Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Tự do dành cho thế hệ tương lai đa trí tuệ

Thuỵ Văn
12:36 - 27/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

15/3 là hạn cuối nhận bài dự thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53, các em học sinh có thể tham khảo bài mẫu dưới đây để hoàn thiện bức thư của mình.


Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Tự do dành cho thế hệ tương lai đa trí tuệ- Ảnh 1.

Từ thế giới đương đại, ngày... tháng... năm...

Chào bạn!

Tôi viết thư này ngay khi biết được chủ đề cuộc thi viết thư UPU năm nay - cuộc thi gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024): "Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để nói về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".

Bạn thân mến! Thế giới ngày nay chúng tôi đang sống có sự phát triển về chất nhờ vào Cách mạng công nghiệp 4.0. Nền giáo dục đã thay đổi về sứ mệnh giáo dục, về những năng lực cốt lõi của con người trong thế hệ mới. Đó chính là những điều mà thế hệ tương lai các bạn được kế thừa.

Xét trên bình diện toàn cầu, sự thay đổi lớn lao nhất về giáo dục là việc từ bỏ mô hình giáo dục khép kín sang mô hình giáo dục mở, chính là xã hội học tập mà bây giờ các bạn đã coi là lẽ đương nhiên. 

Chúng ta đã giảm nhanh tỷ trọng thực hiện các khóa học trực tiếp, nhường chỗ cho học tập trực tuyến. Triết lý "giáo dục cho mọi người" đã thay bằng ý tưởng "Học tập suốt đời cho mọi người".

Văn hóa giáo dục trong thế kỷ 21 hướng vào những nguyên lý cơ bản:

1. Nguyên lý giáo dục khai phóng coi con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Giáo dục hướng tới mẫu người tự do, tức là con người được phát huy những năng lực bên trong một cách triệt để nhằm làm cho họ thành một nhân cách có những cá tính riêng biệt. Giáo dục khai phóng trao quyền cho người học để chuẩn bị năng lực ứng phó với sự phức tạp, biến đổi không ngừng và đa dạng của xã hội hiện đại. 

2. Nguyên lý giáo dục cá nhân hóa hướng vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển riêng của từng người học, để phát huy sở trường, phát triển năng lực riêng. Việc đào tạo có nội dung thống nhất nhưng lại đáp ứng sự phát triển riêng của mỗi người. 

3. Nguyên lý giáo dục dân chủ và bình đẳng với xuất phát điểm của mọi người là ngang bằng về cơ hội tiếp cận sự học, không phân biệt thành phần xuất thân, vị thế xã hội, chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính cũng như những khác biệt về văn hóa. Điều này có nghĩa là mọi người đều có cơ hội thành đạt như nhau từ vạch xuất phát. Chúng tôi đã cạnh tranh nhau bằng sự nỗ lực cố gắng của bản thân, chứ không dựa dẫm vào bất kỳ điều kiện ưu tiên nào. Đó là ý tưởng cốt lõi về xây dựng người tự lập thân.

Vì thế, các giá trị cốt lõi tương ứng của nguyên lý giáo dục dân chủ và bình đẳng là: Con người tự lập thân, con người thực sự là chủ thể chính trị của xã hội và con người được bình đẳng về cơ hội tiếp cận "giáo dục cho tất cả mọi người".

4. Nguyên lý giáo dục đa văn hóa tạo ra những con người hiểu biết về văn hóa của đất nước mình, đồng thời có cả hiểu biết về văn hóa của các nước khác. Từ đó, con người trân trọng giữ gìn sự đa dạng về văn hóa toàn cầu, tôn trọng văn hóa khác, văn hóa của người khác. Đó là yếu tố quan trọng để con người giữa các quốc gia hiểu nhau và chung sống với nhau trên nền tảng tôn trọng văn hóa của nhau.

Toàn cầu hóa là xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Chính vì vậy, các bạn thân mến, chúng tôi luôn chú trọng việc đào tạo những công dân toàn cầu. Khái niệm công dân toàn cầu thể hiện một thế giới quan trong văn hóa giáo dục bao gồm một tập hợp các giá trị cần thiết để con người tự do đi lại trong một thế giới rộng lớn, không bị những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán... và việc làm.

Các giá trị cốt lõi tương ứng với nguyên lý giáo dục đa văn hóa gồm: Chấp nhận sự đa dạng của thế giới hiện đại; tôn trọng con người, tôn trọng sự đa dạng văn hóa; đối thoại văn hóa để xây dựng các mối quan hệ văn hóa - văn hóa, người - văn hóa, người - người; khoan dung, thân thiện, đồng cảm với người khác và chấp nhận chung sống trong ngôi nhà toàn cầu của chúng ta.

5. Nguyên lý giáo dục đa trí tuệ đào tạo con người toàn diện, phát huy tốt nhất những năng lực khác nhau vốn có dựa trên 8 loại hình thông minh: logic - toán; không gian, vận động, tương tác - giao tiếp, nội tâm, tự nhiên (thiên nhiên), ngôn ngữ và âm nhạc. 

Các bạn ơi, sự thành đạt của mỗi người dựa vào đa dạng trí thông minh đó, thế giới hiện đại, những người đa trí tuệ sẽ "tự do" hơn những người "đơn trí tuệ". Đó là lý do chúng tôi - từ quá khứ của bạn - luôn nỗ lực vì điều đó. 

Gửi lời chào thế giới tương lai nhé. Hy vọng các bạn không chỉ kế thừa mà tương lai, những con người ưu tú như bạn còn có thể tạo nên thế giới tốt đẹp hơn nhờ khoa học giáo dục tiên tiến. Thế giới sẽ tuyệt vời hơn bây giờ, và các bạn sẽ nhớ tới chúng tôi, những người đang nỗ lực để bắt đầu!

Chúc cho thế giới của bạn văn minh, đa dạng và ưu tú! 

Trân trọng, Thuỵ Văn

Từ: Thế giới của chúng tôi, ngày...