30 thành viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt cúi đầu trước thân nhân nạn nhân vụ thảm sát tại làng Hà My

PV
18:16 - 15/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 14/2, lễ Tưởng niệm 55 năm vụ thảm sát tại Xóm Tây, làng Hà My, phường Điện Dương được UBND phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam tổ chức. Tham dự sự kiện có 30 thành viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt (Hàn Quốc), đông đảo người dân và thân nhân các nạn nhân vụ thảm sát năm xưa.

30 thành viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt (Hàn Quốc) cúi đầu trước thân nhân nạn nhân vụ thảm sát ở Hà My - Ảnh 1.

Các thành viên Quỹ Hòa bình Hàn – Việt cúi mình bày tỏ sự ăn năn hối lỗi trước người dân và thân nhân vụ thảm sát năm xưa. Ảnh: K.L/ baoquangnam.vn

Ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968), tại Xóm Tây, làng Hà My, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) đã xảy ra vụ thảm sát tập thể do các binh lính thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) gây ra. Vụ thảm sát khiến 135 người dân vô tội, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em thiệt mạng. Đây là vụ thảm sát lớn nhất trên địa bàn huyện Điện Bàn.

Vụ thảm sát ám ảnh những người còn sống

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam chia sẻ, mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau thương, ám ảnh kinh hoàng của những người còn sống sót sau vụ thảm sát năm xưa vẫn còn đó.

Năm 2020, được sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc cùng nguồn kinh phí địa phương và sự đóng góp của người dân, một nhà bia đã được xây dựng tại nơi từng xảy ra vụ thảm sát để làm nơi tưởng niệm, hương khói, thăm viếng những người đã mất. Năm 2011, vụ thảm sát tại Xóm Tây – Hà My được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tại lễ tưởng niệm, các thành viên Hội Hòa bình Hàn – Việt đã bày tỏ sự xấu hổ và ăn năn hối lỗi vì những tội ác mà binh sĩ Nam Triều Tiên đã gây ra trong quá khứ, đồng thời cầu mong sự tha thứ từ người dân làng Hà My, thân nhân những nạn nhân vụ thảm sát, đặc biệt những nạn nhân vô tội 55 năm trước.

Năm 2018, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt đã hỗ trợ cải tạo Bia tưởng niệm nhân dịp kỷ niệm 50 năm vụ thảm sát Hà My, đồng thời thúc đẩy dự án hỗ trợ cải thiện môi trường giáo dục cho 4 trường tiểu học ở phường Điện Dương vào năm 2019. Đồng thời, tiếp tục xúc tiến dự án hỗ trợ xây dựng 4 sân chơi thân thiện với môi trường tại 4 điểm trường tiểu học trên địa bàn phường Điện Dương vào năm 2020. Trong chuyến thăm lần này, Quỹ cũng sẽ tổ chức lễ trao 90 suất học bổng cho học sinh Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng, trị giá mỗi suất 1 triệu đồng.

Hàn Quốc lần đầu tiên thừa nhận trách nhiệm, bồi thường nạn nhân trong vụ thảm sát ở làng Phong Nhất - Phong Nhị

Trước đó ngày 7/2, Tòa Seoul ra phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won cho bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân mất gia đình trong vụ thảm sát ở Quảng Nam năm 1968.

Theo phán quyết được Tòa án Trung tâm Quận Seoul, chính phủ Hàn Quốc phải bồi thường 30 triệu won (khoảng 24.000 USD) cho bà Nguyễn Thị Thanh, người mất gia đình trong vụ thảm sát do lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của Hàn Quốc thực hiện hơn nửa thế kỷ trước.

Năm 1968, binh lính trong lữ đoàn này đã xả súng thảm sát 74 người ở làng Phong Nhất - Phong Nhị, xã Điện An, tỉnh Quảng Nam. Năm 2020, bà Thanh đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc, đòi bồi thường số tiền trên.

Tòa bác bỏ quan điểm của chính phủ Hàn Quốc rằng họ được miễn trừ đối với vụ kiện đòi bồi thường của một công dân Việt Nam, cũng như lập luận rằng sự tham gia của quân đội Đại Hàn trong vụ thảm sát chưa được chứng minh rõ ràng, hay vụ nổ súng là "hành động chính đáng do tính chất đặc biệt của cuộc chiến".

"Thực tế là các thành viên trong gia đình nguyên đơn đã thiệt mạng tại địa điểm này và bà Thanh phải chịu nhiều vết thương nghiêm trọng do quân đội Hàn Quốc gây ra", tòa án cho biết, thêm rằng sự việc là "hành động phạm pháp rõ ràng".

Trong cuộc gọi trực tuyến từ Việt Nam, bà Thanh hoan nghênh phán quyết của tòa. Bà nói "vô cùng vui mừng" và quyết định này "sẽ là niềm an ủi hương linh những người thiệt mạng".

Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc thừa nhận trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1968 tại Việt Nam.

Tháng 9/2016, Quỹ Hòa bình Hàn-Việt (thuộc Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc) được thành lập, kế thừa và phát huy phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được khởi phát từ năm 1999 do các cá nhân, đoàn thể xã hội Hàn Quốc phát động. Qua đó, cùng chung tay xây dựng tương lai hòa bình, bền vững; hàn gắn những nỗi đau chiến tranh ở Việt Nam cũng như Hàn Quốc. Đồng thời, triển khai các hoạt động xác minh sự thật lịch sử, xin lỗi và hối cải về chiến tranh Việt Nam, tưởng niệm nạn nhân của các vụ thảm sát, hỗ trợ các nạn nhân và địa phương bị thiệt hại trong chiến tranh.

Nguồn: Tổng hợp