Bộ Tư pháp thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử
Việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử sẽ diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ nay đến hết ngày 20/5/2023.
Theo VOV, ngày 19/4, tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý I, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, bắt đầu từ ngày 17/4/2023, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam về việc triển khai thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh và Trích lục khai tử.
Theo Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tư pháp đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, chỉnh lý, bổ sung chức năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) cho Phần mềm dịch vụ công liên thông với 2 nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng để triển khai thí điểm.
Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam giao Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương, bám sát tình hình và thường xuyên có báo cáo kết quả; đồng thời chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình thực hiện.
Theo Zing News, Cục Hộ Tịch (Bộ Tư pháp) cho biết, việc cấp bản khai sinh điện tử chỉ áp dụng cho những trường hợp đăng ký khai sinh mới. Khi công dân đi đăng ký khai sinh, khai tử mà có yêu cầu, thì cán bộ tư pháp cấp xã sẽ cấp bản điện tử của các loại giấy tờ này kèm theo bản giấy.
Cục Hộ tịch cho biết thêm, một trong những lợi ích của bản điện tử giấy khai sinh là khi con lên máy bay, cha mẹ không cần xuất trình giấy khai sinh bản giấy, mà chỉ cần cung cấp bản điện tử có mã QR để quét thông tin khai sinh.
Bản điện tử giấy khai sinh có đầy đủ thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ và và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh; số định danh của người được đăng ký khai sinh.
Tại Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 4/1/2022, Bộ Tư pháp đã chính thức ban hành bản điện tử của Giấy khai sinh.
Theo đó, Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 87/2020/NĐ-CP, người dân đăng ký khai sinh trực tuyến sẽ được nhận bản điện tử có mã QR của l giấy tờ hộ tịch này.
Người dân có thể đăng ký khai sinh online và nhận giấy khai sinh bản điện tử có mã QR trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư 01/2022/TT-BTP, bản điện của Giấy khai sinh có giá trị sử dụng như giấy tờ bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.
Mã QR trên bản điện tử của các giấy tờ này là địa chỉ Internet dẫn tới dữ liệu, định dạng hình ảnh tương ứng trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, có giá trị cung cấp thông tin về tính chính xác, hợp lệ, các thông tin chi tiết của giấy tờ hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch tại các cơ quan Nhà nước có thể kiểm tra tính chính xác, thời hạn sử dụng, thông tin cập nhật của bản điện tử giấy tờ hộ tịch thông qua mã QR trên bản điện tử của giấy tờ đó.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google