6 bài học từ Singapore về nâng cao kỹ năng và đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai

Hồng Ngọc
08:36 - 17/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao là chìa khóa để Singapore trở thành trung tâm tài năng và đổi mới toàn cầu cho sản xuất tiên tiến. Singapore luôn chú trọng nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai.

Mỗi người dân Singapore đều có cơ hội nâng cao kỹ năng, phát triển tối đa tiềm năng bản thân

Kể từ sau đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động trong cuộc sống đã chuyển sang môi trường kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cũng đang nhanh chóng thích nghi, đổi mới hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ. Và hiển nhiên là trong bối cảnh này, người lao động cần phải bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường nếu không muốn bị đào thải. Khi nói đến khả năng phục hồi nghề nghiệp, việc đầu tư nâng cao cũng như đào tạo lại kỹ năng là lựa chọn tốt nhất dành cho người lao động.

Hiện nay, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số (từ nhiều năm trước khi COVID-19 bùng phát) thông qua Lộ trình Công nghệ. Theo Workforce Singapore (WFS), Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Tan See Leng từng nói: "Việc áp dụng thành công các công nghệ đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao là chìa khóa để thúc đẩy các mục tiêu của Singapore trở thành trung tâm tài năng và đổi mới toàn cầu cho sản xuất tiên tiến."

6 bài học từ Singapore về nâng cao kỹ năng làm việc cho tương lai - Ảnh 2.

Nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng sẽ giúp mỗi người tạo nên khác biệt và luôn sẵn sàng cho tương lai của công việc. Ảnh: Inkling

Singapore đã đẩy mạnh học tập suốt đời thông qua SkillsFuture - một phong trào quốc gia nhằm cung cấp cho người dân cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, bất kể xuất phát điểm của họ. Theo đó, mỗi người dân Singapore đều là một phần trong hành trình của SkillsFuture. Thông qua phong trào này, kỹ năng, niềm đam mê và sự đóng góp của mỗi cá nhân sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của Singapore hướng tới một nền kinh tế tiên tiến và xã hội toàn diện.

Hội đồng trực thuộc Bộ Giáo dục - SkillsFuture Singapore (SSG) có nhiệm vụ thúc đẩy và điều phối việc thực hiện phong trào này, phát triển văn hóa và hệ thống toàn diện về học tập suốt đời thông qua việc theo đuổi thành thạo các kỹ năng, đồng thời củng cố hệ sinh thái giáo dục và đào tạo chất lượng tại Singapore.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), ông Soon-Joo Gog - Giám đốc Kỹ năng tại SkillsFuture Singapore đã chia sẻ cách họ nâng cao kỹ năng cho một thị trường lao động eo hẹp, lực lượng lao động già cùng nhiều thách thức khác.

6 bài học từ Singapore về nâng cao kỹ năng làm việc cho tương lai - Ảnh 1.

Hội thảo chia sẻ về cách Singapore nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động tại Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: WEF/Pascal Bitz

Singapore hiện đang là một trong những quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới. Và đây là 6 kinh nghiệm từ Singapore để phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng những biến động của thị trường lao động trong tương lai.

Chủ động nâng cao và đào tạo lại kỹ năng

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, một điều chắc chắn là nhiều công việc sẽ lỗi thời trong vài năm tới khi quá trình tự động hóa dần thay thế con người. Ông Gog cho biết, Singapore đã sớm nhận ra và chủ động "đón đầu" xu thế này.

Lấy ví dụ về lĩnh vực tài chính ngân hàng, với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, rất nhiều vị trí công việc dần trở nên không cần thiết. Liên quan đến thanh toán bù trừ séc, Ngân hàng DBS tại Singapore đã lên kế hoạch trước 3 năm và đào tạo lại 1.600 nhân viên ngân hàng, giao dịch viên ngân hàng và nhân viên thanh toán séc.

Trong giai đoạn này, khoảng 1.200 người đã xoay sở để được bố trí vào các vai trò khác tại ngân hàng và 400 người đã chuyển sang làm việc tại các ngân hàng khác. Đó là một câu chuyện thành công cho thấy cách người sử dụng lao động có thể chủ động trong việc đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động của mình trước thời hạn - bằng cách đó, giúp họ không bị mất việc khi doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động kinh doanh.

Gắn chiến lược kinh doanh với chiến lược kỹ năng

Ông Gog cho biết, ở Singapore, dễ dàng nhận thấy mối liên hệ giữa lực lượng lao động và một nền kinh tế mạnh. Chính phủ và các doanh nghiệp luôn nỗ lực để đảm bảo rằng chiến lược kinh doanh của từng ngành nghề liên kết chặt chẽ và được hỗ trợ bởi chiến lược kỹ năng.

Một nền kinh tế cạnh tranh cần một lực lượng lao động cạnh tranh. Và để làm được như vậy, cứ sau vài năm, Singapore lại khảo sát khu vực tư nhân trên cơ sở từng ngành và đặt ra câu hỏi về chiến lược của họ: Hoạt động kinh doanh sẽ đi theo hướng nào? Có kế hoạch quốc tế hóa, chuyển đổi số hay không?...

Theo ông Gog, đây là nỗ lực phối hợp cao giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Singapore đã thành lập Hội đồng Kinh tế tương lai do Phó Thủ tướng và những người đứng đầu khu vực tư nhân đồng chủ trì. Những nhu cầu, định hướng phát triển của từng ngành nghề sẽ được xem xét độc lập. Một khi các ngành nghề công bố chiến lược tuyển dụng nhân tài và yêu cầu kỹ năng đáp ứng sự phát triển của thị trường, nó sẽ gần như ngay lập tức được chuyển hóa vào các chương trình giảng dạy trong trường đại học, các trường đào tạo nghề,… Bằng cách này, chiến lược đào tạo kỹ năng sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc hiện thực hóa kế hoạch chuyển đổi hoạt động của từng ngành nghề.

Suy nghĩ xanh

Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu và Singapore đang có những hành động kiên quyết để góp phần xây dựng một tương lai bền vững. Chính phủ nước này đã đặt ra Kế hoạch Xanh Singapore 2030 - vạch ra hành động cụ thể trong vòng 10 năm tới, củng cố các cam kết của Singapore theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong dài hạn vào năm 2050.

Vì vậy, sống xanh luôn là ưu tiên hàng đầu trong những chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng của Singapore. Ông Gog cho biết: "Chúng tôi đã thành lập Hội đồng Kỹ năng Xanh, nhằm thúc đẩy Kế hoạch Xanh Singapore 2030. Nó giúp các công ty và lĩnh vực khác nhau đạt được mục tiêu trung hòa carbon của họ. Cách tiếp cận này đảm bảo luôn có sẵn lực lượng lao động xanh "tinh nhuệ" để đẩy nhanh tiến độ của các mục tiêu khí hậu quan trọng."

Đầu tư nâng cao tay nghề

Singapore cũng cấp vốn cho công dân đầu tư nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Chương trình này nằm trong phong trào quốc gia SkillsFuture. Theo đó, người dân Singapore khi đủ 25 tuổi sẽ được cấp 400 đô la Singapore (và một khoản tiền bổ sung sau đó). Ông Gog cho biết: "Điều này cho phép chúng tôi trao quyền cho công dân và doanh nghiệp tiếp nhận việc đào tạo lại khi cần thiết." Cách tiếp cận này nhằm tạo ra sự linh hoạt để người lao động có thể tận dụng tối đa các kỹ năng mình có. Đồng thời không bỏ lỡ cơ hội nâng cao tay nghề, tránh bị "đào thải" khỏi thị trường lao động luôn không ngừng thay đổi.

Thiết kế lại công việc cho lực lượng lao động lớn tuổi

Giống như nhiều quốc gia, Singapore đang "sở hữu" lực lượng lao động già. Tuy nhiên, một kế hoạch riêng đã được thiết kế cho nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm này để đảm bảo rằng các công ty có thể giữ chân họ khi dân số giảm.

SkillsFuture Singapore có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá các kế hoạch về lực lượng lao động, tập trung vào những ngành có tỉ lệ người lớn tuổi cao nhất. Từ đó, hội đồng này tư vấn, hỗ trợ các công ty phân bổ thời gian, thiết kế lại công việc phù hợp cho những người lao động lớn tuổi, để họ tiếp tục góp mặt trong thị trường lao động.

Cân bằng nguồn nhân lực trong nước và quốc tế

Ông Gog cho biết, Singapore đang ở trạng thái đầy đủ việc làm và không thể "vắt kiệt thêm" lực lượng lao động của mình. Để giải quyết thách thức này, Chính phủ đã tạo ra các giải pháp để khai thác nguồn nhân lực nước ngoài. Tuy nhiên, Singapore luôn tính toán, quản lý chặt chẽ để đảm bảo sự cân bằng giữa 2 lực lượng trong nước và quốc tế, đồng thời ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội địa.

Bên cạnh những kinh nghiệm trên, theo ông Gog, hình thành mạng lưới kỹ năng toàn cầu - nơi mà tất cả quốc gia trên thế giới có thể hỗ trợ nhau nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh làn sóng công nghệ đang "xâm nhập" thị trường lao động cũng là một hành động thiết thực.

Học tập suốt đời - nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng sẽ giúp mỗi người tạo nên khác biệt và luôn sẵn sàng cho tương lai của công việc.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore Ong Ye Kung đã từng nói: "Kỹ năng hiện nay là thứ có giá trị cao và các kỹ năng cần được mài dũa trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tất cả chúng ta cần tiếp tục học hỏi và nâng cao kỹ năng của mình trong suốt cuộc đời".