91 trường đại học chưa đủ điều kiện tự chủ, đâu là nguyên nhân?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các cơ sở chưa thực hiện được tự chủ là do nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ, năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
Theo thống kê trong Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại Luật Giáo dục đại học. Theo đó, số trường chưa đủ điều kiện tự chủ vẫn còn lớn, cụ thể là 91 trường.
Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chỉ ra 4 lý do khiến các trường không đủ điều kiện tự chủ, cụ thể:
Thứ nhất, chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học chiếm 18,53%;
Thứ hai, chưa thành lập hội đồng trường chiếm 7,5%;
Thứ ba, do chưa ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác (ví dụ như chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục).
Thứ tư, trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, đến nay có 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo Luật Giáo dục đại học hiện hành với lý do các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các cơ sở chưa thực hiện được tự chủ là do nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ, năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển.
"Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học, đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học, từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực hiệu quả.
Mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường với đảng ủy và ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở giáo dục đại học, còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy phân tích.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, việc thu hút nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn chế nên đã đặt ra những gánh nặng cho tự chủ đại học, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ là "tự lo" là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google