Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích lý do thiếu nhà ở xã hội

Lan Dương
17:42 - 03/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc thực hiện công tác nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc, việc tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn do ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi, một số địa phương chưa chú trọng việc này...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích lý do thiếu nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vẫn còn nhiều vướng mắc để tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Trong chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 3/11, trả lời về vấn đề nhà ở xã hộiBộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Việc tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn do ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...

Thừa nhận tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Cảnh về hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một trong chính sách ưu tiên và thể hiện tính ưu việt của chế độ, của Đảng, Nhà nước ta.

Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ về nhà ở như chương trình hỗ trợ người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ khu vực miền Trung cũng đã triển khai đạt hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ cải thiện chất lượng nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Tuy nhiên, tình trạng tăng giá vật liệu, nhân công làm ảnh hưởng đến chương trình này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng kết chương trình hỗ trợ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công, người nghèo, đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo theo hướng tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng này.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về nhà ở xã hội - đề cập về vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động; Mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động (giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21-25 triệu đồng/m2); Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt mục tiêu theo yêu cầu và giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao.

Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu rổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp dẫn đến nguồn cung chưa đảm bảo…

Thời gian tới, giải pháp được nêu ra là điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải thích lý do thiếu nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ưu tiên cấp tín dụng các khoản cho vay nhà ở phân khúc thấp

Làm rõ một số nội dung mà đại biểu quan tâm về tín dụng cho nhà ở xã hộiThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cụ thể, Chính phủ đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân theo quy định.

Các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí, nên chưa thể thực hiện cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội.

Từ chiều 3/11, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Người đầu tiên trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ tập trung vào: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.

Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan trong nội dung này.

Bình luận của bạn

Bình luận