Bão số 5 giật cấp 10 hiện cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam

Lan Dương
17:58 - 14/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lúc 16 giờ ngày 14/10, tâm bão số 5 mạnh cấp 8 giật cấp 10 ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam.

Chiều 15/10, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bão số 5 giật cấp 10 hiện cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam - Ảnh 1.

Vị trí, đường đi và phạm vi ảnh hưởng của bão số 5. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Trưa nay 14/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5, có tên quốc tế là SONCA.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 14/10, tâm bão số 5 mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10 ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam. 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 15/10, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 giật cấp 8 ở vào khoảng 15,4 độ vĩ Bắc -107,8 độ Kinh Đông, nằm trên khu vực đất liền Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới từ 13,0-17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Đến 4 giờ ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 giật cấp 8 nằm ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc-106,3 độ Kinh Đông.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tới từ 13,0-17,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. 

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Cảnh báo từ ngày 15 – 16/10, cấp độ rủi ro thiên tai tại phía Tây Bắc khu vực Giữa Biển Đông và phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông; vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định đạt cấp 3.

Bão số 5 giật cấp 10 hiện cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam - Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh bão số 5 từ Đài Khí tượng cao không

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão số 5

Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao từ 4-6m; Khu vực ngoài khơi Trung Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) sóng biển cao từ 3-5m; vùng biển ven bờ từ Quảng Trị đến Phú Yên sóng biển cao từ 2-4m.

Ven biển ven bờ các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng do bão cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.

Ngoài ra, trên đất liền từ tối ngày 14/10, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Trung Bộ, Tây Nguyên đã có nơi mưa rất to

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ 13 giờ ngày 13/10 đến 13 giờ ngày 14/10, ở khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Bạch Mã 221mm (Thừa Thiên Huế); Núi Thành 126mm (Quảng Nam); Dung Quất Khí Tượng 158mm (Quảng Ngãi); Tuy Hòa 135mm (Phú Yên)…

Mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên đã đạt trạng thái gần bão hòa (90-95%).

Trung tâm này dự báo trong 6 giờ tới, tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến ở Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên và khu vực Tây Nguyên từ 20-40mm, có nơi trên 80mm; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Trong 12 giờ tới, cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1

Bão số 5 giật cấp 10 hiện cách Quảng Ngãi khoảng 235km về phía Đông Đông Nam - Ảnh 5.

Danh sách các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá trong 12 giờ tới.

Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo, tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính tính từ chiều tối ngày 14/10 đến hết ngày 16/10:

Tại Quảng Bình 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 200-400mm, có nơi trên 500mm Quảng Ngãi 70-120mm, có nơi trên 150mm.

Tại Kon Tum, Gia Lai 30-60mm, có nơi trên 100mm.

Tin lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, cảnh báo lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, từ Quảng Nam đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tại, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dao động theo điều tiết xả của các hồ thủy điện; mực nước các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 14/10, trên sông Bồ tại Phú Ốc 3,26m, trên báo động 2 0,26m; trên sông Hương tại Kim Long 1,88m, dưới báo động 2 0,12m.

Trong 12-24 giờ tới, lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục lên.

Trung tâm này cảnh báo: Từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10m, hạ lưu từ 1,5-5,0m. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai lên mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 2-3.

Tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, mưa lũ tại miền Trung

Ngày 13/10/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 939/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ tại miền Trung.

Ngày 12/10/2022, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành công điện số 32/QĐ-QG về chủ động ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Ngày 12/10/2022, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 17/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau và khu vực Tây Nguyên về việc chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Bình luận của bạn

Bình luận