Các nhà mạng sẽ bị thanh tra về đảm bảo an toàn thông tin

18:24 - 04/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về thu thập, xử lý về đảm bảo an toàn thông tin, sau đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra sang các doanh nghiệp bưu chính.

Sáng 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh: “Bộ đặt một chương trình, trong năm 2022 thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý về đảm bảo an toàn thông tin. Sau đó, bộ sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra sang các doanh nghiệp bưu chính. Doanh nghiệp bưu chính cũng thu thập nhiều dữ liệu và đụng chạm đến gần hết người dân”. 

Theo đó, các đầu số, xử lý tình trạng sim rác, xây dựng nền kinh tế số, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân... sẽ được xử lý dứt khoát. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân, điều này đã được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi một người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình.

Tuy nhiên, theo ông vừa qua, việc này còn dễ dãi. Dẫn ví dụ việc đến cửa hàng làm kính, thì nhân viên hỏi số điện thoại khách hàng cũng cung cấp, thậm chí ra siêu thị cũng cung cấp thông tin cá nhân, ông Hùng cho rằng vấn đề này liên quan đến nhận thức, tuyên truyền.

Bộ trưởng cũng cho biết, về hành lang pháp lý, Bộ Công an đang chuẩn bị ra Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt là việc xử lý mang tính răn đe. Vừa qua, đã tăng mức phạt gấp 2 lần nhưng vẫn còn thấp so với thế giới.

Ví trên không gian mạng, “tin xấu, độc” cũng giống như không khí, tin xấu mà nhiều cũng giống như không khí bị nhiễm bẩn, do đó ông Hùng đề xuất “cơ quan nào quản lý những vấn đề gì ở đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng”.

Liên quan nội dung này, về phía Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị một số giải pháp, gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đặc thù bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng.

Ông cũng đề nghi các ban, bộ, ngành, các địa phương chủ động đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ quy trình bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin, dữ liệu cai nghiện. Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, an ninh dữ liệu.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Ủy ban nhân dân 15 địa phương.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia dân cư với các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, do hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa có hệ thống để kết nối, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.

Thậm chí, có nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hóa dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nên dù đã kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng kết quả khai thác còn rất hạn chế.

"Thời gian tới, Bộ Công an cùng với các đơn vị, bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, kết nối này để phục vụ cho Nhân dân…," Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề xử lý tin giả, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, dù đã sửa các Nghị định để nâng tầm vấn đề xử lý tin giả, từ thông tư lên Nghị định, đồng thời Nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan và thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 48 tiếng xuống còn 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt phải xử lý ngay trong 3 giờ.

Mặc dù mức phạt hành vi đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng theo ông, so với các nước trong khu vực chỉ bằng 1/10. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất ngang mức trung bình so với các nước trong khu vực.

Chia sẻ thêm, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Trước những băn khoăn của đại biểu về việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân, theo Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông, trong thời gian qua, bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Cũng theo ông Hùng, thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường rà soát, hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, định nghĩa rõ các hành vi và quy định, quy trình xử lý hành chính, cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự.

Việc đầu tiên là Bộ đã công khai các đầu số điện thoại, cụ thể là đầu 156, các trang web để tiếp nhận thông báo về những vi phạm. Cùng đó, là phát triển công cụ, công nghệ.

“Trong quản lý không gian mạng, chúng ta cũng coi công nghệ số là lực lượng thực thi. Năm 2020, Bộ đã rà quét và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo, nếu không ngăn chặn sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập các trang web và xác suất bị lừa đảo là rất lớn,” ông nói và cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung xử lý các sim rác, đây là một trong những công cụ để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Làm rõ hơn về xử lý cuộc gọi phát tán "thông tin rác," ông Hùng cho biết, gần đây, bộ đã công bố số điện thoại để người dân có thể phản ánh về các cuộc gọi này để nhà mạng xử lý hoặc bộ chỉ đạo các nhà mạng xử lý.

Các nhà mạng sẽ bị thanh tra về đảm bảo an toàn thông tin - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội 4/11. Ảnh: VGP

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Bộ trưởng cho biết: "Mỗi một tháng đã phát hiện khoảng gần 4.000 số điện thoại có phát tán thông tin rác và có câu chuyện đe doạ, ảnh hưởng đến cá nhân”.

Nguồn: TTXVN