Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp trên không gian mạng

Hồng Ngọc
19:22 - 29/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục hoạt động mạnh với những phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đánh lừa các nạn nhân, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng tỉ đồng.

Liên tiếp triệt phá các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R’lấp đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với đố tượng Võ Định về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của Định là lên mạng tìm kiếm thông tin người bị mất giấy tờ rồi gọi điện cho chủ nhân mất giấy tờ, tự xưng mình là nhân viên ngân hàng đang giữ giấy tờ của những người này và yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng và số thẻ ATM, số căn cước công dân để xác minh có phải chủ tài khoản bị mất không.

Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp trên không gian mạng - Ảnh 1.

Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng làm việc với cơ quan công an. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Nông

Khi được người kia cung cấp thông tin, đối tượng lại yêu cầu cung cấp mã OTP để chuyển tiền thử xem có đúng là chủ tài khoản không, sau đó sẽ chuyển trả lại tiền. Nếu chủ tài khoản không đồng ý cung cấp mã OTP, đối tượng sẽ liên kết tài khoản ngân hàng của họ với tài khoản kho ứng dụng CH Play sau đó thực hiện các lệnh mua ứng dụng để bị hại nhận được các tin nhắn trừ tiền.

Từ đó, bị hại tin tưởng đối tượng là nhân viên ngân hàng thật vì có thể trừ tiền và trả tiền trong tài khoản ngân hàng và đồng ý cung cấp thông tin. Khi có được thông tin, đối tượng sẽ chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bị hại bằng cách liên kết với ví ZaloPay rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của bị hại. Với thủ đoạn trên, đối tượng đã lừa hơn 50 người trên cả nước, với số tiền giao dịch từ ngày 1/1/2023 đến ngày 8/5/2023 khoảng 6 tỉ đồng.

Trước đó, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã triệt phá 1 nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đồng thời tạm giam 7 đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2023, nhóm đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 3.000 người dân trên địa bàn toàn quốc (chủ yếu là người lớn tuổi, có tiền sử mắc một số bệnh xương khớp, bệnh tiểu đường...) với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 25 tỉ đồng.

Công an thành phố Gia Nghĩa đã thu giữ hàng trăm điện thoại di động, máy tính xách tay, con dấu và nhiều sổ sách, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cùng 764 triệu đồng và gần 30 tấn hàng hóa phục vụ việc lừa đảo.

Tương tự, Công an huyện Cư Jút và Đắk Mil cũng đã đấu tranh triệt phá 3 nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng chục người dân trong và ngoài tỉnh với số tiền gần 5 tỉ đồng bằng thủ đoạn lừa bán hàng trên các trang mạng xã hội.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa phát thông tin cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi, biến tướng cho vay tiền trực tuyến qua ứng dụng.

Hình thức cho vay của tội phạm tín dụng đen là chỉ cho phép thanh toán ngắn hạn trong vòng 7 đến 10 ngày với lãi suất cao (gọi là thu phí dịch vụ...). Khi người vay tiền không trả nợ đúng hạn, các đối tượng sẽ tiến hành gọi điện thoại, nhắn tin để nhắc nợ. 

Trường hợp khách không trả hoặc cắt liên lạc thì những đối tượng cho vay sẽ dựa vào danh sách danh bạ để gọi điện thoại cho người thân, bạn bè để yêu cầu người thân nhắc người vay nợ. Sau đó gọi điện thoại để chửi bới, đe dọa và nhắn tin xúc phạm, lấy ảnh cá nhân cắt ghép hình đồi trụy để gửi cho những người này… nhằm gây áp lực buộc phải trả tiền thay cho khách vay. Ngoài ra, các nhóm tội phạm tín dụng đen còn đến nhà tạt sơn, chất bẩn, hủy hoại tài sản của người dân và gây mất an ninh trật tự.

Qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị của Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định hơn 32 ứng dụng cho vay tiền online hoạt động với phương thức, thủ đoạn như trên; khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 11 bị can liên quan về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Nâng cao cảnh giác, tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách

Theo Cổng Thôn tin điện tử Bộ Công an, để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng.

Đồng thời, đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định.

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Người dân tuyệt đối không cho thuê, mượn các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.