Bảo đảm an toàn thực phẩm ngày Tết và mùa Lễ hội Xuân 2023

PV
08:39 - 31/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp Lễ hội Xuân 2023 là thời điểm thực phẩm được tiêu thụ mạnh, để đảm bảo an toàn cho người dân, các Bộ, ban ngành Chính phủ đã đồng loạt nhận các nhiệm vụ phối hợp với quyết tâm đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn quốc.

Đồng loạt triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023

Đồng loạt triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023

Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có thời gian nghỉ Tết dài ngày, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa Lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều Lễ hội với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… 

Quyết tâm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2023 sắp tới.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; tiếp tục có cơ chế, chương trình, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy, khuyến khích đưa các sản phẩm thực phẩm an toàn, hữu cơ vào các chuỗi cung ứng, đặc biệt lưu ý có hướng dẫn cụ thể, phù hợp về quản lý an toàn thực phẩm các vấn đề mới nổi như thương mại điện tử, kinh doanh online thực phẩm chế biến, suất ăn…. Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp, đề ra chỉ tiêu, vận động các đoàn thể vào cuộc để xử lý có hiệu quả việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ; tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.

Bảo đảm an toàn thực phẩm ngày Tết và mùa Lễ hội Xuân 2023 - Ảnh 1.

Một chiếc bánh "handmade" được làm bằng thạch rau câu chào đón Năm mới. Ảnh minh họa: Bích Liên.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục chủ động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động, giám sát thực hiện an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020; sơ kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên tinh thần củng cố các kết quả phối hợp đã đạt được và triển khai, phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, kết quả, dự toán kinh phí và phối hợp Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cấp kinh phí, bảo đảm điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hiện các Chương trình phối hợp theo quy định.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương khẩn trương tổ chức vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm, trong đó có kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06); phấn đấu trong năm 2023 có dữ liệu cập nhật về các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh, hộ gia đình sản xuất, chế biến thực phẩm.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã ban hành Kế hoạch số 1637/KH-BCĐTƯATTP ngày 5/12/2022.

Kế hoạch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.

Cụ thể, cần hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Các đơn vị chức năng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến  và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Thời gian triển khai từ 15/12/2022 đến hết 12/3/2023 với phạm vi trên cả nước nhằm giúp người dân ý thức chấp hành, các hộ kinh doanh thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Từ đó, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong khu vực sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn tập thể; để xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng, gia tăng các vụ việc ngộ độc do rượu…

Khuyến khích đưa thực phẩm an toàn, hữu cơ vào các chuỗi cung ứng

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương rà soát, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc cập nhật dữ liệu theo mẫu thống nhất vào hệ thống thông tin an toàn thực phẩm theo tinh thần "dễ làm trước, khó làm sau; doanh nghiệp trước, hộ gia đình, cá nhân sau…".

Đồng thời, Bộ Y tế rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (kể cả cho học sinh, công nhân, bệnh viện…), trong đó người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Bảo đảm an toàn thực phẩm ngày Tết và mùa Lễ hội Xuân 2023 - Ảnh 2.

Bánh cuốn - đặc sản Miền Bắc. Ảnh minh họa: VA

Bộ Công Thương rà soát, nghiên cứu sớm ban hành hướng dẫn về quản lý, nhận diện cồn công nghiệp, góp phần phòng tránh nguy cơ ngộ độc do rượu được pha chế từ cồn công nghiệp.

Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ về vấn đề Ban quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất mô hình tổ chức, quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 1/8/2022.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn; đẩy mạnh việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đối với thực phẩm tươi sống, kết hợp các hình thức xét nghiệm cảnh báo sớm đối với sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu không an toàn.

Bộ Y tế rà soát, có văn bản hướng dẫn việc sử dụng công cụ xét nghiệm nhanh phục vụ cho việc kiểm tra thực phẩm.