Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa): Xin đừng lãng quên công sức, xương máu của 1 vạn thanh niên xây dựng sân bay
Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã họp để cho ý kiến vào Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân với số tiền đầu tư 8.200 tỉ đồng. Đây là sân bay có lịch sử vẻ vang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ghi dấu công lao của quân và dân Thanh Hoá.
Cách đây gần 60 năm, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, một vạn thanh niên Thanh Hóa không sợ bom rơi đạn nổ, không sợ gian khổ hy sinh đến Sao Vàng huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa xây dựng sân bay dã chiến.
57 thanh niên đã hy sinh, nhiều thanh niên bị thương, cùng nhiều người dân vùng phụ cận sân bay bị thiệt mạng bởi bom đạn kẻ thù. Hình hài một sân bay quân sự rồi trở thành căn cứ không chiến lược và cảng hàng không dân dụng hôm nay.
Rất tiếc công sức, xương máu của vạn thanh niên năm xưa đổ xuống nơi dây đến nay đã 60 năm trôi qua, trên mảnh đất này không một tấm bia, không một áng văn ghi danh "một thời hoa lửa" mà tuổi thanh xuân của họ đã cống hiến cho quê hương, đất nước.
Ngày nay, một năm có cả triệu lượt khách qua Cảng hàng không Thọ Xuân có ai biết, ai hay đã có một thời như thế…
Từ sự kiện ngày 3-4 tháng 4 năm 1965...
Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước ghi đậm nét chiến công chói lọi của quân dân Hàm Rồng (Thanh Hóa) trong trận đánh trả máy Mỹ ồ ạt xuất kích ném bom, bắn phá khu vực Hàm Rồng nơi có cây cầu nối liền mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam trên quốc lộ 1.
Trọng điểm Hàm Rồng với cây cầu bắc qua sông Mã là mục tiêu địch phải ra sức cắt đứt mạch máu giao thông bằng việc phá hủy cầu Hàm Rồng.
Vì thế trong 2 ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965 Mỹ huy động hàng trăm máy bay đủ các loại từ F4H (con ma) AD6 (bà già) đến F105 (thần sấm) trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống cầu Hàm Rồng.
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng lưới lửa phòng không của quân dân Hàm Rồng, Yên Vực… đã đánh trả quyết liệt, chỉ trong 2 ngày này đã bắn rơi 47 máy bay các loại lập nên chiến công vô cùng hiển hách. Còn kẻ thù phải thốt lên, ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ. Góp phần vào chiến công vang dội ấy, ngày 3-4 tháng 4 năm 1965, 2 biên đội Mig 17 (én bạc) do Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy không chiến với máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng bắn rơi 4 máy bay Mỹ.
… đến quyết định lịch sử
Ngay sau khi trận không chiến của 2 biên đội Mig 17 bắn rơi 4 máy bay địch trên bầu trời Hàm Rồng, trên nhận thấy, máy bay của ta bé, nhiên liệu mang theo không nhiều lại cơ động từ các sân bay Hòa Lạc, Đa Phúc vào Khu 4 xa nên thời gian tác chiến hạn chế. Vì thế, Bộ Chính trị quyết định phải gấp rút xây dựng sân bay dã chiến đủ điều kiện để máy bay ta có thể xuất kích đánh địch ngay tại chỗ, nên chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Quân chủng Phòng không - không quân và Tỉnh ủy Thanh Hóa tiến hành ngay nhiệm vụ xây dựng sân bay.
Và, khu vực Sao Vàng huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) được lựa chọn. Nhận nhiệm vụ từ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị, trong thời gian 10 ngày phải huy động đủ 1 vạn thanh niên lên khu vực đồi núi bán sơn địa Sao Vàng để tiến hành ngay. Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải tập trung ngay việc vừa thiết kế vừa thi công và bố trí cả một trung đoàn phòng không bảo vệ khu vực xây dựng sân bay Sao Vàng.
Nhận lệnh từ Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị 10 ngày phải huy động 1 vạn thanh niên lên công trường, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thực hiện rất nghiêm túc và chỉ trong 7 ngày 1 vạn thanh niên được biên chế thành các đại đội hành quân về Sao Vàng thực hiện nhiệm vụ. Cùng với các bộ, ngành trung ương, 1 vạn thanh niên Thanh Hóa bằng mồ hôi, công sức cả xương máu gần một năm đến tháng 4 năm 1966, Sân bay quân sự Sao Vàng đã hoàn thành đủ điều kiện cho máy bay xuất kích.
Sân bay Sao Vàng - căn cứ không quân chiến lược - Cảng hàng không Thọ Xuân ngày nay khi xây dựng là công trường tuyệt mật, cùng lúc mang 2 mật danh. Bộ Giao thông-Vận tải đặt mật danh "Công trường 101", còn tỉnh Thanh Hóa đặt mật danh "Công trường thủy lợi Thanh Hóa".
Một sân bay quân sự lần đầu tiên do chính người Việt Nam vừa thiết kế vừa thi công trên hậu phương lớn miền Bắc trong điều kiện máy bay Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt. Một công trình ghi dấu ấn như một huyền thoại trong nghệ thuật tổ chức, huy động lực lượng và xây dựng công trình. Một công trường xây dựng mà Bộ Quốc phòng điều động cả một trung đoàn pháo cao xạ cùng với lưới lửa phòng không địa phương bảo vệ. Một công trình được "dựng lên" trong chiến tranh ác liệt và gian khó, là sự khởi đầu đầy vinh quang cho căn cứ không quân chiến lược Sao Vàng và Cảng hàng không Thọ Xuân ngày nay…
Công trình đó xứng đáng là dấu son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xứng đáng được sử sách lưu truyền, xứng đáng được dựng bia, tạc tượng ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân là pho tiểu thuyết lịch sử, địa chỉ đỏ để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ học tập phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Công trình đó mãi mãi trường tồn cùng đất nước, không thể lãng quên trong mỗi người dân Việt Nam, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.
Mới đây, ngày 17/12/2024, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa họp để cho ý kiến vào Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân với số tiền đầu tư 8.200 tỉ đồng để nâng cấp hạ tầng cảng với nhiều hạng mục trong đó có xây mới nhà ga T2, đường băng, các công trình phụ trợ…
Vì thế, tỉnh Thanh Hóa rất nên chọn địa điểm phù hợp thuận tiện trong khuôn viên cảng hàng không dựng tấm biển ghi danh thời gian cách nay 60 năm xây dựng Sân bay Sao Vàng để mỗi khi người dân qua nơi này nhớ về một thời hào hùng của cha ông thủa trước. Đồng thời trở thành "địa chỉ đỏ" để góp phần giáo dục truyền thống ho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google