Cảnh báo gia tăng các ca ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc

Dũng Minh
07:13 - 20/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một tuần qua, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận và điều trị cho 4 trường hợp ngộ độc rượu nặng. Trong số đó, có 3 trường hợp đã được người nhà xin về để lo hậu sự, một bệnh nhân đã xuất viện nhưng để lại di chứng là giảm thị lực.

Đồng Nai: Ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc - 3 người hôn mê sâu  - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, chi phí điều trị các trường trường hợp ngộ độc rượu thường rất lớn, vì phải thực hiện các kỹ thuật cao như, lọc máu, lọc thận... (trung bình một chu kỳ lọc máu khoảng trên 50 triệu đồng). Ảnh minh họa/IT

Chi phí điều trị các trường trường hợp ngộ độc rượu thường rất lớn

Một trong những trường hợp ngộ độc rượu nặng nhất là anh L.T.L. (ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa). Anh L. và một số người bạn cùng ăn chung, uống chung rượu không rõ nguồn gốc trước đó. Sau khoảng 2 ngày, anh L. có biểu hiện nôn ói suốt đêm và dần dần đuối sức. Khi được phát hiện, anh đã hôn mê sâu và được đưa đi cấp cứu. Sau khi nhập viện cấp cứu, anh L. được các bác sĩ cho thở máy, lọc máu nhiều ngày nhưng tình trạng vẫn không tiến triển.

Do anh L. là người lao động tự do nên không có bảo hiểm y tế, chỉ 5 ngày đầu nằm viện, gia đình đã tốn chi phí gần 70 triệu đồng. Do chi phí quá lớn, gia đình xin bệnh viện đưa anh L. về nhà.

Bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc, đặc biệt ngộ độc rượu Methanol hay còn gọi là rượu công nghiệp. Trên đây là một trong 4 trường hợp bệnh viện tiếp nhận trong tuần qua.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ Methanol trong máu lớn trên 100 mg/100ml. Cả 4 bệnh nhân được điều trị tích cực và phải thở máy, lọc máu liên tục. Sau thời gian điều trị, chỉ có một trường hợp bình phục, được xuất viện nhưng để lại di chứng là giảm thị lực, 3 trường hợp còn lại do chi phí điều trị quá lớn nên gia đình xin dừng điều trị, đưa bệnh nhân về nhà.

Theo bác sĩ Đào Nguyễn Minh Châu, chi phí điều trị các trường trường hợp ngộ độc rượu thường rất lớn, vì phải thực hiện các kỹ thuật cao như, lọc máu, lọc thận... (trung bình một chu kỳ lọc máu khoảng trên 50 triệu đồng). Hơn nữa, trường hợp ngộ độc rượu vào nhập viện đa phần không có bảo hiểm y tế nên khi điều trị sẽ phải chịu khoản chi phí rất cao. Nhiều trường hợp gia đình không đủ khả năng chi trả nên đã chủ động xin cho bệnh nhân về.
Trước đó, ngày 14/7, bác sĩ Trịnh Như Lai - khoa cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận ba bệnh nhân nghi bị ngộ độc rượu methanol gồm hai mẹ con và một người đàn ông.

Theo đó, ngày 12/7, bốn người tại Bình Phước nhậu đến trưa 13/7 thì ngưng, sau đó tất cả đều xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, thở nhanh, nhìn mờ cả hai mắt, khó thở, khát nước…

Trong đó, một người đàn ông đã tử vong tại Bình Phước.

Ba người còn lại được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 để điều trị.

Trước mắt, các bác sĩ bù dịch, ổn định hô hấp, sau đó lọc máu để thải methanol ra ngoài cho cả ba người bệnh.

Theo bác sĩ Lai, cả ba người đều có tiên lượng rất nặng, việc lọc máu sẽ có tác dụng với bệnh nhân. Thời gian lọc máu tùy thuộc vào đáp ứng của người bệnh.

Các triệu chứng và hậu quả của ngộ độc rượu

Theo các bác sĩ, triệu chứng thường gặp của trường hợp ngộ độc rượu là hôn mê, gần giống với say rượu, tuy nhiên bị ngộ độc rượu, bệnh nhân sẽ hôn mê sâu hơn, thời gian kéo dài. Khi người nhà thấy không tỉnh mới đưa vào bệnh viện cấp cứu, lúc đó, bệnh nhân đã hôn mê sâu và quá muộn.

Việc sử dụng quá nhiều chất cồn từ bia, rượu khiến người sử dụng bị các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần, hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, bệnh tim mạch…Chỉ cần uống một lượng khoảng 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu cũng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đặc biệt là não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp và thời gian phản ứng chậm đi.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân hạn chế tiếp xúc với các loại rượu, bia, thức uống có cồn. Trường hợp thường xuyên phải tiếp xúc với rượu, bia nên sử dụng loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không nên mua hàng trôi nổi, giá rẻ ngoài thị trường để sử dụng, hạn chế trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Ngoài ra, nên uống nước hoặc các loại nước giải khát khác để giảm lượng cồn trong máu và ăn kèm các loại thức ăn giàu protein và chất xơ để làm chậm quá trình hấp thu cồn. 

Vì sao rượu methanol có thể gây ngộ độc?

Methanol trong rượu là một chất cực độc. Khi vào cơ thể, methanol sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và thậm chí là tử vong.

Methanol còn được gọi là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,... Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).

Ở nhiệt độ phòng, methanol là một chất lỏng phân cực, được sử dụng như một chất chống đông, dung môi, nhiên liệu và một chất làm biến tính cho ethanol. Methanol cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học thông qua phản ứng xuyên este hóa. Trong đời sống, methanol thường được sử dụng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính xe, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các loại bếp lò nhỏ,...

Thành phần chính của rượu uống là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất. Trong khi ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol, methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.

Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.

Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.

Tại sao methanol độc mà lại làm rượu từ methanol? Câu trả lời là vì lợi nhuận, người sản xuất ra rượu với chi phí rẻ, tạo ra các loại rượu có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc.