Cách nào giảm áp lực tài chính cho sinh viên khi tăng học phí đại học?

Phạm Hằng - Trang Linh
06:00 - 22/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Năm học 2023-2024, nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Làm cách nào để tăng học phí nhưng không thu hẹp cánh cửa vào đại học là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

Tăng học phí đại học vào thời điểm thu nhập của người dân đứng yên là không hợp lý

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm: “Tăng học phí đại học phải phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân. 

Nếu mức thu nhập trung bình chưa tăng thì cũng không nên tăng học phí. Bởi nếu chi phí học tập vượt quá thu nhập, vô hình chung sẽ đẩy con em của gia đình có thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình ra khỏi giáo dục đại học. Như vậy sẽ khó đảm bảo tính công bằng trong giáo dục”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, "tăng học phí đại học phải phù hợp với thu nhập của người dân". Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến băn khoăn về thời điểm tăng học phí đại học. Ảnh: NVCC

Hầu hết các trường đại học lý giải nguyên nhân tăng học phí là do muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời thúc đẩy quá trình tự chủ. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định: “Cần tránh nhầm lẫn tự chủ với tự túc. Việc không nhận ngân sách Nhà nước mới chỉ là tự túc. Ngoài tự chủ tài chính, tự chủ đại học còn bao gồm tự chủ định hướng phát triển nhà trường, tự chủ sử dụng các nguồn lực. 

Bản chất khi tự chủ, các trường đại học chưa bị cắt giảm hoàn toàn phần ngân sách Nhà nước đầu tư. Nhà nước vẫn sẽ có chính sách đặt hàng đào tạo cùng với nhiều chính sách khác hỗ trợ các trường phát triển. Ngoài ra, các trường đại học còn một nguồn thu khác là nguồn xã hội hóa từ các tổ chức và doanh nghiệp.

Tất nhiên, khi các trường tự chủ tài chính, người học sẽ phải đóng góp thêm vào chi phí đào tạo. Việc tăng học phí là cần thiết. Nhưng tăng bao nhiêu, tăng ở mức nào khi mà thu nhập của người dân chưa tăng là điều cần lưu ý. Không thể đánh đồng việc tăng chi phí đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy thì phải đi kèm với tăng học phí một cách “phi mã”. Làm như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho người học”.

Tăng học phí đại học sẽ tạo ra áp lực lớn đối với người học.

Học phí đại học tăng sẽ tạo ra áp lực lớn đối với người học. Ảnh: Hồng Phúc

Chi phí đào tạo một sinh viên trong một năm được tạm gọi là chi phí đơn vị (unit cost). Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, không nhất thiết phải tăng chi phí đơn vị. Các trường đại học có thể tìm kiếm nhiều giải pháp khác như nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà trường, hiệu quả của các chương trình đào tạo, tinh giản quy trình đào tạo.

Ngoài ra, tăng học phí cũng đi kèm nhiều rủi ro trong tuyển sinh các ngành đặc thù. Lấy đơn cử như khối ngành sức khỏe, chi phí đào tạo cao, thời gian đào tạo kéo dài, công việc sau khi tốt nghiệp nhiều áp lực, việc tăng học phí có thể dẫn đến tình trạng học sinh không mặn mà với ngành học này. 

Vì vậy, Nhà nước phải có tính toán hợp lý, tránh tình trạng “cào bằng” ngân sách đầu tư cho các ngành đặc thù và các ngành khác như kinh doanh, kinh tế, truyền thông. 

Với nhóm ngành sức khỏe, Nhà nước cần phải có sự quan tâm đặc biệt.

Mặt khác, không thể lấy chi phí đào tạo ngành sức khỏe ở các nước phát triển để làm chuẩn chất lượng cho Việt Nam. Nguồn lực của Nhà nước đến đâu, đầu tư cho các ngành đặc thù đến đó. Không vì “chạy đua” với các nước khác mà nâng chi phí đào tạo. Chi phí đào tạo tăng, nguồn lực Nhà nước không đủ lại tăng học phí, tạo gánh nặng cho người học sẽ tạo ra rủi ro lớn cho tuyển sinh các ngành đặc thù. 

Giải pháp nào để giảm gánh nặng học phí trên vai người học?

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, về phía Nhà nước, “cần điều chỉnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học. Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngân sách chi cho giáo dục đại học hàng năm chỉ chiếm 0.27% GDP. Trong khi đó, các quốc gia khác trích từ 1-1.5% GDP cho giáo dục đại học, thậm chí có những nước đầu tư ở mức cao hơn 1.5%. 

Như vậy, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học ở nước ta tương đối thấp. Chưa so sánh cụ thể số tiền đầu tư cho giáo dục bởi GDP của mỗi nước là khác nhau, các nước đang phát triển không thể đầu tư số tiền lớn vào giáo dục như các nước phát triển. Tuy nhiên, con số 0.27% vẫn chưa tương xứng với câu nói “đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Từ phía các trường đại học, cần tự tìm kiếm nhiều nguồn tài chính khác ngoài ngân sách Nhà nước và học phí để giảm áp lực cho người học. Những nguồn tài chính ấy có thể đến từ các nhà tài trợ hoặc hoạt động nghiên cứu, sản xuất. Ví dụ như các trường đào tạo khối ngành sức khỏe có thể tìm kiếm nguồn đầu tư từ hệ thống bệnh viện trực thuộc. 

Các trường đại học cần tự tìm kiếm các nguồn tài chính khác ngoài ngân sách Nhà nước và học phí để giảm áp lực cho người học.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

Các trường đại học Y Dược ở Việt Nam có thể làm theo mô hình của Đại học Quốc gia Singapore, phát triển hệ thống bệnh viện có chất lượng cao và uy tín, rồi sử dụng một phần lợi nhuận thu được đầu tư ngược lại cho giáo dục đại học. Như vậy, người học không phải trả học phí quá lớn nhưng vẫn được hưởng chương trình đào tạo tốt, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. 

Ngoài ra, Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu đưa ra một số chính sách, học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc để không bỏ lỡ nhân tài chỉ vì tăng học phí.  

Bình luận của bạn

Bình luận