Buộc thôi học sinh viên có chứng tỏ chất lượng đào tạo ở trường đại học?

Ngọc Ánh
06:00 - 30/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo các chuyên gia giáo dục, để xảy ra tình trạng hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm, ngoài nguyên nhân từ sinh viên, nhà trường cũng có một phần trách nhiệm.

Sau mỗi học kỳ, các trường đại học thường đưa ra cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học với những sinh viên có kết quả học tập kém. Điểm qua một vài trường, con số sinh viên bị buộc thôi học lên đến hàng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khiến nhiều người không ngừng đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo đại học cũng như trình độ của sinh viên.

Cố vấn học tập chưa làm tròn trách nhiệm

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, để xảy ra tình trạng hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm, ngoài nguyên nhân từ sinh viên, nhà trường cũng có một phần trách nhiệm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, hiện nay, phần lớn các trường đều chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tinh thần của quy chế đào tạo tín chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

Theo đó, sinh viên được chủ động trong tiến độ học tập, lựa chọn môn, thời gian học sao cho phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân.

Nếu sinh viên không thể hoàn thành thời gian học như bình thường vì những nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, thì sinh viên có thể học trong thời gian lâu hơn, nhưng không rơi vào trường hợp bị buộc thôi học.

Không nên loại sinh viên để chứng tỏ trường đào tạo tốt, nghiêm túc hơn cơ sở khác - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong buổi trò chuyện với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học. Ảnh: Ngọc Ánh

Tuy nhiên, nhà trường cũng không thể bỏ mặc sinh viên. Sinh viên có quyền đăng ký tín chỉ nhưng phải được duyệt qua cố vấn học tập để đảm bảo tiến độ học sao cho phù hợp với năng lực.

“Nếu sinh viên bị cảnh báo học vụ thì cố vấn học tập phải đưa ra lời khuyên ngay lập tức để các em có thể cân bằng thời lượng học tập cũng như giảm số tín chỉ đăng ký trong một học kỳ”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh, vai trò của cố vấn học tập rất quan trọng, bắt buộc phải song hành cùng với sinh viên. Cố vấn học tập là giảng viên am hiểu về chương trình đào tạo, vừa có tâm, vừa có tầm, đưa ra những lời khuyên cho sinh viên để việc học của các em diễn ra thuận lợi nhất.

Không ít trường đại học ở nước ngoài còn quy định nếu cố vấn học tập không làm đúng trách nhiệm, để ảnh hưởng đến quá trình học của sinh viên thì người đó sẽ bị kỷ luật nặng, thậm chí bị tước danh hiệu cố vấn học tập.

Thế nhưng, nhiều trường đại học ở Việt Nam, cố vấn học tập vẫn chưa làm tròn trách nhiệm, có trường còn bỏ đội ngũ này để cắt giảm chi phí, đây là lỗi của nhà quản lý. 

Cũng chính vì vậy, nếu các trường bỏ mặc để sinh viên tự đăng ký tín chỉ thì tỉ lệ sinh viên bị buộc thôi học có thể sẽ rất cao.

“Dù thế nào, các trường cũng không nên lấy việc loại nhiều sinh viên làm thành tích để chứng tỏ đó là trường đại học tốt, đào tạo nghiêm túc hơn các cơ sở khác.

Bởi bản chất của hệ thống đào tạo tín chỉ là phải giúp sinh viên thành công trong học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau khi tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động thông qua chuẩn đầu ra”, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích.

Chương trình học chưa thực sự hấp dẫn

Trao đổi về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, hiện là Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, thay vì đổ lỗi cho sinh viên không tập trung học, không chọn đúng ngành, đúng nghề thì các trường cũng nên xem lại cách đào tạo của mình.

Không nên loại sinh viên để chứng tỏ trường đào tạo tốt, nghiêm túc hơn cơ sở khác - Ảnh 3.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, hiện là Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Ngọc Ánh

"Chương trình học chưa thực sự hấp dẫn, những môn đại cương nặng nề làm cho việc học khó hơn. Thay vì lên lớp giảng những bài lý thuyết kéo dài hàng giờ thì giảng viên nên hướng dẫn và giao cho sinh viên thực hiện những đề tài mang tính thực tiễn để các em có thể tự nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng luôn vào thực tế", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, thực trạng cử nhân thất nghiệp cũng khiến nhiều sinh viên hoang mang, lo lắng và bỏ học giữa chừng. Hiện nay, không ít người cho rằng cứ cầm trên tay tấm bằng đại học là có việc làm, thu nhập. Thế nhưng, người có bằng mà không có năng lực, kinh nghiệm... rất khó tìm được một vị trí việc làm như mong muốn.

Bởi vậy, khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên phải nâng cao năng lực tự học. Ngoài những kiến thức được dạy trong trường, sinh viên nên chủ động tìm tòi, tích lũy thêm kiến thức ở những lĩnh vực khác để tăng thêm vốn hiểu biết, chuẩn bị hành trang thật tốt trước khi gia nhập vào thị trường lao động.