Bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở Đức

Lam Linh
17:07 - 07/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đe dọa, phỉ báng hay thậm chí bị tấn công thân thể là chuyện xảy ra hàng ngày đối với nhiều giáo viên ở Đức. Việc ngăn ngừa và phòng chống bạo lực học đường vì vậy đang trở thành thách thức lớn đối với ngành Giáo dục của đất nước này.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở Đức - Ảnh 1.

Việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh và giáo viên tại Đức đang trở thành thách thức lớn của ngành Giáo dục nước này. Ảnh: Imago

Bạo lực học đường giữa học sinh và giáo viên tại Đức

Kỳ nghỉ hè trên khắp nước Đức sắp kết thúc cũng là lúc học sinh quay trở lại trường học và kéo theo nhiều vấn đề tiềm tàng trong ngành Giáo dục của quốc gia này. Một trong số đó là bạo lực học đường gia tăng, cụ thể là bạo lực giữa học sinh với giáo viên.

Ông Gerhard Brand, người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên lớn thứ 2 tại Đức, đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với hiệu trưởng các trường phổ thông vào năm 2022. Kết quả cho thấy 2/3 số người được hỏi cho biết trong 5 năm qua, trường học của họ luôn chứng kiến các vụ bạo lực học đường nhằm vào giáo viên. Các hình thức bạo lực từ lăng mạ cho đến tấn công thể xác.

"Những con số này thật đáng báo động, cho thấy vấn nạn bạo lực học đường ngày càng trở nên đáng sợ", ông Gerhard Brand chia sẻ.

Tương tự, năm 2022, thống kê của Sở Cảnh sát bang Lower Saxony (phía bắc nước Đức) đã chỉ ra số vụ tấn công giáo viên đã tăng 30% so với năm 2021. Còn ở bang Saxony-Anhalt (phía đông nước Đức), trong 104 vụ tấn công giáo viên, có 43 vụ bạo lực thể xác.

Một giáo viên giấu tên đã chia sẻ với tờ DW về một lần bị thương khi đang cố gắng xử lý tình huống trong lớp. Theo đó, một học sinh trong lớp đã dùng dao rọc giấy đe dọa bạn cùng lớp. Giáo viên này đứng ra can thiệp nhưng bất ngờ bị học sinh này tấn công và bị thương.

"Đó không phải là một học sinh nhỏ tuổi. Nhưng tình huống đó cực kỳ nguy hiểm", giáo viên bị tấn công cho biết.

Theo ông Gerhard Brand, những sự cố như trên không diễn ra thường xuyên nhưng chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Số vụ tấn công trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với báo cáo vì có nhiều vụ tấn công giáo viên trong trường học không được báo cáo vì họ lo ngại nhiều vấn đề khác có thể xảy ra với mình.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở Đức - Ảnh 3.

Hai giáo viên Đức bị đe dọa sau khi lên tiếng về bạo lực học đường. Ảnh: Patrick Pleul

Ngoài ra, bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với giáo viên mà còn giữa phụ huynh với giáo viên. Chẳng hạn như ở bang Thuringia (phía đông nước Đức) có tất cả 56% những vụ tấn công bằng lời nói đối với giáo viên và 70% hành vi phỉ báng nhắm vào giáo viên xảy ra trên không gian mạng xã hội là do phụ huynh gây ra.  

Đại dịch COVID-19 làm trầm trọng hơn nạn bạo lực học đường

Hiệp hội Giáo viên Đức chỉ ra đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những vấn đề hiện có của ngành Giáo dục đất nước này. Trong thời gian giãn cách, học sinh phải chịu nhiều áp lực từ việc ở nhà, học trực tuyến, không được tham gia các hoạt động thể thao tập thể. Điều đó khiến giờ giấc sinh hoạt, thói quen của các em bị đảo lộn và tạo ra các hành vi tiêu cực.

Ví dụ như cũng ở bang Thuringia, thực hiện các quy định về học tập trong thời kỳ giãn cách do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều giáo viên Đức đã bị phụ huynh học sinh lăng mạ, cáo buộc họ quá nghiêm khắc với học sinh, thậm chí có giáo viên cho biết đã bị phụ huynh hành hung thể xác.

Bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở Đức - Ảnh 5.

Đến năm 2025, Đức sẽ thiếu 25.000 giáo viên và chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục có thể lên tới con số là 50.000. Ảnh: Expat

Ông Klaus Seifried, thành viên Hiệp hội các nhà tâm lý học đường Đức, kiến nghị ngành Giáo dục cần quan tâm hơn nữa và có biện pháp xử lý thỏa đáng vấn đề trên. 

Ông phân tích, các giáo viên giàu kinh nghiệm ở Đức thì đã nghỉ hưu. Nhiều giáo viên mới vào nghề nhưng có ít kinh nghiệm giải quyết các tình huống bất thường trong lớp học. Họ cũng phải đối mặt với nhiều áp lực như thiếu giáo viên, số giờ làm thêm tăng, dạy thay... Vì vậy, họ không nên phải chịu những mối đe dọa mất an toàn trong môi trường làm việc.

"Giáo viên nên thiết lập mối quan hệ tích cực, mang tính xây dựng với học sinh, đặt ra ranh giới và hỗ trợ học sinh. Họ nên thể hiện quyền lực nhưng cũng phải là hình mẫu tích cực cho học sinh noi theo", ông Klaus Seifried kết luận.

Nguồn: DW