"Bức tranh" du lịch Trung Đông trước ảnh hưởng từ xung đột Israel-Hamas
Trung Đông là một khu vực hấp dẫn và đa dạng, với rất nhiều điểm đến để du khách khám phá. Cuộc xung đột mới Israel-Hamas bùng nổ từ ngày 7/10 bất ngờ đẩy khu vực đang nổi lên ở vị trí dẫn đầu tiến trình phục hồi du lịch toàn cầu thời hậu COVID-19 này vào tình thế khó lường trước tương lai.
Xung đột Israel-Hamas gây gián đoạn du lịch Israel
Về sự cuốn hút du lịch Trung Đông, báo Travel Weekly MENA mới đây đăng bài viết của tác giả Ozgur Tore với nhận xét: "Dù du khách ưa chuộng sự sang trọng và giàu có, hoặc đam mê lịch sử, khảo cổ hay những vẻ đẹp tự nhiên và sự thư giãn, thì luôn có điều gì đó dành cho tất cả mọi người ở Trung Đông".
Tác giả Ozgur Tore đồng thời cũng giới thiệu "những viên ngọc quý Trung Đông" lọt vào Top các điểm đến phổ biến nhất năm 2023. Bên cạnh Dubai (Thủ đô của Tiểu Vương quốc Dubai), Thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Jordan và Oman, đất nước Israel cũng là một điểm đến Trung Đông khá nổi tiếng.
Israel hấp dẫn du khách với sự kết hợp hài hòa các điểm tham quan tôn giáo, văn hóa và lịch sử. Hút khách nhất là thành phố cổ Jerusalem; Biển Chết (Dead Sea - hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan; độc đáo với hàm lượng muối cao, được tin là có đặc tính chữa bệnh); di tích cổ Masada; thành phố Tel Aviv sôi động với các nhà hàng thời thượng, cuộc sống về đêm và các bãi biển quyến rũ.
Sau khi cuộc xung đột mới Israel-Hamas bùng phát từ ngày 7/10, các hãng du lịch và lữ hành đang thực hiện đưa du khách đến Israel và vùng lãnh thổ của Palestine nhanh chóng tập trung đưa du khách rời khỏi các "vùng đỏ" nguy hiểm. Đồng thời họ cho biết đã chuẩn bị tinh thần cho khả năng xung đột có thể tác động lâu dài đến lĩnh vực du lịch.
Do nhiều hãng hàng không nước ngoài hủy chuyến bay đến Israel, hãng hàng không quốc gia El Al của Israel trở thành hãng hàng không duy nhất không hủy chuyến hoặc giảm dịch vụ. Một số hãng tàu du lịch cũng hủy chuyến, bao gồm cả 3 thương hiệu Norwegian Cruise Line của Na Uy hủy chuyến cho tới cuối năm nay. Trong khi các hãng khác cho biết sẽ xem xét lại những tour theo kế hoạch sẽ khởi hành từ tháng 11.
Hãng Overseas Adventure Travel thường đưa từ 1.000 tới 3.000 du khách tới Israel mỗi năm, cũng bày tỏ lo ngại về tác động lâu dài của cuộc xung đột Israel-Hamas với lĩnh vực du lịch của cả Israel và khu vực xung quanh.
Tuy nhiên báo Travel Weekly của Mỹ ngày 14/10 dẫn lời ông Ronen Paldi - Chủ tịch hãng Ya'lla Tours - lưu ý: Các điểm đến khác ở Trung Đông và Địa Trung Hải như Hy Lạp, Dubai, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ (quốc gia cũng thường được gọi là Trung Đông)… vẫn an toàn để du khách tiếp tục ghé thăm vì không liên quan tới cuộc xung đột Israel-Hamas.
Dấu ấn du lịch Trung Đông với số khách đến vượt mức thời trước COVID-19
Năm 2023 mở màn với "ấn tượng Trung Đông" khi trở thành khu vực duy nhất thu hút số du khách ghé thăm vượt qua mức của thời trước COVID-19. FDi Intelligence.com ngày 4/10 dẫn nguồn tin từ Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho biết: Tính từ tháng 1 đến tháng 7/2023, số du khách quốc tế đến Trung Đông đã tăng thêm 20,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mới đây nhất, báo Global Times ngày 24/9 đưa tin: Trung Đông đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng mới thu hút du khách Trung Quốc trở lại, với số lượng du khách được dự báo đổ tới rất đông dịp Tuần lễ vàng Tết trung thu - Quốc khánh Trung Quốc (từ 29/9 đến 6/10). Hút khách nhất là Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Israel mở cửa trở lại với du lịch quốc tế từ tháng 1/2022 và đã đón 2,675 triệu du khách quốc tế trong năm đó - thấp hơn khoảng 41% so với mức kỷ lục 4,55 triệu du khách quốc tế đến Israel năm 2019.
Trong nửa đầu năm 2023 Israel đón 2,11 triệu du khách quốc tế. Tiếp đó tháng 7 ghi nhận 270.200 lượt khách đến, tháng 8 tăng lên 284.200 lượt người và tháng 9 ghi nhận số khách đến tăng lên 304.100 lượt người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google