Cái chết liên tiếp của 7 sinh viên Ấn Độ tại Mỹ gây hoang mang, lo lắng
Tại Đại học Purdue (Mỹ), hai sinh viên người Ấn Độ chết trong các vụ việc riêng biệt và chỉ cách nhau một tuần. Chuyên gia tâm lý cho rằng, những thanh niên này thuộc nhóm nhân khẩu học thường không tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần và là nhóm có hành vi nguy hiểm hơn.
7 cái chết liên tiếp của sinh viên Ấn Độ tại Mỹ - nguyên nhân do đâu?
Một loạt cái chết liên tiếp của sinh viên Ấn Độ tại các trường đại học tại Mỹ đã khiến cộng đồng Nam Á chấn động, gây lo lắng cho sinh viên và phụ huynh, theo NBC News.
Chỉ riêng trong năm 2024, có 7 học sinh gốc Ấn Độ và người Mỹ gốc Ấn đã thiệt mạng. Theo hồ sơ của cảnh sát ở các bang từ Connecticut đến Indiana (Mỹ), tất cả là sinh viên nam, từ 25 tuổi trở xuống, hai người chết vì tự tử, hai người chết vì dùng thuốc quá liều, hai người được tìm thấy đã chết sau khi mất tích và một người bị đánh đến chết.
"Nó giống như một khuôn mẫu, kiểu như, tại sao lại là một thanh niên Ấn Độ khác? Thật đau thương!" - Virag Shah, 21 tuổi, sinh viên năm cuối tại Đại học Purdue ở bang Indiana, nơi xảy ra hai trong số bảy trường hợp tử vong nói.
Shah là chủ tịch Hiệp hội sinh viên Ấn Độ của trường và anh cho biết các bạn cùng lớp rất lo lắng trước những sự việc như vậy lặp đi lặp lại.
Vào ngày 28/1, thi thể của Neel Acharya (19 tuổi) đã được tìm thấy trong khuôn viên Đại học Purdue. Shah cho biết Acharya đã mất tích sau một đêm đi chơi và được tìm thấy đã chết vào sáng hôm sau. Hiện nguyên nhân cái chết vẫn chưa được xác định, trong khi thi thể không có vết thương nào.
Chỉ hơn một tuần sau, sinh viên tốt nghiệp Purdue Sameer Kamath (23 tuổi) được tìm thấy đã chết trong khu rừng gần đó với vết thương do đạn bắn vào đầu. Giám định y tế cho biết người này chết vì tự tử vào ngày 5/2.
Theo cảnh sát, hai cái chết này xảy ra sau một vụ án nổi tiếng ở Purdue vào tháng 10/2022, khi Varun Manish Chheda (20 tuổi) bị bạn cùng phòng đâm chết một cách dã man. Vào tháng 12/2023, kẻ giết người đã lộ diện nhưng được xét không đủ năng lực hầu tòa.
Đối với các chuyên gia, số vụ tử vong liên quan đến đàn ông Ấn Độ trong vài tuần đầu năm là điều đáng lo ngại. Nhà chức trách cho biết số ca tử vong ngày càng gia tăng kể từ ngày 15/1, khi thi thể của hai sinh viên gốc Ấn Độ tại Đại học Sacred Hearts được phát hiện tại nơi cư trú của họ ở Hartford, Connecticut.
Dinesh Gattu (22 tuổi) và Sai Rakoti (21 tuổi) - cả hai đều chết do vô tình dùng thuốc liên quan đến fentanyl quá liều, theo Giám đốc Y tế Connecticut.
Một ngày sau, vào ngày 16/1, sinh viên tốt nghiệp (25 tuổi) người Ấn Độ Vivek Saini được cho là đã bị đánh đến chết trong cửa hàng nơi anh làm việc ở Lithonia, Georgia. Lãnh sự quán Ấn Độ đã vào cuộc và đang làm việc để hồi hương thi thể về Ấn Độ.
Bốn ngày sau cái chết của Saini, thi thể của sinh viên năm nhất người Mỹ gốc Ấn Akul Dhawan (18 tuổi) được tìm thấy trong khuôn viên Đại học Illinois Urbana-Champaign. Sinh viên này được một người bạn báo mất tích sau khi rời ký túc xá vào khoảng 1 giờ 30 sáng. Mặc dù nhân viên an ninh của trường cho biết đã tiến hành tìm kiếm rộng rãi, song thi thể của nạn nhân được một người qua đường tìm thấy 10 giờ sau đó, chỉ cách nơi anh ta được nhìn thấy lần cuối hơn 100 m.
Cha của Akul - ông Ish Dhawan, nói: "Thật không thể tưởng tượng được rằng, một đứa trẻ có thể chết ngay trong khuôn viên trường đại học trong thời đại ngày nay".
Tại Đại học Cincinnati, Shreyas Reddy Beniger, một sinh viên 19 tuổi gốc Ấn Độ, cũng được phát hiện đã chết vào ngày 1/2 do tự sát.
Giáo sư chuyên nghiên cứu về nước Mỹ - Pawan Dhingra tại Cao đẳng Amherst nói: "Thật là bi thảm. Người dân Ấn Độ đang chứng kiến những câu chuyện này. Liệu đây có phải là con đường đúng đắn không?"
Sức khỏe tâm thần và an toàn trong khuôn viên trường
Yuki Yamazaki, trợ lý giáo sư lâm sàng về tâm lý tư vấn tại Đại học Fordham, cho biết điều đáng chú ý là cả bảy trường hợp tử vong đều là nam thanh niên Ấn Độ. Theo Yuki, không thể không nghĩ đến thực tế rằng, đó là nhóm nhân khẩu học thường không tìm kiếm sự trợ giúp về sức khỏe tâm thần và là nhóm có hành vi nguy hiểm hơn.
"Việc học tập ở Mỹ rất tốn kém và có rất nhiều áp lực để phải học tốt. Và tất nhiên, để có được một công việc tốt, có thể có được thị thực, ngay khi đặt chân đến đây, bạn sẽ có vô số áp lực đè lên mình... Đặc biệt nếu gia đình bạn đã hỗ trợ bạn để đi du học đến thời điểm này", bà Yuki nói.
Với tư cách là người lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Ấn trong khuôn viên trường của mình, Shah nói rằng, anh đã tận mắt nhìn thấy những áp lực mà các sinh viên phải đối mặt và các cơ chế đối phó mà đôi khi họ hướng tới. Theo Shah, mặc dù động cơ không rõ ràng trong một số vụ việc, nhưng anh ấy băn khoăn về yếu tố sức khỏe tâm thần.
"Mọi thứ luôn được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh. Điều đó gây tổn hại lớn đến sức khỏe tâm thần và nó cũng có thể đẩy bạn vào tình trạng uống quá nhiều thuốc giảm đau và vượt quá giới hạn vì bạn chỉ có 1-2 ngày/tuần để vui chơi", Shah chia sẻ.
Người Ấn Độ chiếm 1/4 số sinh viên quốc tế ở Mỹ
Đối với những người Nam Á, nền giáo dục Mỹ từ lâu đã được lý tưởng hóa, được coi là con đường chắc chắn dẫn đến thịnh vượng. Và mặc dù các chuyên gia không nhận thấy sự thay đổi đáng kể đó, nhưng họ cho biết mọi người đang bắt đầu đặt câu hỏi: Nếu đó là con họ, liệu trường đại học có đảm bảo an toàn cho chúng không? Liệu trường học có tìm kiếm họ nếu họ bị mất tích?
Truyền thông Ấn Độ đã đưa tin về số người chết ngày càng tăng này, với các hãng tin tức nổi bật đăng những câu chuyện có nội dung "Mối đe dọa đối với sinh viên Ấn Độ ở Mỹ?" và "Giấc mơ Mỹ hay Kinh dị Mỹ?".
Người Ấn Độ chiếm hơn 25% tổng số sinh viên quốc tế ở Mỹ, và Giáo sư Dhingra nghi ngờ những tiêu đề như thế này sẽ dẫn tới Mỹ trở nên kém hấp dẫn đối với sinh viên quốc tế. Còn đối với các gia đình, đặc biệt là những gia đình phải hy sinh rất nhiều để gửi con ra nước ngoài, Mỹ có thể bị xếp ở vị trí thấp hơn trong danh sách của họ.
"Người Ấn Độ có thể đi nơi khác để học tập. Có những đất nước an toàn hơn và mọi người biết điều đó, đó không phải là bí mật", Giáo sư Dhingra nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google