Thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Lưu ý thêm lệnh phụ trong tác phẩm văn xuôi

Phan Anh
16:13 - 21/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Lệnh phụ câu nghị luận văn học chiếm 0,5 điểm/5 điểm. Học sinh lưu ý thêm lệnh phụ của một số tác phẩm văn xuôi để làm bài thi cho tốt.

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"

Nhận xét cái tôi tài hoa uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"
Thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Lưu ý thêm lệnh phụ trong tác phẩm văn xuôi - Ảnh 1.

Sông Hương, đoạn chảy qua thành phố Huế bây giờ. Ảnh: TTH

Thứ nhất, đó là một cái tôi dạt dào cảm xúc. Cái tôi ấy là cái tôi của một người trí thức yêu nước vừa bước ra từ trong khói lửa chiến tranh, vừa bừng bừng khí thế chống giặc ngoại xâm, vừa hào hứng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng. Cái tôi ấy là cái tôi của một người nghệ sĩ giàu rung động và lãng mạn, say sưa tìm kiếm vẻ đẹp riêng, sức cuốn hút riêng của con sông xứ Huế ở các phương diện không gian và thời gian, lịch sử và văn hoá.

Thứ hai, đó là một cái tôi nghiêm túc cẩn trọng trong tìm kiếm và phát hiện. Trong bài bút ký pha tuỳ bút này, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động vốn kiến thức tổng hợp nhiều mặt về con sông Hương từ địa lý, lịch sử, văn hoá, văn chương và đời sống, tự nhiên và khảo cổ, cái hiện sinh và những gì thuộc về xa xưa… Các mặt kiến thức này không tách rời nhau, mà hoà quyện, hỗ trợ nhau tạo thành một điểm tựa vững chắc cho ngòi bút nhà văn khi miêu tả con sông của xứ Huế. Và đó còn là một cái tôi tài hoa và lãng mạn.

Tác phẩm "Người lái đò Sông Đà"

Vì sao trong con mắt của Nguyễn Tuân, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người nơi đây mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta?

Gọi thiên nhiên là vàng vì Sông Đà vừa có vẻ đẹp hùng vĩ, vừa có vẻ đẹp thơ mộng. Gọi con người là vàng mười vì con người đẹp hơn tất cả, đẹp nhất từ trong lao động, trở thành anh hùng và nghệ sĩ. Con người được ví với khối vàng mười quý giá chỉ là những người lái đò nghèo khổ, làm lụng âm thầm, giản dị, vô danh.

Nhưng người lái đò không chỉ là anh hùng sông nước, một nghệ sĩ vượt thác mà còn là một người lao động bình dị giữa đời thường, những con người đã cống hiến thầm lặng mà cao cả, say mê với công việc, tình yêu với nghề nghiệp mà bất chấp hiểm nguy, vất vả.

Nhận xét nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân ưa cảm giác mãnh liệt, dữ dội. Ông thường tả gió, bão, núi đèo, tả thác ghềnh và luôn khám phá đối tượng ở phương diện tài hoa thẩm mỹ; tài hoa uyên bác trong hiểu biết về văn hóa; không ngừng thay đổi trong hành trình lao động nghệ thuật để không lặp lại chính mình.

Trong "Người lái đò Sông Đà", Nguyễn Tuân đã thể hiện "cái tôi" tài hoa qua những rung động, say mê trước vẻ đẹp hùng vĩ và mĩ lệ của thiên nhiên đất nước; ở sự phát hiện và ngợi ca phẩm chất tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động; ở những trang văn đẹp như thơ, như nhạc, như hoạ. Nhà văn đã phát hiện và miêu tả sông Đà như một sinh thể sống, với tính cách hung bạo và trữ tình. Từ đó, nhà văn đã tạc dựng hình ảnh người lái đò trong cuộc vượt thác đầy kịch tính và cũng thật ngoạn mục.

Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

Nhận xét về quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống

Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" là phát hiện của nghệ sĩ Phùng về bức tranh cuộc sống gai góc, sần sùi, đối lập hẳn với bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ. Sự phát hiện những nghịch lí ấy giúp Phùng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc đời.

Giữa nghệ thuật và cuộc đời có mối quan hệ song hành: Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc đời, và cuộc đời là hiện thực phong phú khơi nguồn cho cảm hứng nghệ thuật. "Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc và vì cuộc đời, vì con người".

Tác phẩm "Vợ nhặt"

Nhận xét xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân

Tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện ở tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm với số phận của một người mẹ nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Tác giả gửi gắm tình cảm trân trọng, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ: tuy nghèo nhưng rất thương con, nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, đặc biệt bà là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng.

Tấm lòng đó còn thể hiện qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng của nhân vật với chiều sâu bên trong tâm hồn vừa phức tạp, vừa sâu sắc, hiểu và cảm được tận cùng nỗi niềm của người mẹ nghèo. Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn "Vợ nhặt" có giá trị phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.

Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ"

Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm
Thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Lưu ý thêm lệnh phụ trong tác phẩm văn xuôi - Ảnh 3.

Bộ phim "Vợ chồng A Phủ" phát hành năm 1972, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Tư liệu

Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", ta thấy được lòng cảm thương sâu sắc của Tô Hoài dành cho số phận những người lao động miền núi, đặc biệt là người phụ nữ, những kiếp đời bi kịch đang chết dần, chết mòn. Nhà văn hướng ngòi bút vào sự ảm đạm, đen tối nhưng để hướng vào phía sự sống và ánh sáng tâm hồn của con người, ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh tinh thần của họ.

Từ thương cảm, nhà văn đã lên tiếng tố cáo chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu đã đẩy con người vào tình cảnh khốn khổ. Đồng thời, nhà văn thể hiện niềm tin, sự trân trọng đối với khát vọng sống trong sạch, lương thiện, giàu tình người của những con người bị đoạ đày, lăng nhục, khát khao tìm đến ánh sáng của cuộc đời mới.

Tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Nhận xét triết lý nhân sinh được Lưu Quang Vũ gửi gắm qua tác phẩm

Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, được hòa hợp giữa xác và hồn, trong và ngoài, nội dung và hình thức... một thể thống nhất toàn vẹn chứ không phải là cuộc sống chắp vá, gượng ép.

Trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục, tầm gửi và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản qua tác thân. Có như vậy chúng ta mới được là mình – được là chính mình toàn vẹn. Con người cần có sự ý thức chiến thắng bản thân, chống lại những nghịch cảnh số phận, chống lại sự giả tạo để bảo vệ quyền sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách.

Phần lệnh phụ của tác phẩm thơ sẽ được đề cập qua bài viết sau, độc giả đón đọc trên Tạp chí Công dân và Khuyến học.