể ác tính hóa. 

Nghiên cứu của đại học Minnesota, Mỹ, công bố tháng 5.1989 trên tạp chí Ung thư cho thấy, mẹ hút cần sa thai nhi tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu; sinh non; nhẹ cân, thân ngắn, đầu nhỏ; phát triển kém, bất thường thể chất; chỉ số IQ thấp; ngôn ngữ và trí nhớ kém; có các rối loạn hành vi; con bú ảnh hưởng xấu đến vận động cơ.

Cần sa gây nghiện như thế nào?

Cho rằng cần sa không gây nghiện là không đúng. Cần sa gây nghiện nhẹ và chậm hơn thuốc lá, rượu, á phiện, Cocaine, ma túy đá…. Bằng chứng là hội chứng cai (khi lượng chất trong máu giảm xuống thấp nhất hoặc chất không được nạp vào cơ thể sẽ vật vã, đau đớn thể chất, tinh thần với nhiều rối loạn, chẳng hạn hội chứng cai Heroin có triệu chứng "ròi bò trong xương" không thể chịu nổi; hội chứng cai rượu có nhiều ảo giác ghê rợn…) nhẹ hơn. 

Các nghiên cứu thấy khoảng 33 - 50% người dùng cần sa hàng ngày có biểu hiện nghiện như kích thích, bồn chồn, giảm hứng thú ăn uống, mất ngủ, buồn nôn và khao khát mãnh liệt - nghĩa là các triệu chứng thể chất nhẹ hơn, nhưng các triệu chứng tâm lý không hề kém!

Khi đã dùng cần sa luôn phải tăng liều để đạt được hiệu quả mong muốn do cơ thể nhanh chóng nhờn với kích thích của chất này. Liều cao làm phát sinh ảo giác, hoang tưởng; làm bệnh tâm thần phân liệt tăng nặng vì sẵn có hoang tưởng, ảo giác, rối loạn dòng liên tưởng (suy nghĩ)… 

Vì thế cần sa là chất trung gian dẫn tới nghiện các ma túy mạnh hơn. Một thống kê ở Mỹ thấy 80% những người dùng Heroin, ma túy đá, từng dùng cần sa trước đó.

Cần sa giúp các loại ma túy leo thang

Từ khi tinh chất cần sa ra đời thì loại ma túy này leo lên nấc thang mới, vì từ phòng thí nghiệm người ta tổng hợp ra những chất mới nguy hiểm hơn dựa trên công thức những tinh chất Tetrahydrocannabinol, Cannabinol, Cannabidinol… 

Năm 1993, Giáo sư John W. Huffman, đại học Clemson, Carolina, Mỹ - người quan tâm đến các thụ thể (reception) của tế bào não chi phối các hoạt động sinh lý thèm ăn, cảm giác đau, tâm trạng và trí nhớ (gọi là cannabinoid), đã tổng hợp được một hợp chất tác động lên các thụ thể này, gây cảm giác phê gọi là JHW-018 hay cannabinoid tổng hợp - thực chất là chất cần sa tổng hợp đầu tiên. 

Năm 2004, JHW-018 lần đầu tiên được bán ở Anh với tên gọi Spice như một thuốc cho giải trí. Năm 2006, Spice chiếm thị phần lớn và "thương hiệu" Spice hay K2 được hiểu là các loại Cần sa tổng hợp nói chung, có thể chứa một trong nhiều chất cannabinoid tổng hợp như JWH-018, JWH-073, JWH-200, AM-2201, UR-144, XLR-11, AB-CHMINACA, AKB4, AB-PINACA, AB-FUBINACA, Cannabicyclohexanol…, tác dụng mạnh gấp 4 - 100 lần Tetrahydrocannabinol trong Cần sa thảo mộc. 

Đến khoảng 2008 - 2009, các sản phẩm dựa trên công thức JHW-018 của Huffman bắt đầu "bùng nổ" ở Mỹ với hơn 500 tên gọi khác nhau như Spice, K2, Mojo, Scooby Snax, Black Mamba, Annihilation, Bliss, Cowboy Kush…, được bán lẻ hay trực tuyến với giá rẻ, tuy có khác biệt đôi chút công thức hóa học song tính chất tương tự nhau. Chúng gây nghiện mạnh hơn; rối loạn lo âu và hoang tưởng; căng trương lực (tâm thần "căng" như dây đàn); buồn nôn, nôn; nhịp tim nhanh (có thể đến 150 lần/phút), tăng huyết áp (đến 200/100mmHg); co giật; ảo giác; suy thận; nhiều người dùng bị sùi bọt mép, nôn thốc tháo, run rẩy và méo tiếng. 

Tháng 12/2010, diễn viên hài Travis Lipski, 39 tuổi, đâm xe vào ba người đi bộ và va đập nhiều xe khác ở Seattle, Washington, Mỹ, thừa nhận hút K2 trước khi lái xe. 

Tháng 10/2011, Brandon Rice, 13 tuổi, ở Pennsylvania, Mỹ đã ra đi sau nhiều tháng nằm viện. Phổi của em bị K2 đốt cháy nghiêm trọng và cơ thể từ chối lá phổi ghép. 

Một thanh niên 18 tuổi, ở bang Iowa, Mỹ nhiều năm hút thuốc K2, phát sinh lo âu, tuyệt vọng, cho cuộc sống là "Địa ngục", đã tự sát bằng súng. 

Viện Y tế quốc gia Mỹ nói "Những người dùng Spice thường xuyên gặp các triệu chứng nghiện chất và cai". Tiến sĩ Anthony Scalzo, khoa Độc chất, đại học St.Louis, Mỹ cho biết, trong một tháng, ông chứng kiến gần 30 thanh, thiếu niên bị ảo giác; kích động nghiêm trọng; nhịp tim và huyết áp tăng cao; nôn mửa; run rẩy; co giật do hậu quả của K2. Hiệp hội kiểm soát chất độc Mỹ mô tả các chất cannabinoid tổng hợp "gây nghiện và nguy hiểm cực kỳ". 

Các triệu chứng cai Spice cực kỳ khó chịu: nôn mửa, tiêu chảy nặng, không ăn uống được, mất tập trung, mệt mỏi và mất ngủ nặng. Nhiều người dùng nói cai nghiện Spice khó khăn như bỏ Cocain hay Heroin; tái nghiện Spice rất phổ biến. 

Từ tháng 1 - 5/2015, ở Mỹ có 15 người chết vì cần sa tổng hợp. Năm 2016, New York Times đăng tải bài báo nói rằng 1kg AMB-FUBINACA chia thành khoảng 15.625 liều, với giá đường phố phổ biến 35 USD/liều, thu về gần 550.000 USD - một lợi nhuận khủng! 

Cần sa tổng hợp là chất bất hợp pháp

Ở hầu hết các nước trên thế giới cần sa tổng hợp là chất bất hợp pháp. Tháng 4/2018, có ít nhất 2 người chết và 107 người phải nhập viện  ở Chicago và nhiều nơi khác trong bang Illinois, Mỹ, do chảy máu mắt, mũi, lợi; tiểu ra máu và nhiều triệu chứng khác. Mẫu xét nghiệm của 9 người trong số này có chất Brodifacoum (chống đông máu), vốn có trong thuốc chuột. Không khó hiểu vì cần sa tổng hợp được điều chế từ trăm loại hóa chất khác nhau!

Cần sa tổng hợp được tẩm vào thảo mộc khô; sợi thuốc lá, thuốc lào; sôcôla; đồ uống… Ví dụ trong "cỏ Mỹ" thường tẩm chất XLR-11 (hay 5-fluoro-UR-144) hoặc ADB-BUTICANA. 

Phổ biến nhất là các chất cần sa tổng hợp trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có những tác hại còn mạnh hơn thuốc lá truyền thống. Nghiên cứu gần đây nhất của đại học Johns Hopkins, Mỹ, thấy thuốc lá điện tử có gần 2.000 chất và hầu hết đều chưa được xác định tính chất; mới xác định được 6 hợp gây hại kích ứng đường hô hấp, tính chất giống hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu - nghĩa là đã vô số tác hại. 

Hút đồng thời thuốc lá và cần sa làm tăng nguy cơ ung thư vùng miệng và hầu họng do tác dụng hiệp đồng. Hậu quả ức chế miễn dịch của cần sa tổng hợp đặc biệt liên quan đến virus gây u nhú ở người (human papilloma virus - HPV - loại virus có nhiều ở khoang miệng, vùng sinh dục, hậu môn, đã xác định là thủ phạm gây ung thư miệng, lưỡi, cổ tử cung, bệnh sùi mào gà…), làm tăng tỷ lệ ung thư ở người dưới 50 tuổi hút cần sa.

Xin đừng dại dột, dù chỉ thử cần sa tổng hợp

Tháng 11/2021, khoa Hồi sức tích cực, Viện Nhi trung ương cấp cứu bé trai 15 tuổi, ở Tuyên Quang, lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim nhanh, ý thức xấu dần, rồi co giật, hôn mê. Nghi ngờ dùng chất gây nghiện, làm xét nghiệm, thấy dương tính với chất ma túy dạng cần sa tổng hợp. Trước đó, cậu bé đã vào bệnh viện tỉnh với biểu hiện loạn thần, co giật, tím tái, phải đặt nội khí quản… Gia đình khai, cách đây 3 năm, em này đã sử dụng chất gây nghiện do bạn rủ rê, cơ quan chức năng đã xử lý. Từ đó bị giám sát nên không giao du với nhóm dùng ma túy. Gần đây, gia đình có việc nên cậu này ở nhà một mình trong khoảng 20 ngày, nhiều khả năng lại bị bạn bè lôi kéo. 

Một thanh niên 23 tuổi, hút thuốc lá điện tử, bị ảo giác, hoang tưởng, kích động dữ dội, phải bốn, năm người mới khống chế được, đưa vào khoa Chống độc, bệnh viện Bạch Mai… 

Tháng 6, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok, Thái Lan thông tin, các bệnh viện thành phố cấp cứu hai thanh niên 17 và 25 tuổi, nhịp tim rất nhanh sau hút cần sa; một em 16 tuổi phải vào phòng chăm sóc đặc biệt do sử dụng Cần sa quá liều; một ông 51 tuổi đau tức ngực do cần sa đã chết vì trụy tim trong viện. Châu Âu và rất nhiều nước cấm ngặt cần sa, nhưng California - bang lớn nhất - và 7 bang khác cùng Thủ đô Washington, Mỹ, hợp pháp hoá cần sa giải trí. Năm 2018, Canada - nước thứ hai trên Thế giới sau Uruguay, nước G7 đầu tiên hợp pháp hóa cần sa giải trí cho người 18 tuổi trở lên. Ngày 9.6.2022, Thái Lan - nước châu Á đầu tiên cho phép trồng cây cần sa sử dụng cho mục đích y tế là những trở ngại cho chống ma túy toàn cầu.

Tháng 7/2021, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thông báo phát hiện 8 chất ma túy mới chưa có trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020 (mới nhất) về kiểm soát các chất ma túy, trong đó có 4 chất cần sa tổng hợp là MDMB-4en-PICANA, ADB-BUTICANA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTICANA - những cái bẫy cho tò mò, "khám phá" của giới trẻ. Các bạn trẻ xin đừng dại dột, dù chỉ thử!

Bình luận của bạn

Bình luận