Bộ Công an sẽ xử lý một số doanh nghiệp lớn là thông tin giả, sai sự thật

N.Cường
11:19 - 26/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những ngày gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng sau vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn. Bộ Công an khẳng định đây là thông tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật.

Không có việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Theo thông tin từ Bộ Công an, những ngày gần đây, xuất hiện một số thông tin cho rằng sau vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn.

Liên quan vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: 

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế như vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông. Quyết định khởi tố các vụ án này do các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, hoàn toàn không có việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. 

Bộ Công an sẽ xử lý một số doanh nghiệp lớn là thông tin giả, sai sự thật - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an

Việc xử lý nhằm góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý một số vụ án như kể trên, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, tin sai sự thật liên quan đến kinh tế, tài chính, tiền tệ; mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây rối loạn, mất an ninh, an toàn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích, hoạt động bình thường của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn.

Bộ Công an khẳng định đây là thông tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Bộ Công an sẽ tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư.

Đề nghị người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt; tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền...

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định:

"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: 

Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Trong tháng 10/2022, lực lượng công an đã điều tra, khám phá, đấu tranh làm rõ 3.181 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 84,96%), bắt 5.867 đối tượng; triệt phá 44 băng, nhóm tội phạm; bắt, xử lý 362 vụ, 1.716 đối tượng cờ bạc. Phát hiện 2.244 vụ, 3.457 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 104 kg heroin, 303 kg và 229.047 viên ma túy tổng hợp, 31,26 kg cần sa. Đã phát hiện, xử lý 67 vụ, 65 cá nhân, 06 tổ chức phạm tội về môi trường…

Trong tháng, phát hiện 59 vụ, 110 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ; phát hiện 567 vụ, 605 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; điều tra xử lý 73 vụ buôn lậu, 113 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 07 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 11 vụ trốn thuế...

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề nồng độ cồn, ma túy và quá tải trọng; trong tháng đã xử lý hớn 250.000 vụ vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ hơn 61.000 phương tiện, phạt tiền hơn 452 tỷ đồng.

(Hội nghị giao ban công tác tháng 10 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 11/2022 - Bộ Công an)

Nguồn: VGP, Bộ Công an
Bình luận của bạn

Bình luận