Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu báo cáo vụ "tiến sĩ" dùng bằng giả giảng dạy tại nhiều trường đại học
Gần đây, dư luận xôn xao về một giảng viên đang thử việc vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam) sử dụng bằng tiến sĩ giả. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ yêu cầu các trường báo cáo về việc này.
Tiến sĩ giả đã giảng dạy tại nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh
Theo phản ánh trên báo chí, khi nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, người này cung cấp cho nhà trường bằng tiến sĩ với tên Nguyễn Trường Hải (sinh ngày 13/8/1981), ngành khoa học máy tính, được cấp vào năm 2021 với số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx, nơi cấp trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh đã xác nhận tên và số hiệu văn bằng của ông Hải không có trong dữ liệu lưu trữ của trường.
Ngoài Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, đến nay một số trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả trên để xin việc và thỉnh giảng, giảng dạy, thậm chí là giảng viên cơ hữu trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Trong đó có Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến,... Sau khi có thông tin phản ánh vấn đề bằng cấp giả và bị xác minh, ông Hải đã cắt đứt các liên lạc với các trường.
Các trường đại học phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, hồ sơ của giảng viên
Việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng giả "qua mặt" được nhiều trường đại học trong một thời gian dài đặt ra câu hỏi về công tác tuyển dụng nhân sự tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Việc một người không đủ chuyên môn, bằng cấp thực hiện công việc giảng dạy có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình đào tạo, ảnh hưởng lớn tới sinh viên.
Ngày 1/12, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ sẽ yêu cầu các trường liên quan đến việc ông Nguyễn Trường Hải dùng bằng tiến sĩ giả để giảng dạy ở nhiều trường đại học báo cáo, giải trình.
Các trường phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các văn bằng, hồ sơ của giảng viên. Khi tuyển dụng người giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường phải trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin liên quan.
Hiện nhiều công cụ để kiểm tra thông tin, xác minh văn bằng. Nếu là văn bằng do nước ngoài cấp thì phải gửi cơ quan kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để công nhận. Trường để lọt các trường hợp dùng bằng giả là lỗi của trường. Khi các trường cung cấp thông tin về số liệu, danh sách giảng viên đã đóng dấu, khẳng định có hợp đồng lao động, có bảo hiểm thì các trường phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, ngày 27/11, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo quy định, việc xác minh văn bằng, chứng chỉ là trách nhiệm của cơ quan cấp bằng và cơ quan sử dụng bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có trách nhiệm trong việc này.
Về giảng viên Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng tiến sĩ giả để thử việc vị trí Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, ông Chương thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân quyền về cho các trường, cơ sở giáo dục, nên khi phát hiện văn bằng chứng chỉ giả cần báo cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật và theo mức độ vi phạm.
Với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, các đơn vị không mất quá nhiều thời gian để xác minh, xác thực một văn bằng, chứng chỉ được cấp trong nước.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh, cơ sở giáo dục cần công khai tất cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp theo quy định để thuận lợi cho các bên liên quan tra cứu, xã hội giám sát. Điều này được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong thông tư về quản lý văn bằng chứng chỉ. Thời gian tới Cục Quản lý Chất lượng sẽ tham mưu kiểm tra, giám sát nghiêm công tác cấp phát văn bằng chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google