Tăng học phí, trường đại học chi hàng chục tỉ đồng cấp học bổng cho sinh viên

Lam Linh - Thiên Ân
06:47 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Rục rịch tăng học phí, các trường đại học cũng đưa ra nhiều chính sách và học bổng hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tập, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Sau khi Chính phủ đồng ý tăng học phí, các trường đại học đồng loạt công bố học phí dự kiến năm học tới với mức tăng phổ biến 10-15%.

Bữa ăn sáng cũng tăng đến 30% mà học phí không tăng?

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường không thực hiện tăng học phí để chia sẻ cùng với sinh viên. Năm học tới, trường dự kiến tăng 5-10% học phí đối với khóa sắp tuyển.

Tăng học phí, trường đại học chi hàng chục tỉ đồng cấp học bổng cho sinh viên - Ảnh 1.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ, từ khi thực hiện tự chủ, trường không nhận được nhiều khoản đầu tư từ ngân sách. Vì thế, nếu không tăng học phí, nhà trường sẽ không đủ kinh phí để đầu tư cho việc dạy và học, cho cơ sở vật chất và tăng lương cho giảng viên.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh là một trong số ít các trường đại học được phép tự chủ hoàn toàn, kể cả chi thường xuyên, chi đầu tư.

"Trong bối cảnh bữa ăn sáng cũng tăng đến 30% mà học phí không tăng, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh còn phải cắt giảm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Hằng năm, nhà trường trích khoảng 150 tỉ đồng từ học phí cho các hoạt động thí nghiệm, thực hành của sinh viên, nhưng năm qua con số này chỉ khoảng 115 tỉ đồng", Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, tăng học phí vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Mức thu học phí có cao hơn nhưng bù lại giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình học tập của sinh viên tốt hơn; tăng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Các trường đại học vẫn "sống" chủ yếu từ nguồn học phí

Cũng chia sẻ về vấn đề tăng học phí đại học, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh chưa công bố học phí chính thức cho năm học tới.

Tuy nhiên, năm học 2023-2024, nhà trường sẽ điều chỉnh mức tăng học phí theo lộ trình phù hợp với Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tăng học phí, trường đại học chi hàng chục tỉ đồng cấp học bổng cho sinh viên - Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: HUB

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng, việc giữ ổn định và không tăng học phí đã gây khó khăn ít nhiều cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Vì vậy, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách của nhà nước thì đối với các trường đại học công lập ở Việt Nam, học phí vẫn là nguồn thu chủ yếu.

"Nếu nguồn thu có được từ sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp là một trong những nguồn thu quan trọng đối với các trường đại học trên thế giới thì ở Việt Nam, các quỹ tài trợ này chưa thể coi là nguồn thu chính nhằm trang trải chi phí cho giáo dục đại học", Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng, trong tương lai sẽ có những nguồn thu đóng vai trò quan trọng đó là: nguồn thu từ đóng góp phi lợi nhuận của các doanh nghiệp, cá nhân; nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; nguồn thu từ các hoạt động tư vấn. Đây là những nguồn thu "tiềm năng" sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong tổng nguồn thu của trường đại học.

Chi hàng chục tỉ đồng cho học bổng

Rục rịch tăng học phí nhưng để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, các trường cũng đưa ra nhiều chính sách về học bổng nhằm hỗ trợ sinh viên. Quan tâm đặc biệt đến đời sống sinh viên thông qua các chương trình học bổng luôn là hoạt động được Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh duy trì hàng năm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết, mỗi năm, nhà trường dành khoảng 40 tỉ đồng cho học bổng. Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ sinh viên vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh, sinh viên nếu các em có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện.

Đối với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: "Trường có nhiều loại học bổng. Trường duy trì trích 7-8% nguồn thu học phí để trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên.

Bên cạnh đó, trường có quỹ học bổng của các ngân hàng thương mại. Mỗi một ngân hàng sẽ cấp một quỹ học bổng cho nhà trường để hỗ trợ các sinh viên.

Hội cựu sinh viên của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quỹ học bổng riêng. 

Năm học vừa qua, quỹ học bổng của trường là khoảng 12 tỉ và hơn 1.200 suất học bổng đã được trao cho các sinh viên".

Bên cạnh sự hỗ trợ từ các quỹ học bổng, theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, sinh viên có thể tìm hiểu các chính sách vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách.

Hiện nay, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang làm việc với một số ngân hàng, tổ chức tín dụng để kêu gọi sự hỗ trợ chính sách vay hoặc ưu đãi đặc biệt với lãi suất thấp, thậm chí là lãi suất 0% đối với sinh viên gặp khó về học phí, sinh hoạt phí.

"Tăng học phí, trường sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là những thiết bị liên quan đến thực hành, mô phỏng để sinh viên trải nghiệm hoạt động thực tế tại trường.

Ngoài ra, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào thư viện, các tài nguyên, học liệu điện tử", Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ thông tin thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng, dưới góc độ xã hội, học phí tăng cao so với thu nhập của phụ huynh sẽ có ảnh hưởng nhất định đến cơ hội vào đại học của các bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu không tăng học phí thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các trường đại học.

Do vậy, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ khuyên học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 nên tìm hiểu, cân nhắc mức học phí của các trường để so sánh và có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhắn nhủ, ngoài việc đăng ký xét tuyển vào ngành và trường mình yêu thích, thí sinh phải hết sức lưu tâm đến mức học phí được các trường công khai, tránh tình trạng bất ngờ khi biết mức học phí sau khi trúng tuyển.

"Các em nên đăng ký xét tuyển vào trường đại học công lập nếu điều kiện kinh tế khó khăn. Các trường công lập đều có quỹ học bổng và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tập", Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói.