Bị cáo buộc lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính, bị can Lê Thanh Thản sẽ hầu tòa vào ngày 10/8

Lam Linh
18:59 - 09/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bị cáo buộc lừa dối khách hàng gây thiệt hại hơn 481 tỉ đồng cho 488 khách hàng mua 488 căn hộ, bị cáo Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh sẽ bị đưa ra xét sử sơ thẩm vào ngày 10/8.

Bị cáo Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính hơn 481 tỉ đồng sẽ hầu tòa vào ngày 10/8 - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Thanh Thản bị đưa ra xét xử về tội "Lừa dối khách hàng". Ảnh: Võ Nam/VOV

Ngày 10/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên tòa  sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thanh Thản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, về tội "Lừa dối khách hàng" trong vụ bán Tòa nhà chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội), thu lời bất hợp pháp số tiền hơn 481 tỉ đồng.

Cùng vụ án này, bị cáo Đỗ Văn Hưng (sinh năm 1968, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Duy Uyển (sinh năm 1964, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng), Bùi Văn Bằng (sinh năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng), Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1965, nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (sinh năm 1958, nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông), Mai Quang Bài (sinh năm 1960, nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông) bị đưa ra xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.

Vì sao bị can Lê Thanh Thản bị truy tố về tội "Lừa dối khách hàng"?

Theo cáo trạng, Dự án CT6 Kiến Hưng chỉ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 (tại Quyết định 1610/QĐ-UBND ngày 13/6/2008), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội không quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án, Công ty Bemes được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án CT6 Kiến Hưng theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 1610/QĐ-UBND (tại Quyết định 3855/QĐ-UBND ngày 23/8/2011).

Tuy nhiên, từ tháng 10/2010, bị can Lê Thanh Thản là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Bemes đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng công trình dự án CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) phê duyệt, đến tháng 11/2012 công trình hoàn thành, từ tháng 1/2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.

Bị can Lê Thanh Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, đối với khối nhà cao tầng, đã làm tăng diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình, thay đổi công năng sử dụng; xây dựng tăng căn hộ và xây thêm 1 tòa CT6C không nằm trong quy hoạch được duyệt.

Đối với nhà thấp tầng, tăng diện tích đất được xây dựng và số căn thấp tầng, vi phạm chỉ giới đường đỏ.

Lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính hơn 481 tỉ đồng

Từ tháng 3/2011, bị can Lê Thanh Thản đã quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án "dự án đã được phê duyệt, thiết kế căn hộ và thiết kế công trình tuân thủ các quy định về xây dựng, giá bán căn hộ đã bao gồm giá trị quyền sử dụng đất..." để bán các căn hộ tại dự án CT6 Kiến Hưng được xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được duyệt, khiến cho khách hàng tin tưởng đã mua các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng.

Kết quả điều tra xác định bị can Lê Thanh Thản đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), thu lợi bất chính tổng số tiền là hơn 481 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định số tiền hơn 481 tỉ đồng này chính là số tiền gây thiệt hại nghiêm trọng cho 488 khách hàng (bao gồm giá trị quyền sử dụng đất là hơn 56 tỉ đồng).

Viện Kiểm sát xác định Công ty Bemes, do bị can Lê Thanh Thản - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, đầu tư xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng thuộc các lĩnh vực thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… để tạo lập các căn hộ của dự án CT6 Kiến Hưng trái pháp luật không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, không đủ điều kiện đưa vào giao dịch về nhà ở.

Việc này xảy ra trong thời gian dài nhưng các cán bộ của Ủy ban Nhân dân phường Kiến Hưng là Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch giai đoạn từ năm 2004 đến tháng 4/2015); Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó Chủ tịch giai đoạn từ năm 2004 đến ngày 30/6/2011) và Bùi Văn Bằng (nguyên Phó Chủ tịch giai đoạn từ ngày 1/7/2011 đến tháng 10/2018) và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông là Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông giai đoạn từ 15/9/2010 đến tháng 8/2012), Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng từ 15/09/2010 đến tháng 10/2018) và Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra xây dựng quận Hà Đông phụ trách địa bàn phường Kiến Hưng giai đoạn từ ngày 7/12/2010 đến tháng 12/2014) đã không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý đối với các sai phạm tại công trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng theo quy định của pháp luật.

Hậu quả gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho 488 khách hàng mua 488 căn hộ là hơn 481 tỉ đồng.

Phạm tội "Lừa dối khách hàng" có thể đối diện với mức án nào?

Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Lừa dối khách hàng" như sau:

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội "Lừa dối khách hàng" là gì?

Căn cứ vào quy định của pháp luật thì có thể hiểu, lừa đối khách hàng là hành vi gian dối của người bán hàng trong hoạt động mua bán, cung cấp dịch vụ nhằm thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho khách hàng. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường. 

Hành vi lừa dối khách hàng có thể được thực hiện qua các thủ đoạn như: cân, đo, đong, đếm, tính gian hàng hóa về số lượng, bán hàng hóa với giá cao hơn giá quy định; cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng kém; đánh tráo hàng hóa, thay đổi thiết kế, chức năng của các thiết bị cân, đo, đong, đếm,...

Lỗi trong tội "Lừa dối khách hàng" là lỗi cố ý trực tiếp. Điều này có nghĩa là, người phạm tội có đủ điều kiện để lựa chọn cách xử sự đúng với quy định pháp luật nhưng họ đã lựa chọn cách xử sự ngược lại nhằm lừa dối khách hàng với động cơ vụ lợi, mục đích thu lợi bất chính, hưởng giá trị chênh lệch thu được khi thực hiện thủ đoạn gian dối.

Bên cạnh đó, người phạm tội "Lừa dối khách hàng" là người nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội và thấy trước được hậu quả của hành vi đó chính là gây thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng, nhưng họ vẫn mong muốn hậu quả đó được xảy ra để họ có thể thu lợi nhuận bất hợp pháp.

Tội "Lừa dối khách hàng" là tội có cấu thành vật chất khi hậu quả của hành vi này được cụ thể hóa bằng mô tả mang tính định lượng đó là: "Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng" hoặc "Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên".

Hình phạt đối với tội "Lừa dối khách hàng"

Theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người có hành vi lừa dối khách hàng nếu đủ các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định pháp luật thì người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phải chịu mức án đến 5 năm tù tùy tính chất và mức độ hành vi phạm tội.

- Khung cơ bản của tội "Lừa dối khách hàng" đó chính là có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm khi phạm tội thông thường, không có tình tiết định khung tăng nặng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Khung tăng nặng của tội "Lừa dối khách hàng" có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt này được áp dụng với hành vi lừa dối khách hàng có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt hoặc thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

– Hình phạt bổ sung đối với tội "Lừa dối khách hàng" là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình luận của bạn

Bình luận