Cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm thường gặp khi đưa trẻ đi du lịch
Trong các chuyến du lịch, nhất là vào dịp nghỉ lễ, cùng với chế độ ăn uống tự thân của người dân thì việc phục vụ đồ ăn cho số lượng lớn thực khách ở các điểm du lịch tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhất là với trẻ nhỏ. Sau đây là cảnh báo và lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa rất thường gặp trong mùa hè, nhất là thời điểm nghỉ lễ, đi du lịch dài ngày thì nguy cơ này càng gia tăng. Làm sao để tránh được nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhất là việc lựa chọn thực phẩm hợp lý cho bữa ăn hàng ngày khi đi du lịch? Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Xuân Ninh - Trưởng phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) vừa trao đổi với phóng viên Công dân và Khuyến học xung quanh vấn đề này.
Đề phòng nhiễm khuẩn tiêu hóa cho trẻ khi lựa chọn thực phẩm
Công dân và Khuyến học: Thưa bác sĩ, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường gia tăng vào mùa du lịch, nhất là đối với trẻ nhỏ, nguyên nhân của tình trạng này?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh: Như chúng ta biết, sau những giờ học hoặc những giờ làm việc căng thẳng, du lịch là một lựa chọn được mọi người hay nghĩ đến. Gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, khám phá những điều mới mẻ..., du lịch luôn mang đến niềm vui cho mọi người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chuẩn bị đầy đủ cho chuyến đi, những thiếu sót trong khâu chuẩn bị hoặc do thức ăn lạ mà những người đi du lịch rất dễ gặp phải, đó là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Các bệnh về đường tiêu hóa phổ biến thường là do nhiễm Ecoli, Salmonella, Campylobacter, Shigella và ký sinh trùng Giardia.
Nguyên nhân có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa thường là do chế độ ăn khi đi du lịch. Khi đi du lịch, thường mọi người sẽ không thể tự chế biến và nấu nướng những món ăn đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm như ở nhà. Điều này có nghĩa là sẽ có nguy cơ ăn phải các món ăn chưa được chế biến kỹ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn.
Công dân và Khuyến học: Nói như vậy có nghĩa là khi đi du lịch mọi người chưa quan tâm đến chất lượng thực phẩm khi ăn, vậy bác sĩ có thể chỉ ra những lỗi sai thường gặp trong ăn uống khi cho trẻ đi du lịch?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh: Trong các chuyến đi, lỗi phổ biến nhất của phụ huynh để cho trẻ bị đói bụng trong khi dạo chơi khắp nơi. Bên cạnh đó, mất nước, nhiễm khuẩn hoặc ngộ độc thực phẩm là những vấn đề phổ biến khiến cho trẻ bị táo bón, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa trong khi đi du lịch.
Những lỗi phổ biến trong ăn uống của cha mẹ khi cho trẻ đi du lịch chủ yếu là do:
- Sử dụng quá nhiều sản phẩm ăn dặm được chế biến sẵn: những sản phẩm này không đủ chất sẽ khiến cho trẻ dần biếng ăn.
- Chưa đảm bảo vệ sinh và số bữa đối với trẻ bú mẹ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Đối với những trẻ lớn hơn đi du lịch thức ăn lạ và mới cũng là một vấn đề hay gặp của trẻ, có những trẻ khi gặp những thức ăn mới lạ thì hấp dẫn kích thích ăn được nhiều hơn nhưng cũng không nên để cho trẻ ăn quá nhiều một loại thực phẩm vì có thể trẻ bị dị ứng, rối loại tiêu hóa, khó tiêu hóa...
- Trẻ không ăn đủ và cân bằng 5 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, dầu mỡ, rau xanh và quả chín, sữa.
- Trẻ uống quá nhiều nước ngọt bởi nước ngọt là nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn, đầy bụng, dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Không đảm bảo ăn chín, uống sôi cho trẻ do một số khu du lịch có những món ăn tái, sống do có thể gây rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn tiêu hóa cho trẻ.
Một sai lầm khác tưởng chừng không liên quan đến việc ăn uống nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến vấn đề ăn uống đó là không rửa tay cho trẻ. Đây là một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là nguyên nhân đóng góp rất nhiều cho các tình trạng tiêu chảy, rối loạn và nhiễm khuẩn tiêu hóa ở trẻ khi đi du lịch.
Công dân và Khuyến học: Bác sĩ có thể tư vấn cho phụ huynh cách chọn thực phẩm an toàn cho trẻ để tránh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh: Người lớn, đặc biệt các vị phụ huynh có thể lưu ý:
- Không nên cho trẻ ăn quá no mà thay vào đó nên chia nhỏ bữa ăn và đừng dồn dép con; không nên cho con nằm ngay sau khi ăn.
- Hạn chế cho con ăn những thức ăn nướng, có dầu mỡ hay những thực phẩm đóng hộp.
- Thường xuyên bổ sung rau, quả, củ vào mỗi bữa ăn hàng ngày để giúp cho trẻ có hệ tiêu hóa tốt hơn.
- Thường xuyên cho trẻ tập những bài tập thể dục để con được vận động mỗi ngày kể cả khi đi du lịch, giữ cho con tinh thần thật thoải mái.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những nguồn nước bị ô nhiễm, các loại gia súc và gia cầm vì đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi và luôn giữ cho trẻ môi trường sống được ngăn nắp, sạch sẽ.
Phụ huynh cũng cần thường xuyên bổ sung các loại vi khuẩn có ích cho trẻ để cân bằng hệ vi sinh đường ruột và duy trì cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh hơn. Mẹ bổ sung thêm men tiêu hóa từ thực phẩm như: các hạt nảy mầm, giá đỗ để tăng thêm năng lượng và hóa lỏng thức ăn.
Khi đi du lịch ngoài nhiễm khuẩn tiêu hóa, trẻ còn dễ bị mất nước, vì thế nếu trẻ còn bú mẹ, bạn hãy uống thật nhiều nước để có đủ sữa - dù loãng cho bé bú, thậm chí cho bé uống thêm nước. Với trẻ lớn, cũng cần nhắc trẻ uống nước thường xuyên. Ngoài ra nên kiểm tra nước tiểu của con, nếu nó có màu sậm hơn hoặc nặng mùi, cần cho trẻ uống thêm nước.
Công dân và Khuyến học: Xin cảm ơn những thông tin hữu ích từ bác sĩ!
Một số thực phẩm cần tránh khi đi du lịch
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nguyễn Xuân Ninh cũng chia sẻ thêm: "Trong những chuyến đi du lịch, chắc hẳn đôi lúc bạn sẽ nghĩ đến bữa ăn nhanh để tiết kiệm thời gian. Tuy sự tiện lợi trong chuyến đi luôn được ưu tiên, không có nghĩa là bạn sẽ bỏ qua những món đầy đủ dinh dưỡng để nạp vào cơ thể trẻ người nhiều loại đồ ăn nhanh. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh và nhiều nước sẽ có tác động tích cực, duy trì mức năng lượng cho trẻ.
Hoặc khi đến một điểm dừng chân, thay vì chọn cho mình một chiếc bánh mỳ, bánh hambuger hay bất kì loại thức ăn nhanh nào thì hãy ghé vào cửa hàng tiện lợi hoặc tạp hóa, lựa một vài loại trái cây tươi cũng như ngũ cốc. Vì trái cây tươi chứa nhiều chất xơ, nước, vitamin C cùng các loại đường nên cung cấp nhiều năng lượng hơn cho trẻ.
Thông thường khi đi du lịch, chúng ta không phải lúc nào cũng ăn uống đúng giờ hoặc đủ bữa, có khi bạn sẽ bỏ qua bữa ăn của trẻ sau khi đã thưởng thức một vài món ăn vặt trên dọc đường đi. Chính vì thế mà cơ thể trẻ phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi và quá trình trao đổi chất bị chậm lại để ngăn trẻ không đói.
Ngoài ra, cần cung cấp đủ lượng protein cho trẻ. Bởi, protein là một chuỗi các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần, vì nó giữ cho sự ổn định lượng đường trong máu, tăng cường tập trung và giữ sức khỏe, độ dẻo dai cho trẻ trong các hoạt động trong ngày.
Thực phẩm cần tránh khi đi du lịch đó là các loại carbonhydrate hoặc thực phẩm có chứa glycemic cao như nước ngọt, nước trái cây đóng hộp, các sản phẩm tinh chế. Những món chiên cũng được nằm trong danh sách những loại không ăn dọc đường vì dầu mỡ sẽ làm dạ dày khó tiêu hóa. Bơ đậu phộng, kem béo ăn kèm với các loại bánh, bánh nướng đóng gói cũng là loại thực phẩm được khuyến cáo không nên mang theo làm bữa ăn nhẹ khi đi du lịch vì hàm lượng hydro hóa cao".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google