Bài thơ “Cánh đồng” vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn
Bài thơ “Cánh đồng” của tác giả Ngân Hoa được dùng làm ngữ liệu cho phần Đọc hiểu đề thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn tỉnh Sóc Trăng.
Bài thơ “Cánh đồng” vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn.
ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích:
Những đoá cúc vừa được hái từ cánh đồng mùa xuân rộng lớn
Tỏa sáng trên chiếc bình gốm sậm màu.
Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa nhỏ bé, một hơi thở nhẹ nhàng, một làn sương ẩm ướt.
Chạm vào em một lớp mặt đất mịn màng, một tiếng vọng rền trong trầm lặng, một âm điệu buồn, một sự yên bình rực rỡ.
Em chạy về với cánh đồng mùa xuân rộng lớn
Chân ngập trong đất mềm tơi xốp
Em gọi tên những loài hoa chưa kịp mọc
Em gọi tên những trái cây chưa kịp ra đời
Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt
Đang ngủ trong đoá hoa nấp dưới đất cày
Dưới lớp đất, có những chiếc bình gốm
Chưa kịp hình thành chờ đợi các loài hoa
(Ngân Hoa, Cánh đồng, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1996, trang 49-50)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra biện pháp tu từ được thể hiện trong hai dòng thơ sau:
Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt
Đang ngủ trong đoá hoa nấp dưới đất cày
Câu 3. Nêu nội dung của hai dòng thơ sau:
Dưới lớp đất, có những chiếc bình gốm
Chưa kịp hình thành chờ đợi các loài hoa
Câu 4. Từ Những đoá cúc vừa hái về từ những cánh đồng mùa xuân rộng lớn trong đoạn trích trên, anh/chị hãy rút ra bài học về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường thiên nhiên hiện nay ở nước ta.
Câu 2 (5 điểm)
Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được.
Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.
(Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2018, trang 89-90)
Cảm nhận của Anh/chị về đoạn văn trên. Từ đó làm sáng tỏ "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở tâm hồn của những người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng đó.
Gợi ý làm bài
1. Tri thức ngữ văn liên quan đến bài thơ "Cánh đồng"
Cảm nhận sự biến hóa của nhịp điệu, sự phóng khoáng trong cách xây dựng hình ảnh thơ, sự dụng công trong cách tổ chức mạch thơ.
- Sự biến hóa nhịp điệu khiến bài thơ như một trang sách tự sự.
- Sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh gam màu sáng, trong trẻo với hình ảnh gam màu tối, âm u, ẩm ướt.
- Mạch thơ đi theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Lắng nghe dòng chảy cảm xúc và suy tưởng của nhân vật trữ tình được biểu hiện một cách sống động, sắc nét trong sự tự do của hình thức thơ ca.
- Một đóa hoa cúc cắm trong bình gốm đã làm nhân vật trữ tình hình dung ra cả một cánh đồng hoa đang trải ra trước mắt. Không chỉ có những màu sắc mà còn có những thanh âm chân thực khiến đây như không còn chỉ là trong tưởng tượng.
- Sự tự do trong hình thức của thơ ca cũng được hiện lên rõ nét khi các câu thơ không tuân theo bất cứ quy luật nào. Từng câu thơ chứa đựng sự tinh tế trong tâm hồn tác giả.
Giá trị nội dung:
- Bài thơ "Cánh đồng" nhằm thể hiện ý thức nâng niu cái đẹp
- Thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của con người.
Giá trị nghệ thuật:
- Bài thơ có cách triển khai độc đáo, các câu thơ, các khổ thơ có độ dài ngắn khác nhau, có những câu dài như một câu văn tạo nên mạch cảm xúc tuôn trào mãnh liệt.
2. Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường thiên nhiên hiện nay ở nước ta
Môi trường là tất cả những gì xung quanh chúng ta, bao gồm không khí, nước, đất và các sinh vật sống. Môi trường rất quan trọng đối với sự phát triển tồn tại của con người và các sinh vật khác.
Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của con người. Môi trường có trong sạch thì không khí chúng ta thở mới trong lành, nguồn nước chúng ta sử dụng mới an toàn, đất đai chúng ta canh tác mới màu mỡ. Khi môi trường bị ô nhiễm, con người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.
Bảo vệ môi trường là góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Một môi trường trong sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch,… nhờ đó, kinh tế - xã hội sẽ phát triển bền vững…
3. Vẻ đẹp người lao động trong "Người lái đò sông Đà"
Phân tích ông lái đò vượt qua trùng vi thạch trận thứ 2, thứ 3 và sau khi vượt thác. Từ đó làm sáng tỏ "thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở tâm hồn của những người lao động, chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng đó
Ông lái đò là người mưu trí dũng cảm, bản lĩnh và tài ba: Ông lái đò "không chút nghỉ tay, nghỉ mắt phá luôn vòng vây thứ hai và đổi chiến thuật, ông "nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước", động tác điêu luyện "cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác..."
Là người nghệ sĩ tài hoa: ưa những khúc sông nhiều ghềnh thác, không thích lái đò trên khúc sông bằng phẳng, coi việc chiến thắng "con thủy quái" là chuyện thường: sau khi vượt thác nhà đò đốt lửa nướng cơm lam và toàn bàn về chuyện cá anh vũ, cá dầm xanh,...
Ông lái đò là người anh hùng, người nghệ sĩ trong công việc chèo đò, vượt thác, đại diện cho con người Tây Bắc và là chất vàng mười của đất nước ta.
Đặc sắc nghệ thuật: Kết hợp hài hòa giữa bút pháp lãng mạn và hiện thực. Sử dụng ngôn ngữ điêu luyện. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ (nhân hóa, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng, trùng điệp…). Tưởng tượng độc đáo. Vận dụng tri thức nhiều ngành nghệ thuật.
Hình tượng người lái đò là đại diện cho con người lao động Tây Bắc trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa có phẩm chất anh hùng vừa tài hoa nghệ sĩ.
Thông qua hình tượng ông lái đò, Nguyễn Tuân muốn phát biểu quan niệm rằng "người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động hằng ngày".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google