6 tháng đầu năm 2023: Kinh tế tiếp đà tăng trưởng, Giáo dục có những bước tiến mới

Quang Minh
13:11 - 29/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, GDP quý II/2023 tăng trưởng 4,14%. Bên cạnh đó, các chỉ số mảng giáo dục - đào tạo đều đạt kế hoạch giữa năm.

Trước những khó khăn, thách thức nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ về các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã mang lại nhiều kết quả phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Theo báo cáo, nhìn chung, kinh tế – xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Kinh tế: GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%

Báo cáo cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023

Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%.

Tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, các chỉ số giá và dịch vụ tăng nhẹ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Trong nước, nhu cầu về hàng hóa nông sản, nhu cầu du lịch tăng nên chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá dịch vụ tăng lần lượt là 3,83% và 5,42% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp và chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,24% và giảm 0,02%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa giảm 0,52% và giảm 3,85% theo xu hướng của thị trường thế giới.

Trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%).

Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Giáo dục - Đào tạo: Nhiều bước tiến mới khi áp dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo báo cáo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 được tổ chức vào cuối tháng 6/2023, sớm hơn so với năm 2022.

6 tháng đầu năm 2023: Kinh tế tiếp đà tăng trưởng, Giáo dục có những bước tiến mới - Ảnh 1.

Năm 2023 áp dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung. Ảnh minh họa: PV.

Năm nay là năm đầu áp dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung so với năm trước.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung (SĐBS) một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Kết quả, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có tổng số 1.025.168 thí sinh đăng ký dự thi.

Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến chiếm 94,51%; số thí sinh đăng ký dự thi trực tiếp chiếm 5,49%.

Tính đến 14/6/2023, cả nước có 14.308 trường mầm non, 23.559 trường phổ thông, bao gồm: 12.085 trường tiểu học; 7.640 trường trung học cơ sở; 1.526 trường trung học phổ thông và 2.308 trường phổ thông có nhiều cấp học.

Số giáo viên mầm non là 332,6 nghìn người, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 721,8 nghìn người, bao gồm: 377,7 nghìn giáo viên tiểu học; 254,4 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 89,7 nghìn giáo viên trung học phổ thông.

Trong năm học 2022-2023, cả nước có 4,77 triệu trẻ em đi học mầm non; 15,97 triệu học sinh phổ thông, bao gồm: 8,92 triệu học sinh tiểu học; 5,28 triệu học sinh trung học cơ sở và 1,77 triệu học sinh trung học phổ thông.

Về giáo dục nghề nghiệp, tính đến hết tháng 5/2023, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Các cơ sở bao gồm gồm: 397 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.205 cơ sở, chiếm 63,8% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được 1.055 nghìn người (đạt 46% kế hoạch năm 2023).

Cụ thể: Tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được 220 nghìn người (đạt 41,5% kế hoạch năm 2023) và trình độ sơ cấp, các chương trình đào tạo nghề khác là 835 nghìn người (đạt 47,3% kế hoạch 2023).



Nguồn: Tổng cục Thống kê
Bình luận của bạn

Bình luận