6 nội dung cần lưu ý trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ

Quang Minh
16:33 - 05/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kết luận tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 6 nội dung cần lưu ý trong chỉ đạo điều hành.

Đặc biệt lưu ý 6 nội dung trong chỉ đạo, điều hành

Sáng 5/8, nêu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và đặc biệt lưu ý 6 nội dung trong điều hành kinh tế - xã hội.

6 nội dung cần lưu ý trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ - Ảnh 1.


Thủ tướng kết luận nhiều nội dung quan trọng trong chỉ đạo điều hành

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các ý kiến tại phiên họp. Trong 7 tháng và tháng 7 qua, Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, cơ bản đạt kết quả tốt.

Đánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng vẫn đạt được mục tiêu tổng quát: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép. Tăng trưởng tín dụng thấp, hấp thụ vốn còn yếu, tiếp cận vốn vẫn khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước 7 tháng giảm 7,8% so với cùng kỳ; nợ xấu nội bảng cần lưu ý.

Điều hành chính sách tiền tệ trong nước khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm. Thị trường trái doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cầu trên các thị trường lớn, truyền thống suy giảm dẫn đến trong 7 tháng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước (dù tháng sau cải thiện hơn tháng trước). Công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 48,7 điểm, tích cực hơn tháng 6 (46,2 điểm) và tháng 5 (45,3 điểm), cho thấy niềm tin kinh doanh đã tăng nhưng vẫn dưới 50 điểm.

Công tác lập, thẩm định quy hoạch cần tiếp tục đẩy nhanh và nâng cao chất lượng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc. Đời sống một bộ phận người dân khó khăn. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp… An ninh, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm trên không gian mạng. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ gặp nhiều thách thức.

6 nội dung cần lưu ý trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ - Ảnh 3.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, kết quả kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân của kết quả đạt được là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương.

Về những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, sức chống chịu còn hạn chế; nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ; còn một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, thủ tục hành chính còn rườm rà; việc lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp còn chưa thật sự quyết liệt, kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành; nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, có phản ứng nhanh, kịp thời theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, nâng cao tính chủ động, kịp thời; đề cao tinh thần nỗ lực, tự lực, tự cường, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; tích cực lắng nghe và tập trung, quyết quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.

Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong đó lưu ý tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp; song phải kiên trì, kiên định, tập trung thực hiện các mục tiêu tổng quát đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ tiếp tục bám sát thực tiễn, tăng cường phân tích, dự báo tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ.

Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu: Tiếp tục bám sát thực tiễn, tăng cường phân tích, dự báo tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ; chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, có giải pháp đúng và trúng để tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phát huy đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng bao gồm các chính sách về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có nhiều mảng quan trọng như đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực của ngành y tế, các chính sách giáo dục và đào tạo... Mục tiêu cuối cùng phải hướng tới nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2023. 

 

Nguồn: VGP