Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis

Nguyễn Năng Lực
21:58 - 25/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 25/4, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tổ chức Tọa đàm "Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis" với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF).

Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis - Ảnh 1.

Tọa đàm: Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Dự Tọa đàm có 40 nhân chứng lịch sử Trại Davis và gia đình, đại diện các bộ Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao; lãnh đạo Cục Lưu trữ Quốc gia; các tổ chức, hiệp hội nghiên cứu xã hội; sinh viên một số trường đại học, học viện. 

Tọa đàm còn có nhiều thành viên Hội những người bạn của Di sản Việt Nam: Friends of Vietnam Heritage (FVH) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội hoạt động phi lợi nhuận với mục đích nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. 

50 năm trước, Hiệp định Paris về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết sau 14 năm đàm phán kéo dài và căng thẳng, tiếp theo là giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định Paris kéo dài 823 ngày đêm cho đến ngày 30/4/1975 đất nước Việt Nam thống nhất. 

Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis - Ảnh 2.

Đông đảo giới báo chí trong nước và quốc tế quan tâm tới Tọa đàm và các nhân chứng lịch sử. Ảnh: Nguyễn Năng Lực

Năm nhân chứng lịch sử Trại Davis: Đào Chí Công, Đinh Quốc Kì, Phạm Văn Lãi, Nguyễn Hùng Trí, Trương Việt Cường đã kể lại những kỉ niệm về giai đoạn thành lập hai đoàn đại biểu quân sự Việt Nam trong Ban Liên hợp Quân sự 4 bên, 2 bên; những cuộc đấu trí quyết liệt để buộc đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định; công tác bảo đảm an ninh, phá vỡ âm mưu phá hoại, tâm lí chiến của địch; kỉ niệm sống động về những khó khăn của người phiên dịch khi lựa chọn từng từ, từng ngữ trong văn bản đối ngoại; công tác bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện địch phá sóng, gây nhiễu thiết bị thông tin.

Một người bạn Mỹ hỏi: "Những ngày hoạt động trong Trại Davis, các ông nghĩ ngày đất nước thống nhất sẽ đến lâu hay chóng? Chúng tôi thấy Sài Gòn sụp đổ nhanh quá!". Đại tá Đào Chí Công trả lời: "Điểm mấu chốt của Hiệp định Paris, như đồng chí Lê Duẩn của chúng tôi đã nói, là 'Mỹ phải ra còn quân ta thì ở lại'. Một khi quân Mỹ đã rút, chính quyền và quân đội Sài Gòn không còn chỗ dựa, cho nên chúng tôi càng tin là chúng tôi sẽ chiến thắng. Nếu phía Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, có thể kết cục thống nhất đất nước sẽ khác, nhưng họ kiên quyết phá hoại Hiệp định, nên chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu và Việt Nam đã thống nhất vào ngày 30/4/1975, sớm hơn dự kiến". 

Bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch FVH mong muốn Việt Nam có phim về Trại Davis chiếu rạp cho đông đảo công chúng được biết về hoạt động này.

Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis - Ảnh 3.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận hiện vật từ các nhân chứng và thân nhân trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Tại Tọa đàm, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã đón nhận kỷ vật do các cựu chiến binh Trại Davis và gia đình trao tặng. Trong đó có chiếc cần manip đã truyền hàng trăm bức điện mật từ Trại Davis về căn cứ, do ông Phạm Duy He, chiến sĩ thông tin Đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trao tặng.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III trân trọng nhận kỷ vật và cho biết Trung tâm có trang thiết bị hiện đại để bảo quản hiện vật. Không chỉ làm công tác bảo quản, lưu trữ, Trung tâm có kế hoạch đưa hiện vật đến với nhân dân và các nhà trường để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bình luận của bạn

Bình luận