7 đối tượng lãnh án tù vì tàng trữ và giết hổ nấu cao
Ngày 31/1/2024, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã mở phiên tòa xét xử 7 đối tượng liên quan trong vụ án giết hổ nấu cao và tàng trữ các bộ phận từ hổ và các loài động vật hoang dã khác trên địa bàn hồi tháng 3/2023.
Pháp luật đã có những chế tài mạnh để xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến hổ, trong đó có giết hổ nấu cao
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, trước đó, vào ngày 11/3/2023, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt quả tang 7 đối tượng đang tổ chức giết mổ và mua bán các bộ phận của hổ tại nhà riêng của đối tượng Nguyễn Đức Mạnh dưới sự chứng kiến của khoảng 30 người.
Tang vật tịch thu bao gồm 13,8kg thịt hổ tươi sống, 18,3kg xương hổ, cùng rất nhiều xương, móng, nanh, cao của động vật hoang dã (ĐVHD).
Tại phiên tòa, đối tượng chính trong vụ việc, bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1971, trú tại Thành phố Hà Nội) đã bị tuyên phạt 18 tháng tù và phạt bổ sung 70 triệu đồng.
Ngoài ra, mức án dành cho 6 bị cáo còn lại như sau: Ngô Văn Thắng (sinh năm 1992) 13 tháng tù, Lê Văn Tùng (sinh năm 1993) 14 tháng tù và Trịnh Văn Nguyện (sinh năm 1992) 12 tháng tù.
3 bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Ánh (sinh năm 1979), Ngô Văn Ninh (sinh năm 1994), và Nguyễn Đức Mạnh (sinh năm 1976) nhận mức án tù treo từ 30 đến 36 tháng, thời gian thử thách 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về tội "Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm".
Cơ sở dữ liệu của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) năm 2023 ghi nhận 734 vi phạm liên quan đến hổ trong 345 vụ việc. Riêng vi phạm liên quan đến các sản phẩm, bộ phận của hổ để làm thuốc là 48 vụ việc.
Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Pháp luật đã có những chế tài mạnh để xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến hổ với mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù. Tuy vậy, tình trạng buôn bán hổ trái phép vẫn là một vấn nạn nhức nhối do nhu cầu tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ hổ, đặc biệt là cao hổ của một bộ phận người dân.
Từ xưa đến nay, dù không có căn cứ khoa học nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng sử dụng cao hổ có thể chữa được các bệnh về xương khớp hay tăng cường sinh lực, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và đẩy hổ đến gần hơn nguy cơ tuyệt chủng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google