Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về quản lý dạy thêm, học thêm

Thiên Ân
13:44 - 13/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về những vấn đề liên quan đến dạy thêm, học thêm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về quản lý dạy thêm, học thêm- Ảnh 1.

Một lớp học thêm môn khoa học tự nhiên, phân môn hóa học tại một trung tâm dạy thêm ngoài giờ ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Long

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nội dung kiến nghị như sau: Cử tri huyện Yên Định (Thanh Hóa) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành quy định mới, cụ thể hơn về dạy thêm, học thêm để việc quản lý đồng bộ, thống nhất; cần bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây là điều cần thiết để công tác quản lý chặt chẽ, minh bạch hơn. 

Trước mắt, cần có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, nhất là ngoài nhà trường để có căn cứ quản lý hoạt động này tại địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời cử tri như sau: Ngày 16/5/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/TT- BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư số 17).

Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư (Luật số 03/2016/QH14) đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn phù hợp. 

Vì vậy, ngày 26/8/2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 quy định tại Thông tư số 17. 

Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm (Điều 3); các trường hợp không được dạy thêm (Điều 4); trách nhiệm của các cấp quản lý, cơ sở giáo dục về hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 15, 16, 17, 18, 19); trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 20); công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (Điều 21, 22). 

Trên thực tế, nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Sau khi được đưa vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường của các địa phương, cơ sở giáo dục. 

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường.