Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao
Các đối tượng lừa đảo liên tục sử dụng những chiêu thức công nghệ mới để chiếm quyền kiểm soát người dùng, trong đó nghiêm trọng nhất là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Sacombank khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo mới để bảo vệ tài sản trước tội phạm công nghệ cao
Để chủ động phòng ngừa, bảo vệ an toàn tài sản của người dân, các đơn vị chức năng và cả doanh nghiệp cũng đã liên tục tuyên truyền, khuyến cáo để khách hàng có ý thức phòng vệ, tự bảo vệ tài sản của mình trước tội phạm công nghệ cao.
Theo chuyên gia ngân hàng Sacombank, trước đây, các đối tượng chỉ nhắm vào người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android thì giờ đây những ai dùng iPhone (iOS) cũng đã nằm trong danh sách nhắm đến của các đối tượng lừa đảo.
Kẻ gian tìm cách dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng lạ, từ đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và trộm tiền trong tài khoản ngân hàng thông qua: Quyền trợ năng Accessibility trên các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android; Tính năng Message Filtering trên iPhone (hệ điều hành iOS).
Cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới
Các đối tượng lừa đảo thường thực hiện: Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng sau đó cung cấp link "độc - lạ" để khách hàng cài đặt ứng dụng giả mạo của cơ quan chức năng. Sau đó ứng dụng xin cấp quyền theo dõi trên thiết bị di động của khách hàng.
Khi đó, nếu khách hàng đồng ý cấp quyền sẽ bị kiểm soát điện thoại từ xa, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy cắp toàn bộ thông tin trên điện thoại bao gồm: Thông tin cá nhân, danh bạ, thông tin tài khoản ngân hàng...Chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, lừa đảo người thân, bạn bè của khách hàng.
Để ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo trên khách hàng tuyệt đối không làm theo bất kỳ chỉ dẫn nào của các đối tượng mạo danh công an, không truy cập vào các đường link lạ, không cấp quyền truy cập theo dõi trên điện thoại khi cài đặt ứng dụng lạ, không cung cấp các hình ảnh cá nhân CCCD, CMND, hộ chiếu...
20 hình thức lừa đảo mới cần lưu ý:
1. Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.
2. Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
3. Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó.
4. Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại...). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.
5. Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả là người nước ngoài gửi quà về, sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí mới được nhận quà.
6. Tuyển cộng tác viên đặt mua đơn hàng trên mạng, nhận tiền phần trăm 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền, muốn nhận lại tiền phải nộp thêm tiền để làm thủ tục chứng minh.
7. Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu nạn nhân đóng phí để chiếm đoạt.
8. Chuyển tiền làm từ thiện: Lừa gửi tiền về làm từ thiện, bạn được hưởng 30-40%, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đóng phí.
9. Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số phải đóng phí, không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng.
10. Hack Facebook, Zalo...: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản Facebook, Zalo..., nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.
11. Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.
12. Tìm người làm việc ở nhà: Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
13. Lập sàn giao dịch ảo: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
14. Mua bán hàng trực tuyến: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
15. Chuyển tiền nhầm để ép vay: Chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, sau một thời gian thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và bắt nạn nhân đóng lãi.
16. Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
17. Giả danh cán bộ xử lý giao thông: Thông báo nạn nhân từng vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
18. Gọi điện thoại khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay.
19. Giả danh lãnh đạo lập Facebook, Zalo... rồi sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới để vay tiền.
20. Giả danh cán bộ viễn thông: Thông báo nạn nhân nợ cước hoặc tín dụng, sau đó giả làm công an yêu cầu đóng tiền để phục vụ kiểm tra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google