Ca bệnh đầu tiên tử vong do đậu mùa khỉ: Cách bảo vệ bản thân và những người khác không mắc bệnh
Bệnh nhân nam 29 tuổi ở Long An mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tử vong sau quá trình điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Ca tử vong đầu tiên có liên quan đến đậu mùa khỉ tại Việt Nam
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một bệnh nhân nam, sinh năm 1994, địa chỉ ở Mộc Hóa, tỉnh Long An, nhập viện ngày 2/10/2023 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày.
Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng.
Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên tình trạng diễn tiến nặng và tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập hội đồng chuyên môn để có kết luận và báo cáo chính thức về trường hợp này.
Đậu mùa khỉ có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người được Bộ Y tế ban hành ngày 29/7/2022, người mắc đậu mùa khỉ có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Trường hợp này thường gặp ở nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch...
Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục. Một số có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).
Cách bảo vệ bản thân và những người khác khỏi bệnh đậu mùa khỉ
Để ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cho bản thân và cộng đồng, bạn cần thực hiện các biện pháp sau:
Hạn chế tiếp xúc gần với những người đã nghi ngờ hoặc đã xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh.
Làm sạch và khử trùng môi trường có thể đã bị nhiễm virus từ người có khả năng lây nhiễm thường xuyên.
Nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đồng thời, cách ly với những người khác cho đến khi được chẩn đoán chính xác.
Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình (đặc biệt là đã có quan hệ tình dục) để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Hãy sử dụng bao cao su như một biện pháp phòng ngừa trong khi quan hệ tình dục trong 12 tuần sau khi bạn đã bình phục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google