"Bố đã hy sinh nhưng luôn dẫn đường cho tôi đi - đi trên con đường đúng đắn"!
"Khi tôi chưa đầy 1 tháng tuổi, bố đã hy sinh anh dũng. Cả cuộc đời tôi lớn lên, trưởng thành không có bố bên cạnh, nhưng tôi có mẹ tảo tần nuôi tôi khôn lớn. Và lúc nào tôi cũng thấy bố dẫn đường cho mình đi - đi trên con đường đúng đắn!"
Bố hy sinh khi tôi chưa đầy 1 tháng tuổi
Gia đình tôi theo nghiệp nghiên bút từ xưa. Trong thời khoa bảng gần nhất có cụ nội tôi là cụ Phó bảng Đặng Tích Trù, quê Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội). Ông nội tôi là con thứ ba của cụ, lớn lên trong thời kỳ chống Pháp nên đường học hành cũng dở dang. Ông tôi chỉ có một vợ. Bà nội sinh hạ tới 17 lần nhưng chỉ đậu được 12 người con, trong đó có 5 con trai mà bố tôi là con trai trưởng. Ông tôi nhận gánh nặng nuôi gia đình, nhưng đều đưa các các con trai ở tuổi trưởng thành lên đường chống Pháp.
Các chú tôi vẫn kể lại rằng bài hát "Xếp bút nghiên" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thời kỳ đó với lời ca "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân…" có sức cuốn hút cực kỳ lớn đối với giới trí thức trẻ lên đường chống Pháp. Bố tôi là Đặng Đồng Khuê, mới 21 tuổi cưới mẹ tôi xong, vừa học hết tú tài đã vào học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 tại Sơn Tây để đáp ứng việc đào tạo bộ đội chính quy cho toàn quốc kháng chiến chống Pháp.
Người chú thứ hai ngay sau bố tôi mới 19 tuổi cũng lên đoàn tàu hỏa Nam tiến trợ lực cho chiến trường Nam Bộ. Người chú tiếp theo nữa cũng mới chỉ 16 tuổi đã lên chiến khu Việt Bắc tham gia vào lực lượng kỹ thuật công binh. Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông thi vào học ngành "địa chất cổ sinh" Đại học Bách khoa Hà Nội - tức là ngành nghiên cứu phát hiện các hóa thạch cổ sinh vật để phán đoán về thành tạo địa chất. Ông là GS.TSKH Đặng Vũ Khúc - người tìm ra nhiều loài cổ sinh vật ở Việt Nam, đã được thế giới công nhận. Chú và tôi có nhân dạng giống nhau nên nhà báo Hàm Châu đã viết bài báo có tiêu đề "Một nhà có hai giáo sư được giải thưởng Hồ Chí Minh". Chú Khúc có kể chuyện vui rằng có mấy anh bạn thân của chú cứ hỏi vui: "Thế trong 2 giáo sư này thì ai là chú, ai là cháu?".
Quay trở lại câu chuyện của bố tôi. Vừa tốt nghiệp Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn thì nhận nhiệm vụ đánh trận đầu tiên vào đúng ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), đánh vào Câu lạc bộ sĩ quan Pháp tại thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang). Bố tôi trên đường hành quân từ Sơn Tây đã vòng qua Đa Tốn - nơi mẹ tôi vừa sinh hạ tôi vào ngày 25/11/1946. Bố chỉ dừng lại nhà vài giờ bế tôi để tạm biệt rồi tiếp tục lên đường đi Bắc Giang chuẩn bị cho trận đánh.
Ở Gia Lâm, Pháp đã càn quét để lập "tề", tức là lập chính quyền thân Pháp. Mẹ tôi phải khăn gói chạy loạn, nay chỗ này, mai chỗ khác. Sau này mẹ tôi vẫn kể về những ngày gian khổ, lam lũ đó. Khi đó, mẹ vóc người thấp bé, lúc nào cũng đôi quang gánh trên vai chạy loạn, một bên quang đặt tôi vào thúng và một bên kia là tay nải quần áo với mấy thứ đồ ăn Mẹ luôn lo sợ khi thấy tôi đói sữa, người chỉ như cái "giẻ khoai", chắc gì đã sống nổi.
Trong lúc cuộc sống ở Gia Lâm rối ren, phức tạp thì ông nội tôi nhận được giấy báo tử của bố tôi - bố đã hy sinh ở thị xã Phủ Lạng Thương. Ông tôi đã giữ kín, vì để cho tôi được sống yên ổn. Ông đã đưa cả gia đình xuống sinh sống ở Hải Phòng với suy nghĩ "núp ở chân đèn là nơi khó phát hiện nhất". Về Hải Phòng, mẹ tôi mở một sạp buôn bán vải ở chợ Sắt để kiếm kế sinh nhai và lo cho tôi ăn học.
Năm 1954, công cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ lừng danh, chấn động địa cầu, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Ông tôi lại đưa cả gia đình về quê ở Gia Lâm sinh sống, cũng để sớm gặp lại các con từ kháng chiến trở về. Mẹ tôi lếch thếch mang tôi đi khắp các đơn vị quân đội ở Hà Nội hỏi thăm về bố tôi. Nhiều ngày đi lại vất vưởng nhưng mẹ không có câu hồi đáp nào tích cực.
Trong tình cảnh ấy, ông tôi đành phải nói ra sự thật là đã nhận được giấy báo tử, rồi lấy bằng Tổ quốc ghi công ra đặt chính thức lên bàn thờ.
Sau những ngày choáng váng vì đau đớn, mẹ tôi đã quyết định ở vậy nuôi tôi khôn lớn.
Hành trình tìm mộ người bố liệt sĩ
Tôi lớn lên ở quê nhà, nhưng rồi cũng phải lên Hà Nội trọ học từ năm lớp 4 vì ở quê Đa Tốn (Gia Lâm) chỉ có đến lớp 3. Khi tôi thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội thì cũng là lúc cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ trút bom xuống Miền Bắc bắt đầu. Tôi phải cùng các sinh viên Đại học Bách khoa sơ tán lên Cao Bằng, rồi học tiếp khoa Toán ở Đại học Tổng hợp (lúc đó sơ tán ở Đại Từ -Thái Nguyên), sau đó được phân công dạy học tại Đại học Mỏ - Địa chất (lúc đó mới tách ra từ Đại học Bách khoa, có trụ sở tại Phổ Yên (Thái Nguyên). Từ năm 1980 tới năm 1988 tôi đi nghiên cứu sinh và hợp tác khoa học tại Ba Lan. Toàn bộ thời gian ấy của tôi là cuộc sống lưu động xa quê nhà, xa mẹ.
Từ năm 1994, nhiều nơi đã rộ lên tin tức về khả năng tìm mộ liệt sĩ bằng các giải pháp tâm linh. Tôi đã tìm hiểu nhiều nguồn dữ liệu về khả năng này và muốn tiếp cận để tìm mộ bố mình. Từ ngày 8 tết Đinh Sửu (14/02/1997), tôi bắt đầu tiếp cận với nhiều nhóm tìm mộ bằng nhiều phương pháp khác nhau. Mặc dù các phương pháp có màu sắc tâm linh, nằm ngoài khả năng nhận biết của con người bình thường, nhưng tôi dùng cách đánh giá khả năng của từng nhóm tìm mộ qua dư luận và kết luận về ngôi mộ cần tìm thuộc vùng giao của các kết quả từ các nhóm đưa ra. Rất may, vùng giao mà tôi có chỉ là một điểm, độ tin cậy rất cao. Tôi đã viết một bài chi tiết về quá trình tìm mộ bố mang tên "Một tháng tìm cha" như một dữ liệu ghi chép của gia đình.
Một phóng viên của báo Hà Nội Mới có hỏi tôi: "Anh nghĩ sao khi ngôi mộ anh tìm thấy không đúng là mộ bố anh?". Tôi đã trả lời: "Ngôi mộ tôi tìm được là mộ có ghi "mộ liệt sĩ chưa rõ danh tính" tại Nghĩa trang liệt sỹ Lê Lợi, thành phố Bắc Giang. Cứ cho là việc tìm sai mộ xảy ra, thì cũng coi như tôi đã nhận một liệt sĩ chưa rõ danh tính làm bố mình để thờ phụng, hương khói, cũng đủ ý nghĩa đối với lớp cha chú đã hy sinh vì đất nước".
Tìm tấm ảnh bố để lại
Câu chuyện về bố tôi hy sinh ở chiến trường đã rõ trong cả gia đình, nhưng không ai còn giữ được tấm ảnh nào của bố. Mọi người đều cảm thấy buồn và cố tìm kiếm bất kỳ tấm hình nào cũng được, để lưu giữ lại bóng dáng người thân. Việc không tìm được ảnh vẫn luôn áy náy trong mỗi người suốt nhiều năm.
Tôi có người cô ruột lấy chồng ở Võ Nhai (Thái Nguyên). Một hôm cô gọi điện nói rằng tình cờ đọc được một bài báo trong cuốn tạp chí "Sự kiện và nhân chứng" viết về Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, trong đó có ảnh một tiểu đội chụp vào ngày tốt nghiệp, ở dưới ghi rõ tên và vị trí của từng người, trong đó có bố tôi. Cô đã gửi cho tôi cuốn tạp chí để tìm tác giả bài báo, có thể tìm hỏi ảnh gốc mà xin chụp lại.
Tôi và chú Khúc cũng lặn lội nhiều ngày với Ban biên tập tạp chí và cuối cùng gặp được tác giả của bài báo là bác Đỗ Hạp, trước đây là Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ của Tổng cục Hóa chất. Bác Hạp đã nghỉ hưu lâu rồi nhưng vẫn tâm huyết với công việc đi tìm lưu giữ những tư liệu lịch sử của các học viên Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Bác Đỗ Hạp nguyên là học viên, Trưởng ban liên lạc truyền thống khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Bác như một kho lịch sử về những con người học khóa quân sự này.
Bác Đỗ Hạp đã cung cấp cho tôi rất nhiều tư liệu mà bác có về bố tôi, trong đó có 2 bài báo viết về bố tôi của bác Cao Lộc, là người cùng bố tôi từ Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn được phân công nhiệm vụ về mặt trận Bắc Giang. Bài thứ nhất là "Ký ức cuộc đời" và bài thứ hai là "Tôi vẫn nhớ anh". Cả hai bài viết này được đăng trong 2 cuốn sách viết về Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, xuất bản vào những năm chẵn kỷ niệm ngày thành lập. Bác Đỗ Hạp còn nói rằng bác Cao Lộc còn giữ được những kỷ vật của bố tôi để lại. Rất buồn là khi tôi gặp được bác Đỗ Hạp thì bác Cao Lộc đã mất. Tôi không được gặp bác Cao Lộc để trò chuyện, hỏi thêm nhiều chuyện gần hơn với bố tôi, thậm chí xin lại những kỷ vật của bố tôi.
Thế hệ xếp bút nghiên lên đường chiến đấu
Vào năm 2020, kỷ niệm 45 năm Giải phóng Miền Nam, đã có rất nhiều bài viết về thế hệ "xếp bút nghiên lên đường ra trận" với hơn một vạn sinh viên Miền Bắc đã đến với các chiến trường Miền Nam để chiến đấu, quên thân mình và đã trở thành biểu tượng cho một thế hệ trí thức cách mạng. Đọc những bài viết này, tôi nhớ ngay đến thế hệ Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn đã xếp bút nghiên, rời bỏ cuộc sống an nhàn trong các trường học ở đô thị để cầm súng ra chiến trường ở những ngày đầu quân đội ta mới thành lập.
Gia đình tôi, một gia đình theo nghiệp bút nghiên cũng đã có 3 người từ rất trẻ đã lên đường ra trận trong những ngày này, trong đó bố tôi đã nằm lại chiến trường ngay trong trận đánh đầu tiên của đời bộ đội vào đúng ngày toàn quốc bắt đầu kháng chiến. Rồi những người còn sống trở về lại theo tiếp nghiệp bút nghiên mà có thành tích cao trong làng khoa học nước nhà.
Tôi vẫn nhớ bác Đỗ Hạp có kể lại rằng khi Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn khai giảng, cũng đã có nhà văn có tên tuổi "dè bỉu" rằng: "Mấy anh lính thư sinh này thì làm được trò trống gì, cũng chỉ như lấy đời lính để mơ về những cuộc tình lãng mạn". Khi dạy học ở Đại học Mỏ - Địa chất, tôi cũng có dịp vấn đáp với anh Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ của khoa về lý lịch nhân viên.Tôi có khai rằng bố tôi là liệt sỹ, học Võ bị Trần Quốc Tuấn Khóa 1. Thế nhưng tôi nhận được câu trả lời rằng "Khóa này toàn tiểu tư sản cả, có gì hay ho đâu". Đó là những chuyện rất đáng buồn.
Hàng năm, vào ngày 27/7 tôi thường xuyên lên nghĩa trang liệt sĩ ở thành phố Bắc Giang để thắp hương viếng bố tôi và thắp cho tất cả các mộ ghi "liệt sĩ chưa rõ danh tính", đó là các mộ của những liệt sỹ hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Cũng đã có nhiều bạn bè hỏi rằng vì sao không xin chuyển mộ cụ về quê cho dễ hương khói. Tôi cũng đã nghĩ rất kỹ việc này. Tôi muốn để bố yên nghỉ lại nghĩa trang với đồng đội đã cùng nhau chiến đấu, hy sinh, trong đó có nhiều người không được ghi danh tính, khi con cháu chịu khó lên đây thăm viếng cũng ấm lòng.
Bố tôi hy sinh khi mới 21 tuối, còn tôi lúc đó chưa đầy 1 tháng tuổi. Sự khắc khoải tìm được một tấm ảnh của bố may mắn cũng có kết quả, nên tôi cũng toại nguyện. Cả cuộc đời tôi lớn lên, trưởng thành không có bố bên cạnh, nhưng tôi có mẹ tảo tần nuôi tôi khôn lớn. Và lúc nào tôi cũng thấy bố dẫn đường mình đi - đi trên con đường đúng đắn!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google