Bộ Tài chính: Thu ngân sách Nhà nước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng
Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý I/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo.
Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ Quý I/2023. Ảnh: M.P
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Quý I/2023, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 37,6% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán.
Có 4 khoản thu tiến độ thu đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng; ngoài ra, nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp, các chính sách thu ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo Bộ Tài chính, ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cũng cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Luỹ kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu
Theo Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, “thuế tối thiểu toàn cầu của OECD” hay còn được gọi là Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu, theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ phải chịu thuế thu nhập ít nhất là 15%.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, đối với nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng và đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD vào tháng 8/2022, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt này do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.
Ngày 22/2/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác đặc biệt với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu. Ngày 17/3/2023, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ nội dung về thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hiện tại, Tổng cục Thuế là đơn vị được Bộ Tài chính giao nghiên cứu, đề xuất triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngày 28/3/2023, Tổng cục Thuế đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp có khả năng chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu và nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.
Phối hợp giám sát việc "ép khách" mua bảo hiểm tại ngân hàng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, sẽ thông tin khi kết luận chính thức được công bố.
Ông Doãn Thanh Tuấn, Cục phó quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Khi thanh tra, Cục Quản lý giám sát đã phát hiện sai phạm nhất định, sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, sẽ công bố rộng rãi theo quy định.
Lãnh đạo Cục phó quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết, từ tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thông báo đường dây nóng, email để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm. Đường dây nóng được công bố sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.
Sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Người đại diện của Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thực hiện theo quy định chung của Nhà nước. Cục đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.
Được biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm. Trước đó, từ năm 2014, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư Liên tịch để quản lý việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google