Bí quyết ghi nhớ kiến thức môn Lịch sử và cách làm bài thi đạt điểm cao

Lam Linh
20:02 - 23/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước thềm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đối với môn Lịch sử, học sinh cần bám sát sách giáo khoa, hệ thống hóa lại kiến thức theo sơ đồ tư duy và lưu ý phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý, tuyệt đối không nên để phiếu đáp án trống.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 sẽ diễn ra vào các ngày 28-29/6. Trước thềm kỳ thi quan trọng, trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, cô Quách Thị Thủy, giáo viên môn Lịch sử tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương (Thanh Hóa), đưa ra một số lưu ý để học sinh làm bài thi đạt hiệu quả tốt nhất.

Bám sát sách giáo khoa, nắm chắc kiến thức cơ bản môn Lịch sử

Theo cô Quách Thị Thủy, việc ôn thi môn Lịch sử cần có quá trình lâu dài để tích lũy kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, rồi phải làm quen với các dạng đề và luyện đề.

Bí quyết ghi nhớ kiến thức môn Lịch sử và cách làm bài thi đạt điểm cao  - Ảnh 1.

Cô Quách Thị Thủy, giáo viên môn Lịch sử tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kỳ thi hướng đến kiểm tra, đánh giá cho đối tượng học sinh ở mọi vùng miền khác nhau nên nội dung, mục đích chính của đề thi vẫn là kiểm tra, đánh giá kiến thức cơ bản.

Do đó, trong những ngày cuối của quá trình ôn thi, cô Quách Thị Thủy cho rằng, học sinh cần tiếp tục ôn tập những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và kết hợp với luyện đề.

"Kiến thức cơ bản được coi như xương sống của một giai đoạn, tiến trình lịch sử. Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 và 12, toàn bộ các sự kiện, giai đoạn, nhân vật lịch sử đều được trình bày thành các bài theo lối thông sử hết sức cơ bản. Do vậy, cách tốt nhất để nắm kiến thức cơ bản là bám sát sách giáo khoa. Đồng thời, học sinh cần chủ động khai thác và xử lý thông tin từ sách. Bởi lẽ, với hình thức thi trắc nghiệm, đại đa số kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa", cô Quách Thị Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công Thương cũng lưu ý học sinh cần xác định những nội dung trong chương trình đã được giảm tải để loại ra khỏi chương trình học, bởi đây là phần kiến thức không cơ bản và sẽ không có trong đề thi.

Hệ thống lại kiến thức môn Lịch sử bằng sơ đồ tư duy

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, ôn thi môn Lịch sử, cô Quách Thị Thủy cho rằng, phương pháp ôn tập hiệu quả môn học này không phải học thuộc mọi thứ mà là học nội dung cơ bản ngắn gọn, thông hiểu được bản chất của mỗi vấn đề và cách suy luận logic.

Khi ôn tập môn học nhiều thông tin, dữ kiện như Lịch sử, cô Quách Thị Thủy cũng "mách nước" học sinh nên ôn bằng cách học theo sơ đồ tư duy để nhớ nhanh, nhớ lâu hơn.

Giáo viên môn Lịch sử Quách Thị Thủy
Thế mạnh của phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy là hệ thống hóa được kiến thức dưới dạng sơ đồ. Trong đó, các đường nối của sơ đồ là mạch diễn tả, mạch logic kiến thức hoặc là các mối quan hệ nhân quả.

Theo đó, học sinh cần hệ thống các kiến thức lịch sử từ cơ bản đến nâng cao và hệ thống toàn bộ lý thuyết cần và đủ theo từng chuyên đề cụ thể.

"Môn Lịch sử được thi dưới hình thức trắc nghiệm thì việc học sinh nhớ kiến thức, có tư duy logic, vận dụng nhanh để nhìn nhận và hiểu vấn đề là rất quan trọng. Vậy nên sơ đồ tư duy sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn tổng quát phần kiến thức các em đã học, từ đó việc ôn thi sẽ mang lại hiệu quả cao", cô Quách Thị Thủy nói.

Cách ghi nhớ các sự kiện để làm tốt bài thi môn Lịch sử

Lịch sử là môn học chứa nhiều dữ kiện lịch sử, liên quan tới các con số, sự kiện, địa danh. Do đó, việc ghi nhớ các mốc thời gian và sự kiện lịch sử là điều bắt buộc của môn học này.

Để ghi nhớ các mốc thời gian cũng như sự kiện lịch sử và tránh nhầm lẫn, cô Quách Thị Thủy khuyên học sinh khi ôn tập nên gắn sự kiện đó với một ngày mà mình có thể ghi nhớ như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm...

Ngoài ra, học sinh có thể lập sơ đồ hoặc bảng các sự kiện và nên thêm các từ khóa quan trọng để dễ dàng hệ thống hóa và ghi nhớ. "Đặt sự kiện đó trong một giai đoạn hoặc tiến trình lịch sử cụ thể và xâu chuỗi sự kiện này với sự kiện khác, giai đoạn này với giai đoạn khác", cô Quách Thị Thủy chỉ cách học sinh nhớ các thông tin.

Bên cạnh đó, sử dụng một số phương pháp như phương pháp đọc nhẩm, sử dụng kênh hình cũng là một cách để ghi nhớ kiến thức.

Tuy nhiên, trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử qua các năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự hạn chế ra các câu hỏi liên quan đến xác định sự kiện. Do vậy, theo cô Quách Thị Thủy, các em học sinh không cần quá lo lắng, thiếu tự tin khi nghĩ về vấn đề này.

"Chiến thuật" làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử

Ngoài các lưu ý liên quan đến việc ôn tập, cô Quách Thị Thủy cũng nêu thêm một số "chiến thuật" khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử.

Cụ thể, học sinh cần nhớ rằng, trong bài thi trắc nghiệm, dù câu hỏi khó hay dễ thì các câu hỏi đều bằng điểm nhau. Vì vậy cô Quách Thị Thủy khuyên rằng, các thí sinh cần tuân theo nguyên tắc câu dễ làm trước câu khó làm sau để bảo đảm đạt điểm cao nhất.

Bên cạnh đó, để trả lời chính xác câu hỏi trắc nghiệm, đặc biệt với những câu khó, học sinh phải nhanh chóng xác định được từ khóa - bởi đây chính là mấu chốt để giải quyết vấn đề.

"Mỗi khi đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên là học sinh phải tìm được từ khóa nằm ở đâu. Bởi lẽ điều này sẽ giúp các em định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với chính từ khóa đó. Đây được xem là cách để giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án", cô Quách Thị Thủy cho hay.

Ngoài ra, trong trường hợp rơi vào thế bí khi học sinh không thể áp dụng cách tìm từ khóa hoặc rơi vào phần kiến thức các em chưa nắm vững thì theo cô Quách Thị Thủy, phương pháp "cứu nguy" lúc này cho học sinh là áp dụng phương pháp loại trừ.

"Một câu hỏi có 4 đáp án, các đáp án có độ nhiễu cao hay nói cách khác là thường không khác nhau nhiều lắm về nội dung hoặc đảo vị trí các cụm từ trong câu hỏi. Muốn làm đúng dạng này, thay vì đi tìm đáp án đúng, các em hãy đi tìm đáp án sai, tìm được càng nhiều càng tốt và khi loại hết được các đáp án sai thì còn lại sẽ là đáp án đúng", cô Quách Thị Thủy đưa ra mẹo khi làm bài thi.

Đồng thời, cô Quách Thị Thủy cũng muốn nhắc nhở học sinh nên phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý mà không bỏ sót câu hỏi nào. "Nếu hết thời gian mà vẫn còn những câu chưa làm được thì học sinh nên phỏng đoán một đáp án rồi tô, không nên để phiếu đáp án trống", cô Quách Thị Thủy nói.

Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức, cô Quách Thị Thủy khuyên các em học sinh nên chuẩn bị một sức khỏe tốt, tâm thế chủ động để đương đầu với quyết tâm cao nhất vì chúng ta không có cơ hội làm lại lần thứ hai.

"Các em không nên thức quá khuya và hãy ngủ đủ giấc, không tự mình tạo áp lực để rồi lo lắng. Một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn sẽ giúp chúng ta có một suy nghĩ thông thái và làm việc hiệu quả", cô Quách Thị Thủy nhắn nhủ tới học sinh.