Cần lên án hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi, làm xấu hình ảnh Báo chí Cách mạng Việt Nam

PGS,TS. Hà Huy Phượng (AJC)
01:23 - 18/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

LTS: Ngày 16/6/2022, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) đã diễn ra Hội thảo Khoa học cấp bộ "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh hiện nay". Được sự đồng ý của Ban Tổ chức, xin giới thiệu bài viết của PGS, TS Hà Huy Phượng (AJC).

Cần lên án hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi, làm xấu hình ảnh Báo chí Cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi hội thảo "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh hiện nay" tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 16/6/2022. Ảnh: Mai Nghiêm

Báo chí là một lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Nền Báo chí cách mạng Việt Nam phát triển cùng đất nước, có vai trò, trách nhiệm to lớn trong định hướng tư tưởng, chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế; đặc biệt là thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần lành mạnh đời sống xã hội và phát triển. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, Báo chí cách mạng Việt Nam cũng chịu sự tác động nhiều mặt, gây trở ngại, khó khăn đối với sự phát triển, nhất là các vấn đề về cơ chế kinh tế báo chí, vấn đề vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp nhà báo…

Khoảng 10 năm trở lại đây, có hiện tượng nhiều cơ quan báo chí cho ra đời các tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử với những các cái tên nghe rất "nhạy cảm", gắn với những lĩnh vực tư pháp, hành pháp, xã hội. Nhiều tòa soạn báo và tạp chí (chủ yếu là báo và tạp chí điện tử), các trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp, hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, trong cơ cấu tổ chức bộ máy của mình đã thành lập ban, phòng hoặc bộ phận với tên gọi khá mỹ miều như: "Ban/phòng Chuyên đề - Quảng cáo - PR" (Public Relation: Quan hệ công chúng) hoặc "Văn phòng đại diện báo chí"... Nhiều tòa soạn còn tự in "Thẻ phóng viên" cấp cho các nhân viên, cộng tác viên đi "tác nghiệp", mượn danh báo chí để mời gọi, hù dọa cơ sở, nhất là các doanh nghiệp để nhằm đạt được mục đích lợi ích kinh tế. 

Phía sau những danh xưng này là những câu chuyện bi hài, thậm chí là vi phạm pháp luật, đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của nền báo chí và đội ngũ nhà báo Cách mạng Việt Nam.

Bài viết nêu ra hiện tượng đáng lên án này, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất, khuyến nghị nhằm khắc phục để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Mặc khác, tác giả nêu ra vấn đề này cũng là để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng những "con sâu bỏ rầu nồi canh" trong lĩnh vực báo chí để hòng bôi nhọ, xúc phạm nền Báo chí cách mạng Việt Nam cũng như danh dự và uy tín của những người làm báo chân chính.

Hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi là có thật

Thời gian gần đây, danh xưng "Phóng viên chuyên đề", "Phóng viên thị trường", "Nhà báo điều tra", "Phóng viên pháp luật", nhà báo/phóng viên thuộc "Ban/phòng, bộ phận Chuyên đề - Quảng cáo - PR" hoặc "Văn phòng đại diện báo chí" bỗng nhiên xuất hiện ở nhiều nơi. Nhiều lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp phải thốt lên rằng sao bây giờ có nhiều cơ quan báo chí và nhà báo liên lạc đề nghị viết bài PR, xin quảng cáo, thậm chí là đe dọa "tố" để gợi ý xin hỗ trợ tài chính…. đến thế (?)…

Một lần, giảng dạy nội dung quản lý nhà nước về báo chí ở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông; do là buổi đầu tiên nên tôi làm thủ tục giới thiệu làm quen giữa giảng viên và học viên. Tôi thấy có mấy học viên nữ khá xinh xắn, ăn diện, nước hoa xực thơm nức… Các học viên đó giới thiệu đang là phóng viên, biên tập viên thuộc "Ban/phòng, bộ phận Chuyên đề - Quảng cáo - PR" của báo điện tử X. 

Tôi thấy lạ! Ban đầu, cứ nghĩ những học viên này là "cánh" làm chuyên đề báo chí "xịn xò", nên nể lắm. Vì tôi là một trong những người đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng và công bố nhiều công trình liên quan đến quản lý nhà nước về báo chí, tổ chức hoạt động cơ quan báo chí, lao động nhà báo; đặc biệt là vấn đề xuất bản báo chí, trong đó có việc tổ chức xuất bản ấn phẩm chuyên đề, số chuyên đề, trang chuyên đề, bài báo chuyên đề, chuyên biệt… 

Tôi cũng đã hướng dẫn một Nghiên cứu sinh tiến sĩ Báo chí học bảo vệ thành công Luận án về đề tài Tổ chức chuyên đề báo chí; đồng thời, đã hướng dẫn thành công hàng chục luận văn Thạc sĩ Báo chí học, khóa luận tốt nghiệp Cử nhân báo chí về vấn đề nêu trên. Do vậy, khi nghe các học viên giới thiệu là phóng viên, biên tập viên "chuyên đề" trong cơ quan báo chí, tôi lại càng… kính nể và mừng, vì có "đồng minh" hoạt động thực tiễn.

Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về công việc cụ thể, nhất là về những khó khăn trong hoạt động chuyên môn, "phận nữ nhi" làm báo và những rủi ro nghề nghiệp… Mấy học viên nữ đó rất thật thà, trải lòng: Chúng em khổ, vất vả lắm ạ! Nỗi lo thường trực là hàng tháng, nếu không đủ chỉ tiêu "khoán" về tài chính do Ban Biên tập giao định mức thì không được nhận lương, thưởng, thậm chí nếu "vi phạm" kéo dài sẽ bị tòa soạn sa thải (ký hợp đồng ngắn hạn). Lo nữa là trong "tác nghiệp" luôn bị "bí đề tài" (đối tác ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo, tài trợ). 

Vì, bây giờ "người khôn, của khó" càng ngày càng có nhiều tòa soạn lập ban/phòng, bộ phận chuyên đề - quảng cáo - PR, "đội quân" này dần một đông, hoạt động ngày càng "chuyên nghiệp", tạo ra sự cạnh tranh, "đụng hàng", giành nhau "thị phần" là chuyện thường. 

Nhưng, lo nhất lỡ trong quá trình "tác nghiệp", bị "đối tác" cho... bị sập bẫy tiền thì chỉ có đi tù...

Nghe mấy học viên nữ nói, tôi thấy e ngại, đây quả là một "nghề nguy hiểm". Nhưng, nguy hiểm hơn đó là nghề báo tử tế lại đang bị "biến tướng" bởi một sự "sáng tạo" trong tổ chức hoạt động cơ quan báo chí không giống ai này.

Việc một số đơn vị báo chí hoạt động tự chủ có "sáng kiến" thành lập ban/phòng, bộ phận Chuyên đề - Quảng cáo - PR, đưa ra những mô hình hoạt động kinh tế truyền thông nếu hoạt động đúng đắn, làm tăng thêm nguồn thu, giúp cho hoạt động báo chí hiệu quả là đáng hoan nghênh, cần nhân rộng, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín đối với công chúng. Tuy nhiên, thực tế lại đang tồn tại những đơn vị báo chí hoặc những trang tin điện tử mạo danh báo chí hoạt động kiềm lời dưới cái gọi là "hoạt động kinh tế báo chí". 

Có tòa soạn báo, tạp chí điện tử đã "phát triển", xuất bản thêm nhiều "trang con", phó mặc cho các nhóm, đội "phóng viên, biên tập viên" tự nuôi nhau. Họ lợi dụng các tính năng đa phương tiện và công nghệ làm báo hiện đại để làm SEO (Search Engine Optimization: Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để thu hút lượt công chúng truy cập, tăng view, mời gọi quảng cáo, tài trợ hoặc kết nối "xin, gạ" các doanh nghiệp, doanh nhân làm chuyên đề thông tin, hợp đồng truyền thông, quảng cáo, viết bài PR... Có trường hợp "xin - cho" không được đã tìm mọi thủ đoạn, "hở sườn" của "con mồi" để đe dọa, tống tiền...

Bên cạnh việc thành lập ban/phòng, bộ phận chuyên đề - quảng cáo - PR, một số đơn vị báo chí còn thành lập cái gọi là "văn phòng đại diện báo chí" khắp nơi, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Mục đích chính của việc thành lập các "văn phòng đại diện báo chí" này là để "hoạt động kinh tế truyền thông".

Ví như ở Thành phố Cần Thơ, trung tâm của 13 tỉnh miền Tây Nam bộ mà có tới 74 văn phòng đại diện cơ quan báo chí. Trong số này, đa phần là văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí lớn, hoạt động bài bản, chính danh, uy tín, có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Tuy nhiên, cũng có "văn phòng đại diện báo chí tại gia", chủ nhà… kiêm là chủ "văn phòng". 

Có "văn phòng đại diện báo chí tại gia" khi lực lượng chức năng "hỏi thăm" thì đều không phép, không rõ người đại diện… Mục đích của các "văn phòng đại diện báo chí tại gia" này là chịu trách nhiệm "theo dõi, nắm bắt thông tin" để đeo bám doanh nghiệp, doanh nhân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân để môi giới "hợp tác, hợp đồng truyền thông", tăng nguồn thu cho "tòa soạn"...

Đây cũng là lý do vì sao thời gian gần đây có nhiều "nhà báo" bị truy tố, bắt giam vì tội đe dọa, vòi vĩnh, tống tiền cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức..., gây mất uy tín cho báo giới. Các trường hợp gần đây nhất là những vụ mạo danh báo chí để tống tiền doanh nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình là những điển hình đau lòng cho cái gọi là "phóng viên chuyên đề", "phóng viên văn phòng đại diện báo chí". Sẽ còn nữa những trường hợp mượn danh báo chí để đi tống tiền và vào vòng lao lý…

Hệ lụy từ hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi

Chưa bao giờ vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nghề báo lại được bàn thảo, quan tâm đến như bây giờ. Một nhà báo cao tuổi chia sẻ, trước đây, chúng tôi làm báo chẳng ai nghĩ đến chuyện kiếm tiền, làm giàu cũng như chuyện vi phạm đạo đức nghề nghệp. Chúng tôi chỉ lo đi "săn tin" nóng hổi tính thời sự ở đầu nguồn tin tức, sự kiện; lặn lội cả tháng ở cơ sở để khai thác tư liệu viết bình luận, phóng sự, điều tra, ký cho thật chân thật, sống động, tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Viết, tuyên truyền tốt, cơ sở thương yêu, cho củ khoai, củ sắn, mớ rau; lễ tết "hối lộ nhà báo" chút gạo bánh chưng, cân thịt, nhận mà cứ áy náy, nghĩ lần sau đến cơ sở đó phải viết tin, bài hay hơn nữa cho xứng nhận phần quà. 

Bây giờ thấy "thương" cánh làm báo trẻ, làm báo mà không thấy lo, trăn trở để có được nội dung tác phẩm, sản phẩm tốt mà chỉ mải mê toan tính với hợp đồng này nọ, thế thì làm báo sao mà đúng, hay, hấp dẫn được…(!?).

Một thực tế là hiện nay, những người làm nghề báo tử tế "rát mặt" trước công chúng xã hội vì những "con sâu bỏ rầu nồi canh". Có lần, tôi gọi điện hẹn gặp để làm việc với một lãnh đạo doanh nghiệp về tập huấn kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông theo đặt hàng của đơn vị. Khi vừa mới nghe thấy loáng thoáng từ "báo chí", vị giám đốc doanh nghiệp đã quát trong máy: "Chúng tôi không có nhu cầu làm chuyên đề, quảng cáo gì nhé!". Rồi vị này ngắt luôn cuộc đàm thoại. 

Tôi vẫn kiên trì bấm lại máy, vì có việc cần thống nhất với vị lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề tập huấn. Vị lãnh đạo daonh nghiệp nhất định không nghe, thậm chí tắt máy, không có tín hiệu. Tôi đành phải nhắn tin, nói rõ nội dung. Ngày hôm sau, vị giám đốc đã gọi điện lại cho tôi. Anh nói xin lỗi và mong cảm thông, rồi thanh minh. Anh bảo rằng: "Nhà báo, thầy giáo thông cảm, tuần nào tôi cũng phải nghe dăm ba cuộc điện, cả chục tin nhắn mời gọi làm chuyên đề truyền thông, viết bài PR, xin hợp đồng quảng cáo..., rất mệt mỏi...". 

Hóa ra, anh bị đám "kền kền" quấy rối nên đã cảnh giác cao độ, phản xạ tự nhiên với cú điện thoại của tôi…

Còn nhớ, cách đây hơn mười năm, trong một lần đặt lịch làm việc với địa phương về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tôi tại phòng làm việc của lãnh đạo Sở X, có đầy đủ các chuyên viên theo dõi những mảng công việc liên quan. Tôi thấy có vẻ cơ quan đã chuẩn bị khá chu đáo cho buổi làm việc.

Tuy nhiên, tôi quan sát thấy các gương mặt từ thủ trưởng đến nhân viên của Sở với ánh mắt "mang hình viên đạn", trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu". Thấy vậy, tôi đành buông vài câu bông đùa, "khen" vui họ cho "hạ hỏa" trước khi vào việc. Tuy nhiên, câu đầu tiên mà vị lãnh đạo Sở nọ đề dẫn: "Ta thống nhất phương thức làm việc thế này nhà báo nhé. Một là, cơ quan không có nhu cầu ký kết hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo, tài trợ, pờ rờ (PR)... Hai là....". 

Lời đề dẫn của vị lãnh đạo làm tôi tự ái, nóng mặt..., chuyển từ trạng thái bình thường sang "đôi mắt mang hình viên đạn". Tôi xin lỗi ngắt lời, khẳng định "Không có cái chuyện "một là" như đồng chí vừa nói…"... Thấy mắt tôi phản ứng, vị lãnh đạo hạ giọng, xin lỗi và thanh minh. Vị lãnh đạo đó bảo: "Xin nhà báo thông cảm. Chúng tôi cứ quen với "tiền lệ" khi tiếp các nhà báo là phải thống nhất ngay, "mất lòng trước hơn được lòng sau". Thôi, chúng ta bỏ qua "một là", bắt đầu vào việc từ hai là,....".

Sau buổi làm việc này, tôi và vị lãnh đạo Sở ở địa phương nọ lại trở nên thân thiết từ lúc nào. Ở địa phương nếu cứ có có thông tin gì mới, hay liên quan đến an toàn giao thông là ông điện thoại, cung cấp thông tin nhiệt tình, đầy đủ và trách nhiệm. Tôi tự nhủ, hóa ra vị lãnh đạo này lại rất có nghề trong quan hệ với báo giới, biết sử dụng báo chí để làm phương tiện truyền thông cho cơ sở.

Lần nào có dịp đi công tác ở Hà Nội, ông cũng thường điện thoại trước cho tôi. Tôi thường mời ông cùng anh em ở địa phương đi uống bia hơi Hà Nội, tán chuyện tào lao. Tự dưng tôi thấy vui, thấy thích viết về địa phương của của vị lãnh đạo đó nhiều hơn.

Có lần, "lai rai" với mấy anh em làm doanh nghiệp. Biết tôi là nhà báo, các doanh nhân "nã đạn" làm tôi rát hết cả mặt. Nào là, ông bạn làm báo có biết "con" XYZ ở Ban/phòng chuyên đề pờ rờ (PR) báo P không? Nó là "sát thủ", "khắc tinh", "dũng sĩ diệt giám đốc doanh nghiệp" như bọn tôi đấy! Bọn tôi cứ nhìn thấy nó từ xa là phải... chuẩn bị sẵn phong bao để "đuổi" nó đi cho sớm, đỡ nhức đầu. Nó cứ đến doanh nghiệp nào, chỉ cần ngúng nguẩy, hoặc ngồi vào lòng tay giám đốc dại gái nào là "ăn đòn mỹ nhân kế", cứ việc chi tiền quảng cáo, tài trợ, ký hợp đồng tuyên truyền cho nó cả năm luôn. Mà khốn nạn nhất là nó còn "phím" gọi cho mấy đứa nữa ở các tờ báo khác đến... ngúng nguẩy mới khổ. Doanh nghiệp đến khuynh gia bại sản với đám "nữ yêu kèn kền" này.

Mấy người bạn doanh nhân còn nói thêm: Ông có quen "thằng phóng viên" C ở văn phòng thường trú báo điện tử X không? Thằng này nó giàu hơn cánh doanh nghiệp chúng tôi ấy chứ. Nó sống bằng việc đeo bám để "hút máu" doanh nghiệp đấy! Tháng nào nó chẳng lượn lờ mấy vòng vào công ty của tôi để "xin ly cà phê"... Mà ở tỉnh này có cả ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có mà nó "uống cà phê" nuôi cả họ không hết... Chỉ khổ giới doanh nhân chúng tôi, cứ phải "gãi ghẻ", mệt lắm... À mà nghe nói thằng này mới bị công an bắt vì tội nhận tiền tống doanh nghiệp tại một quán cà phê.

Nghe mấy người bạn doanh nhân "nã đạn" mà tôi thấy đau xót cho nghề chữ nghĩa. Và lại càng thật buồn, khi thời gian gần đây, có nhiều "nam, nữ nhà báo trẻ" vướng vào vòng lao lý do tống tiền doanh nghiệp.

Tôi cũng đã cố gắng giải thích cho mấy anh bạn doanh nhân, rằng đó chỉ là những người mạo danh báo chí, làm báo kiểu "kền kền", làm hổ danh báo giới chân chính. Mà đúng vậy, chúng ta có thể khẳng định là số đông cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo đang hằng ngày, hằng giờ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn lao, dù điều kiện kinh tế, thu nhập còn khó khăn. 

Chúng ta nên nhìn ở mặt tích cực, đẹp đẽ của nền báo chí Cách mạng Việt Nam và cố gắng "lau sạch các vết nhơ" để xã hội và những người làm nghề cùng soi chung một tấm gương sáng.

Chúng ta nên nhìn ở mặt tích cực, đẹp đẽ của nền báo chí Cách mạng Việt Nam và cố gắng "lau sạch các vết nhơ" để xã hội và những người làm nghề cùng soi chung một tấm gương sáng.
PGS, TS Hà Huy Phượng

Mượn danh báo chí để trục lợi - nguyên nhân từ đâu?

Kết quả nào cũng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo nên. Có 3 nguyên nhân khách quan lớn nhất dẫn đến thực trạng mượn danh báo chí để trục lợi, làm xấu hình ảnh của nền Báo chí cách mạng Việt Nam

Đó là:

Thứ nhất, đó là hoạt động báo chí ở nước ta đã và đang chịu sự tác động rất lớn của tiến trình toàn cầu hóa truyền thông, bùng nổ thông tin, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội. Điều này đã gây "nhiễu" đối với các loại hình truyền thông đại chúng truyền thống, trong đó có báo chí. Các loại hình báo chí truyền thống đang phải chịu sức ép, cạnh tranh mạnh mẽ với mạng xã hội về độ nhanh, hot, đa dạng thông tin và đa nền tảng tiếp nhận. Bên cạnh đó là những khó khăn, sự xoay sở để lo tự chủ tài chính lại càng tăng độ khó cho bài toán tồn tại, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh. 

Điều này đã buộc các cơ quan báo chí phải nhanh chóng thay đổi, tìm lối thoát. Các cơ quan báo chí được bao cấp 100% thì đỡ vất vả, tập trung lo sản xuất nội dung theo chức năng, nhiệm vụ chính trị, "tạm hài lòng" với thu nhập hiện tại. Tuy nhiên, có khá nhiều đơn vị báo chí tự chủ trong hoạt động, nhất là về vấn đề tài chính đang phải cố gắng tìm lối đi cho mình bằng việc tạo ra những bộ phận "lạ" như đề cập ở trên để nhằm mục đích... tăng nguồn thu, duy trì hoạt động.

Thứ hai, đó là sự tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nhiều đơn vị báo chí vốn lâu nay chỉ coi content (nội dung) là "vua" và technology (công nghệ) là "nữ hoàng", thì nay lại phải gánh thêm nhiệm vụ nặng nề, đó là hoạt động kinh tế báo chí. Các cơ quan báo chí trở thành đơn vị sự nghiệp có thu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp có thu gia tăng nguồn thu để giảm chi từ ngân sách nhà nước, tự cân đối thu chi trong các hoạt động... 

Đây là bài toán khó đối với các đơn vị báo chí tự chủ tài chính hoàn toàn hoặc tự chủ 50%. Đây cũng chính là lý do nảy sinh câu chuyện "túng làm liều" ở một số đơn vị báo chí.

Thứ ba, bên cạnh bài toán khó về tự chủ, nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là những đơn vị báo chí tự chủ hoàn toàn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về công chúng, thị phần quảng cáo, tiếp thị khách hàng... nên đã khó khăn lại càng khó khăn thêm, tất yếu dễ bị lôi vào vòng túng quẫn. Lãnh đạo cơ quan báo chí đó có thể trở thành "tội đồ" khi "bật đèn xanh" cho nhân viên của mình làm liều. Thế nên có chuyện ông Tổng biên tập trang tin điện tử nọ cho in "Thẻ Phóng viên" và ký, đóng dấu các loại "Giấy giới thiệu" cấp cho các "nhà báo" mạo danh tha hồ tung tác. Gọi là nhà báo mạo danh, vì có thể khẳng định phần đa số "nhà báo" được cơ quan báo chí đó tuyển dụng vào làm việc ở chế độ hợp đồng xác định thời hạn, trả lương khoán. 

"Đội ngũ" này đều chưa qua các trường đào tạo báo chí, truyền thông; kể cả… chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong số đó chủ yếu là nữ. Tiêu chí tuyển dụng nhân sự vào vị trí "làm báo chuyên đề" là ưu tiên nữ giới, trẻ đẹp, khéo giao tiếp… Thật đáng tiếc, nhiều bạn nữ (có cả sinh viên tốt nghiệp báo chí, truyền thông) do nhẹ dạ, ham giàu sớm đã lọt vào "bẫy săn đầu người" của những đơn vị sống bằng nguồn thu từ cái gọi là "hoạt động kinh tế truyền thông", để rồi vướng vào vòng lao lý, mất đi cả tuổi thanh xuân. 

Có những bạn nữ xinh xắn, tuổi đời mới đôi mươi, đang nuôi con nhỏ…, ngơ ngác khi bị bắt lúc đang nhận tiền từ doanh nghiệp… Xót xa hơn cả, đó là khi "nhà báo" mạo danh bị bắt, khai ra "đơn vị chủ quản" thì ngay lập tức, Ban Biên tập đơn vị báo chí, truyền thông nọ ban hành quyết định "sa thải" ngay "nhân viên" của mình và ghi thời gian ban hành quyết định trước khi người đó bị bắt… 1 tháng, để chối bỏ trách nhiệm.

Người dân, doanh nghiệp thì cứ nghe đến từ "báo chí" là kiềng, ghét nhà báo mà họ không cần biết một nhà báo thật tác nghiệp bằng "Thẻ Nhà báo" do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp khác với "Thẻ Phóng viên" hay "Giấy giới thiệu vô địa bàn, vô thời hạn" của các đơn vị báo chí, trang tin điện tử giả mạo. Việc này đang bị đánh đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, mất niềm tin của công chúng đối với nền báo chí và báo giới chân chính. 

Cũng để nhằm quản lý nhà nước về nội dung này chặt chẽ hơn, đợt đổi Thẻ Nhà báo năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà soát kỹ lưỡng, triển kê khai việc kê khai cấp Thẻ bằng hồ sơ điện tử, số hóa dữ liệu; đồng thời, Bộ chỉ cấp thẻ cho các nhà báo đủ điều kiện, đang trực tiếp hoạt động báo chí. Đối với các cá nhân, đơn vị hoạt động báo chí gián tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa xem xét, cấp "Thẻ nhà báo". Hy vọng, việc đổi, cấp Thẻ Nhà báo lần này được quản lý chặt sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để làm điều sai trái, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật pháp.

Mặt khác, việc Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch báo chí đến năm 2025 cũng là điều kiện tốt để cơ quan quản lý nhà nước và chủ quản báo chí rà soát, sắp xếp, loại bỏ những đơn vị báo chí không còn phù hợp, giảm bớt số lượng "nhà báo" hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp.

Về chủ quan, có 6 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi

Một là, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, một số chính sách về báo chí, truyền thông, trong đó có Luật Báo chí (sửa đổi, bổi sung ban hành năm 2016) và một số luật liên quan, mặc dù đã có cải thiện nhiều, nhưng chưa tiến kịp, bám sát, phù hợp với hơi thở của đời sống báo chí sôi động. Việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông mặc dù đã rất cố gắng, song vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự mạnh tay, kiên quyết, xử lý dứt điểm để "trị tận gốc" nạn mượn danh báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật pháp. 

Điều này đã làm cho một số đơn vị báo chí, trang tin điện tử "nhờn luật", "nở rộ" tràn lan, lợi dung để "lập lờ đánh lận con đen" giữa trang tin điện tử với báo, tạp chí điện tử, giữa nhà báo chuyên nghiệp với các cộng tác viên. Việc chưa xác định rõ thế nào là tạp chí điện tử, tạp chí điện tử định kỳ dễ dàng bị đánh tráo khái niệm giữa báo và tạp chí, trang tin điện tử với báo chí. Một số tờ tạp chí điện tử lợi dụng sự nhập nhằng này để "báo hóa tạp chí". Thay vì đăng bài học thuật, phân tích chuyên sâu, chuyên biệt, thông tin chỉ dẫn, các tạp chí điện tử này lại đi làm tin thời sự, điều tra, "đánh đấm" với mục đích buộc đối tượng phải chi tài chính hoặc các lợi ích khác nhằm để thu vén lợi ích về kinh tế cho tòa soạn và cá nhân nhà báo...

Hai là, nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí đối với cơ quan chủ quản còn mờ nhạt. Đảng và Nhà nước đã có đầy đủ các chủ trương, chính sách để định hướng, chỉ đạo và quản lý, điều hành báo chí phát triển. Tuy nhiên, sự nhận thức của cơ quan chủ quản báo chí, nhất là đối với người đứng đầu còn chưa thực sự tương xứng, thậm chí còn là coi nhẹ, buông lơi, để đơn vị báo chí của mình "sống vất vưởng" để thực thi nhiệm vụ chính trị. 

Có cơ quan chủ quản chỉ coi báo chí là một bộ phận nhỏ bé trong cơ cấu tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đơn vị nên không quan tâm, đầu tư về nhân lực, vật lực, định hướng phát triển. Chỉ khi cơ quan báo chí, nhà báo "có vấn đề" thì người đứng đầu, cơ quan chủ quản mới biết đến, lúc đó đã quá muộn.

Có tình tiết thật nực cười, đó là khi phóng viên một tờ báo của một hội chủ quan bị xử lý vi phạm, lúc đó người đứng đầu hội mới biết... đấy là tờ báo... do mình làm chủ quản. Được biết hiện nay, có một số "ông bố chủ quản" sinh ra cả "đàn con", phó mặc cho họ tự "kiếm ăn", để rồi có "đứa" phải sống dặt dẹo bằng mánh lới, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật pháp báo chí.

Ba là, nhận thức của lãnh đạo Ban biên tập của đơn vị báo chí, trang tin điện tử về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, luật pháp về báo chí, truyền thông còn chưa đầy đủ, dẫn đến việc buông lỏng thực hiện nhiệm vụ chính trị, mê mải chạy theo làm ăn kinh tế. Các lãnh đạo báo chí, trang tin điện tử bất chấp những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội của nhà báo để lập ra cái gọi là "Phóng viên chuyên đề". "Phóng viên pháp luật", "ban/phòng, bộ phận chuyên đề - quảng cáo - PR" và "văn phòng đại diện báo chí".

Thực tế như trên đã đề cập, có những Tổng Biên tập báo chí, trang tin điện tử đã "bật đèn xanh" cho những "phóng viên" là nhân viên hợp đồng thông qua việc "giao khoán chỉ tiêu". Ngoài đạt chỉ tiêu về sáng tạo tác phẩm họ còn phải đạt "chỉ tiêu" hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo, viết bài PR với số lượng tài chính theo tháng. Nếu càng tăng thu cho tòa soạn thì đồng nghĩa với tăng thu nhập cá nhân. 

Cũng từ những hoạt động kinh tế báo chí này mà không ít nhà báo bỗng chốc giàu lên nhanh chóng. Có bạn nữ gốc ở vùng quê nghèo, gia đình không mấy dư dả, nhưng chỉ sau vài năm vào làm việc ở ban chuyên đề - quảng cáo - PR của một đơn vị thông tin nhỏ đã mua được biệt thự triệu đô, đi siêu xe, dùng hàng hiệu, trưng diện hơn người mẫu. Gần đây nhất, một nữ "nhà báo" bị bắt vì tống tiền tỉ một doanh nghiệp địa phương. Xem trên trang Facebook cá nhân, thấy cô này khoe từ thuở khốn khó giờ ở nhà lầu, xe sang, đi spa, tập gym, có vẻ đời sống phong cách thượng lưu, nhưng thực chất đằng sau khối tài sản có được là những hoạt động mạo danh báo chí để tống tiền cá nhân, tổ chức. 

Đáng tiếc, khi sự việc xảy ra, Ban Biên tập báo nọ lại phủi trách nhiệm bằng việc ban hành nhanh một quyết định "cắt hợp đồng" trước thời gian "nhà báo" đó bị bắt.

Có lần, một người bạn tâm sự rằng đã phát hiện ra một sinh viên mới tốt nghiệp tại khoa truyền thông của một đại học tư thục có hành động tống tiền một địa phương. Người bạn bảo định báo cơ quan chức năng xử lý, nhưng thấy cậu này mặt non tơ, khắc khổ, tương lai phía trước còn dài nên đã gặp gỡ, khuyên can và cậu ấy sợ quá, bỏ ngay ý định. Cũng may bạn tôi là người nhân văn, chứ không thì giờ này cậu sinh viên mới tốt nghiệp kia đã sa bẫy tống tiền và ở tù, mất hết tương lai.

Bốn là, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên ở một số cơ quan báo chí phẩm chất chính trị, trình độ năng lực chuyên môn báo chí thấp, ít đầu tư và học tập nâng cao trình độ, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, bị đồng tiền sai khiến, đã sa ngã vào con đường lợi dụng danh nghĩa nhà báo để kiếm lợi bất chính. Theo quan sát, nhận thấy số những "phóng viên chuyên đề" mà các đơn vị báo chí, trang tin điện tử tuyển dụng hiện nay có rất ít người tốt nghiệp từ các ngành đào tạo báo chí, nhất là ở các cơ sở đào tạo báo chí uy tín như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội và một số cơ sở đào tạo khác... Nếu người làm báo không được đào tạo bài bản, sẽ không thể sáng tạo nội dung, tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, nhất là trong môi trường truyền thông phức tạp.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là các nhà báo chuyên nghiệp, sống bằng nghề thực chất lại không giàu có mà những "nhà báo" mượn danh, tay ngang lại sống khỏe, giàu bất thường(?). Vậy chỉ có thể là dùng "vốn tự có" hoặc dùng chiêu trò ma quỷ để đe dọa, tống tiền cá nhân, tổ chức mới có được những tài sản kếch xù.

PGS, TS Hà Huy Phượng
Nếu người làm báo không được đào tạo bài bản, sẽ không thể sáng tạo nội dung, tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, nhất là trong môi trường truyền thông phức tạp.

Năm là, những công chúng báo chí, truyền thông dễ dãi, "ưa" tiếp nhận những thông tin giật gân, đời tư, câu view, like, cổ xúy cho những thói hư, tật xấu, chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của đời sống xã hội cũng là nguyên nhân để cho những "nhà báo kền kền" bám rỉa, đưa tin "hót", câu khách, hòng tăng lợi ích về kinh tế; đồng thời cũng là "đòn" để hù dọa "đưa ra công luận" để tống tiền cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Nếu công chúng mạnh mẽ tẩy chay, nói không với fake news (tin giả), ủng hộ tin chính thống của báo chí tử tế thì cũng góp phần giảm bớt nạn "báo chí kền kền", báo chí mượn danh, làm trong sách đời sống báo chí hiện nay.

Sáu là, các doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nếu làm ăn đúng đắn, không có sự gian lận thương mại, tham nhũng, tiêu cực, chắc chắn những "nhà báo kền kền" không có "đất" sống. Tuy vậy, trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, các chính sách quản lý đang dần hoàn thiện, là kẽ hở, môi trường nảy sinh nạn tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đây cũng chính là "mảnh đất" tốt tươi để báo chí mạo danh hoạt động kiếm lời. Một nữ "phóng viên chuyên đề" từng khẳng định chắc như đinh đóng cột, rằng chúng em sờ đến doanh nghiệp XYZ đều có chuyện hết, chẳng qua là… chưa thích cho chết(?). Tôi hiểu, chữ "chưa thích cho chết" thì có nghĩa cả hai đều "sống"(!?).

Thật đáng buồn. Mong rằng, tới đây các doanh nhân, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật tốt hơn thì sẽ làm "tiệt nọc" những "cái ghẻ", "nhà báo kền kền" đeo bám, vòi vĩnh, tống tiền và vi phạm luật pháp.

Ngày nay, các nền tảng công nghệ truyền thông phát triển vượt bậc, tiện ích, cá cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, tổ chức cần biết tự sử dụng để truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho chính mình hoặc xây dựng cho mình bộ phận truyền thông, PR, quan hệ tốt với báo giới để truyền thông hình ảnh, thương hiệu, tránh việc bị một số nhà báo ép buộc các hợp đồng tuyên truyền, viết bài PR; đồng thời cũng là công cụ để xử lý khủng hoảng nội bộ, đối ngoại chuyên nghiệp. 

Thực tế cho thấy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu rất ít bị sự nhòm ngó, tống tiền của cánh "nhà báo kền kền". Đơn giản là họ làm ăn tử tế, đồng thời quản trị truyền thông rất bài bản, chuyên nghiệp.

Cần lên án hiện tượng mượn danh báo chí để trục lợi, làm xấu hình ảnh Báo chí Cách mạng Việt Nam - Ảnh 4.

Vấn đề được tác giả nêu ra trong bài viết này cũng là để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng việc các cơ quan báo chí, nhà báo "con sâu bỏ rầu nồi canh" để nhằm bôi nhọ, xúc phạm đến nền báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như danh dự và uy tín của những người làm báo chân chính.
Ảnh minh họa

Một số kiến nghị và kết luận

Để giảm thiểu tình trạng báo chí, truyền thông nhũng nhiễu, nạn "nhà báo kền kền", nhà báo mượn danh và những danh xưng "Ban/phòng, bộ phận Chuyên đề - Quảng cáo - PR" và "Văn phòng đại diện báo chí", "Thẻ Phóng viên"…, gây ảnh hưởng xấu đến nền Báo chí cách mạng Việt Nam, cần:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, định hướng phát triển báo chí của Đảng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, xã hội số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0); đồng thời, Nhà nước cần sớm kiện toàn hệ thống luật pháp về truyền thông, báo chí, nhất là khẩn trương thực hiện quy hoạch, sắp xếp các cơ quan báo chí theo quyết định Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025 của Chính phủ. Việc quy hoạch cần rõ, thống nhất về mô hình tổ chức cơ quan báo chí chung và đặc thù, trong đó cần rà soát, loại bỏ những cơ quan báo chí, các nhà báo mạo danh để gìn giữ hình ảnh của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, Chính phủ cần có sự phân loại, đầu tư, hỗ trợ tốt về tài chính tốt hơn nữa để cho các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả. Hiện nay, hệ thống cơ quan báo chí của Đảng (báo Đảng) được bao cấp hoàn toàn, thuận lợi trong việc sản xuất, phát hành sản phẩm tới công chúng, ít phải lo đến vấn đề tài chính. Tuy nhiên, hệ thống báo chí của các ngành, liên hiệp hội, hội, tổ chức chính trị - xã hội đang dần bị xóa bao cấp, khuyến khích tự chủ một phần hoặc toàn phần, đang gặp không ít khó khăn, phải xoay sở để tồn tại, mặc dù vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị là hàng đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ báo chí, như giảm thuế, phát hành phí, chi phí thuê nhà xưởng, kho bãi… để giảm bớt khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ, gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có nhiệm vụ hoạt động báo chí, truyền thông của các cơ quan báo chí. 

Thực tế thời gian vừa qua, do ảnh hưởng hưởng bởi đại dịch, một số tòa soạn báo in đã phải tạm dừng xuất bản báo in, chỉ duy trì báo điện tử vì lý do chi phí đầu tư tốn kém lại không có nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ; đồng thời phát hành gặp khó khăn do quy định về giãn cách xã hội…

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần chú trọng đầu tư nguồn lực chất lượng cao để tạo môi trường tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp. Cụ thể, bên cạnh nội dung là vua (content is the king) các cơ quan báo chí quan tâm đầu tư kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện để đáp ứng sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao và hãy coi công nghệ là "nữ hoàng" (technology is the queen); đồng thời cũng coi hoạt động kinh tế báo chí là một nhiệm vụ "bất khả thi" (impossible). Hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị báo chí phải thuê trụ sở, thiếu kinh phí hoạt động, nợ tiền in, nhuận bút… 

Vấn đề nhân lực làm báo chuyên nghiệp cũng rất quan trọng. Các cơ quan báo chí cần có chính sách tuyển dụng, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn của mỗi nhà báo; đồng thời cần có chính sách đãi ngộ các nhà báo chính đáng để kịp thời khuyến khích các nhà báo hăng say lao động sáng tạo, giảm bớt những "con sâu bỏ rầu nồi canh".

Thứ tư, các cơ sở đào tạo báo chí cần được đầu tư, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo… để phục vụ tốt công tác đào tạo đội ngũ nhà báo chính quy, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của hệ thống chính trị cũng như nhu cầu xã hội. Thực tế cho thấy, trong số các nhà báo được đào tạo, bồi dưỡng chuyên nghiệp, ít có những người bị vào vòng lao lý do vi phạm đạo đức nghề nghiệp và luật pháp báo chí. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thống, có uy tín cũng rất dễ bị cuốn theo "cơn lốc" đào tạo truyền thông, "bỏ bễ" việc đào tạo báo chí; do đó, cần có sự rà soát, "xốc lại" để đầu tư đào tạo báo chí bài bản, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống chính trị, như cậy cũng là góp phần cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam thêm sự mạnh để phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Như trên đã đề cập, thời gian gần đây, có khá nhiều tòa soạn báo và tạp chí (chủ yếu là điện tử), các trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp, hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, trong cơ cấu tổ chức bộ máy của mình đã thành lập ban, phòng hoặc bộ phận với tên gọi khá mĩ miều như: "Ban/phòng Chuyên đề - Quảng cáo - PR" (Public Relation: Quan hệ công chúng) hoặc "Văn phòng đại diện báo chí"... Phía sau những danh xưng này là những câu chuyện bi hài, thậm chí là vi phạm pháp luật, đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của nền báo chí và đội ngũ nhà báo Cách mạng Việt Nam. 

Bài viết đã chỉ rõ bối cảnh, thực trạng đáng báo động trên và những nguyên nhân; đồng thời đề xuất các kiến nghị khắc phục nạn mạo danh báo chí, "nhà báo kền kền" để hòng trục lợi. Vấn đề được tác giả nêu ra trong bài viết này cũng là để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng việc các cơ quan báo chí, nhà báo "con sâu bỏ rầu nồi canh" để nhằm bôi nhọ, xúc phạm đến nền báo chí Cách mạng Việt Nam cũng như danh dự và uy tín của những người làm báo chân chính.