Bộ Tài chính đề nghị giao toàn quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương

PV
06:00 - 05/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 3/2/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có Văn bản số 973/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương góp ý vào xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi 2 nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và 95/2021/NĐ-CP).

Bộ Tài chính từ chối là đầu mối quản lý giá xăng dầu  

Trước đó, ngày 18/1/2023, tại tờ trình dự thảo lần thứ 2 nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên cơ quan đầu mối quản lý xăng dầu như hiện tại, tức liên Bộ Công Thương - Tài chính cùng điều hành. Trong đó, Bộ Công Thương quản lý, điều hành hệ thống phân phối nhập khẩu, lưu thông và cấp phép kinh doanh xăng dầu; Bộ Tài chính quản lý về giá và quỹ bình ổn.

Tuy nhiên, tại Văn bản góp ý, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương và cho rằng nên giao đầu mối quản lý thống nhất về Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan quản lý ngành, xác định giá, định mức chi phí (gồm tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở; điều hành và giám sát trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu). Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Bộ Tài chính đề nghị giao toàn quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho rằng nên giao đầu mối quản lý xăng dầu thống nhất về Bộ Công Thương. Ảnh: AutoDeal

Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước và chủ trì điều hành giá mặt hàng này. Nhưng hiện nay một số nhiệm vụ về điều hành giá xăng dầu lại được phân công cho Bộ Tài chính, như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở... Việc này dẫn đến sự phân tán trong thực hiện, phát sinh quy trình và gây khó khăn cho cơ quan điều hành giá.

Mặt khác, Bộ Công Thương hiện là cơ quan quản lý, cấp phép các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối; hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Như vậy Bộ nắm được chi tiết tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động của các đơn vị; các chi phí cần thiết phát sinh để duy trì, phát triển hệ thống phân phối; tình hình cung cầu, diễn biến giá xăng dầu nguyên liệu và thành phẩm.

Do đó, theo Bộ Tài chính, "việc giao thống nhất về Bộ Công Thương sẽ giúp cơ quan chủ trì điều hành giá nắm bắt bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành phù hợp thực tế phát sinh, cũng như tăng cường giám sát chi phí của các thương nhân".

Đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan, chưa chính xác 

Tại Tờ trình dự thảo lần 2 nghị định sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP và 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương có đoạn: "Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh".

Trong văn bản góp ý, Bộ Tài Chính đề nghị "Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan và chưa chính xác nêu trên trong dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ".

Theo Bộ Tài Chính, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào thế giới (60 - 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở) nên với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá giảm sâu so với giá nhập mua. Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chính họ.

Việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở được thực hiện theo đúng Nghị định 95/2021/NĐ-CP, không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam được rà soát, điều chỉnh 3 lần vào tháng 1, tháng 7 và 11/2022 theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Mức premium trong nước (khoản doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp, coi như lợi nhuận của bên bán) và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng cũng được Bộ Tài chính điều chỉnh 2 lần theo thực tế báo cáo của đầu mối xăng dầu, vào tháng 1 và 10/2022.

Bộ Tài chính cũng góp ý Bộ Công Thương giảm bớt lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ để họ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục giữ công cụ quỹ để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. 

Nguồn: tổng hợp